Lưu giữ văn hóa truyền thống của quê hương

Là vùng đất có bề dày về truyền thống cách mạng và văn hóa, chính quyền và Nhân dân huyện Triệu Phong luôn duy trì việc tổ chức các lễ hội như Chợ đình Bích La, đua thuyền hay quảng bá, giới thiệu các món ăn đặc sản của quê hương đến với bạn bè trong, ngoài tỉnh.

 Lễ cầu thần Kim Quy tại Chợ đình Bích La, xã Triệu Thành, Triệu Phong -Ảnh: Hoài An

Lễ cầu thần Kim Quy tại Chợ đình Bích La, xã Triệu Thành, Triệu Phong -Ảnh: Hoài An

Lễ hội Chợ đình Bích La được biết đến là một trong những lễ hội cổ truyền mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của không chỉ người dân thôn Bích La, xã Triệu Thành mà còn của người dân toàn huyện Triệu Phong. Đây là phiên chợ đặc biệt, chỉ diễn ra một lần duy nhất trong năm, vào đêm mồng 2, rạng sáng ngày mồng 3 tết Nguyên đán và đã tồn tại hàng trăm năm qua.

Tương truyền, tại hồ nước trước đình làng Bích La xưa có một con rùa vàng sinh sống. Hằng năm, vào rạng sáng mồng 3 tết Nguyên đán dân làng đến thắp hương, dâng hoa ở đình làng và xem rùa nổi lên quanh hồ. Năm nào, rùa nổi là điềm báo tốt lành một năm mưa thuận gió hòa, dân làng làm ăn phát đạt, thịnh vượng. Khi rùa không nổi báo hiệu một năm thất bát, vì vậy, dân làng nghĩ ra cách gõ mõ, đánh thanh la thức rùa vàng dậy, bơi lội trên mặt hồ để ban phát cho dân làng vận may, phát tài phát lộc.

Vì thế, lễ hội Chợ đình Bích La từ đó mà hình thành. Người ta đến đây chủ yếu để gặp gỡ, thăm hỏi nhau và trao đổi một số mặt hàng nông sản cây nhà lá vườn để cầu lộc đầu năm. Có người chỉ đi bán mớ cá nhỏ, mua mớ rau xanh hay vài bó hoa tươi, chùm trái ngọt để đổi lấy nén hương mang viếng đình làng, tỏ tấm lòng thành cũng như sự tôn kính với tổ tiên. Tuy chỉ là lễ hội truyền thống của một vùng quê nhỏ nhưng có ý nghĩa tâm linh, mang nét sinh hoạt văn hóa dân gian tốt đẹp trong cộng đồng nên là một điểm du xuân hấp dẫn ở Quảng Trị. Đi chợ đình, mọi người được hòa mình trong không gian trầm mặc và ngắm quang cảnh của làng quê trên đường đổi mới, phát triển. Đối với phần chợ, mọi người ai cũng muốn mua một sản vật của quê hương để cầu chúc may mắn đến với gia đình trong năm. Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của COVID-19, nhiều hoạt động buộc phải tạm dừng. Thế nhưng chính quyền địa phương vẫn nỗ lực duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống như Chợ đình Bích La, đua thuyền hay lễ hội của ngư dân vùng biển như một cách để truyền bá, lưu giữ nét đẹp văn hóa xưa.

Tại Triệu Phong, nét đẹp văn hóa truyền thống không chỉ được lưu giữ thông qua các lễ hội mà còn thông qua ẩm thực, những món ăn đặc sản. Một trong số đó phải kể đến chợ Sãi (gọi theo tên xưa của vùng đất chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên từng trấn ngự, nay thuộc xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, ngay cạnh Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn) là nơi nức tiếng với các món nem lụi: “Nem chợ Sãi, vải La Vang, khoai Quán Ngang, dầu tràm Đại Nại”. Không phải ngẫu nhiên mà món ngon này là đặc sản lọt vào Top 100 đặc sản, món ăn, sản vật Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và Tổ chức Top Việt Nam công bố năm 2020, trở thành “linh hồn” của một vùng đất, khiến cho ai có dịp đến đây cũng nhất định phải ghé ăn thử một lần.

