Lưu giữ, nâng niu giá trị văn hóa truyền thống
Là đất nước có nhiều dân tộc cùng chung sống, trong một năm có rất nhiều ngày lễ trọng theo truyền thống. Trong đó, Vu lan là ngày lễ thường được tiến hành vào những ngày giữa tháng Bảy âm lịch, mang ý nghĩa báo hiếu đấng sinh thành, nhắc nhở mọi người nhớ về nguồn cội...
Dù khá trịnh trọng, giọng ông trung niên vẫn pha đẫm văn hoa:
- Vào những ngày này, nhà nào nhà nấy đều thành kính sắm sửa mâm lễ, vừa nhớ về nguồn cội, vừa báo hiếu với cha mẹ, lại vừa làm việc thiện, xá tội vong nhân chúng sinh thiếu may mắn, không nhà, không cửa... tư tưởng, triết lý sống ấy phù hợp với tư duy, bản chất dung dị, thuần chất của người Việt ta, bởi những con dân của nền văn minh lúa nước luôn khắc ghi trong lòng đạo lý: "chẳng ở đâu có điểm tựa vững chắc như cha, cũng không nơi nào vòng tay ấm áp, yêu thương bao la như mẹ", cho dù cuộc sống có đủ đầy hay còn khó khăn, thiếu thốn, đang bình yên hay khói lửa, binh đao, giặc giã...
Chớp chớp mắt, bác da ngăm ngăm thở dài sườn sượt:
- Thật tiếc là trong cuộc sống hôm nay, nét văn hóa truyền thống đó đang bị không ít người hiểu sai lệch, thậm chí còn bị lạm dụng, bởi không tìm hiểu và biết rõ về sự tích, ý nghĩa của Lễ Vu lan, mải mốt chạy theo số đông, hoặc lệ thuộc lời phán dạy của những người làm nghề cúng bái, đồng cốt, tướng số... quan niệm “trần sao, âm vậy” nên chuẩn bị đồ cúng, vàng mã hoành tráng để được tổ tiên phù hộ, độ trì; cho những người thế giới bên kia được hưởng sung túc, đủ đầy. Nếu trước kia vàng mã chỉ là quần áo, giày mũ, tiền giấy, thì nay là đồ trang sức, xe máy, ô-tô, biệt thự, thâm chí cả... người giúp việc! Giá cả thì tất nhiên rồi, “tiền nào của nấy” có thể vài trăm nghìn, cũng có khi vài triệu đồng hoặc hàng chục triệu đồng.
Tham gia ngắn gọn nhưng luận điểm của anh chàng nhỏ thó rất thực tế:
- Nhà nước ta đã có những quy định cụ thể, như Nghị định 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ “Ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng”, ghi rõ: “Cấm đốt đồ mã ở nơi công cộng”; Điều 15, Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo” ghi: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa”... nhưng xem chừng “phép vua thua lệ làng”, khi hằng năm vẫn có tiền triệu, tiền tỷ hóa thành tro bụi, vì không ít bà con mải mốt mang tiền thật mua đồ giấy về đốt. Em trộm nghĩ, hạn chế được thì với số tiền này, sẽ có bao ngôi trường được xây mới? bao bệnh viện, trạm xá, nhà văn hóa, công trình công cộng mọc lên? bao trẻ em được đến trường, bao người nghèo được cứu chữa, có tiền trả viện phí?...
Sau một hồi suy nghĩ, ông trung niên mềm mỏng:
- Nâng niu giá trị văn hóa dân tộc, lưu giữ và phát huy truyền thống là việc nên làm và phải làm. Phải hiểu đúng giá trị, tôn trọng tín ngưỡng văn hóa dân tộc; phê phán, hạn chế và triệt tiêu những hành vi mê tín dị đoan, gây tốn kém và lãng phí để tích cực xây dựng thành công đời sống văn hóa mới, hiện đại. Hướng tới tổ tiên phải bằng lòng thành, tâm sáng, hướng thiện, chứ không phải “mâm cao, cỗ đầy”, vật phẩm cúng lễ tiền trăm, tiền triệu, xa hoa, lãng phí. Cụ thể hơn, tổ chức Lễ Vu lan nhưng không làm ảnh hưởng tới giao thông, sinh hoạt chung của cộng đồng; hành thiện báo hiếu tổ tiên, cha mẹ bằng các việc làm thiết thực như cứu giúp người thiếu may mắn, hỗ trợ người nghèo thoát nghèo; các cơ sở thờ tự không tổ chức các hình thức dịch vụ tâm linh cùng những nghi lễ không phù hợp truyền thống, chính pháp. Đừng để những nghi thức phức tạp, lễ vật tốn kém, hủ tục lạc hậu làm mất đi giá trị văn hóa đích thực của lễ hội nói chung, Vu lan báo hiếu, xá tội vong nhân nói riêng. Phải như thế các chú nhỉ?