 Món nem chợ Sãi -bản “giao hưởng” mang hương vị quê hương - Ảnh: T.P

Món nem chợ Sãi -bản “giao hưởng” mang hương vị quê hương - Ảnh: T.P

Nem lụi chợ Sãi đơn giản được làm từ thịt xay được viên tròn hoặc dài bằng ngón tay xâu vào que tre đem nướng. Nhưng đặc sắc của nem lụi nơi đây là cách ướp gia vị vào thịt viên để khi nướng lên, bên ngoài săn giòn mà bên trong mềm tươi, rất ngọt. Nem nướng lên cho vào trong lớp bánh đa mỏng cuốn cùng các loại rau sống, vả, xoài, chuối xanh cắt lát mỏng rồi chấm với nước lèo vừa ngọt bùi vừa thơm đậm đà. Đưa lên miệng, vị thơm ngọt của thịt, vị chua của xoài, vị chát của vả, mùi thơm của rau, vị béo bùi của nước chấm hòa thành “bản giao hưởng” hương vị đồng quê khiến ai ăn một lần thì khó mà quên được.

Chị Thu Hà, chủ quán “Thu Hà đặc sản nem lụi chợ Sãi” tiết lộ, món ăn đặc sản này đã được gia đình chị lưu truyền qua 3 đời. Ở chợ Sãi bây giờ không còn nhiều nhà làm nem nữa, có khoảng vài ba nhà bày bán trong chợ hoặc mở quán tại nhà. “Nem chợ Sãi nổi tiếng phần nhờ bí quyết gia truyền, phần nhờ sự cẩn trọng, trách nhiệm của người làm ra nó. Ngày thường tôi làm, chủ yếu bán cho người dân trong vùng nhưng đến dịp lễ, Tết, số lượng khách đến ăn, đặt hàng đông”. Đặc biệt, qua thời gian, món ăn đặc này cũng đã theo chân những người con Triệu Phong đi đến khắp mọi miền Tổ quốc. Họ tự hào khi nói về truyền thống văn hóa quê hương, chia sẻ về những lễ hội, những món ngon mang đậm hương vị quê nhà.

Những năm qua, huyện Triệu Phong luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, đánh thức tiềm năng du lịch. Trước thời điểm dịch bệnh xảy ra, huyện Triệu Phong đã đưa ra nhiều giải pháp để phát triển, trong đó có mở tour du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh và trải nghiệm. Với tour du lịch này, du khách đến với Triệu Phong sẽ tham quan chùa Sắc Tứ Tịnh Quang-quần thể di tích Chúa Nguyễn Hoàng-quần thể di tích Thành Cổ Quảng Trị-Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn rồi đến thưởng thức ẩm thực truyền thống chợ Sãi. Cùng với đó là đưa các món ăn đặc sản đến với các hội chợ, lễ hội ẩm thực nhằm quảng bá đặc sản của địa phương. Có thể khẳng định rằng, việc lưu giữ và phát huy các nét văn hóa đã và đang làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng dân cư nơi đây ngày càng phong phú, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.

Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Triệu Phong Lê Viết Anh cho hay, hiện huyện đang xây dựng đề án nâng cao chất lượng các phong trào văn hóa cơ sở, trong đó lưu giữ những di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp như: lễ hội, ẩm thực, tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian... Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa việc bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch, từ đó tạo ra sinh kế cho người dân, giúp họ có ý thức hơn trong việc giữ gìn truyền thống mà ông cha để lại. Cùng với đó là tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu văn hóa truyền thống trên các phương tiện thông tin đại chúng. Với sự quyết tâm đồng lòng của chính quyền và Nhân dân, văn hóa truyền thống không chỉ xuất hiện trong các ngày lễ, hội mà sẽ luôn hiện diện trong cuộc sống hằng ngày của người dân huyện Triệu Phong.

Trúc Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=166575&title=luu-giu-van-hoa-truyen-thong-cua-que-huong