Lưu ý cho người tăng huyết áp khi dùng thuốc ho

Mặc dù thuốc ho có thể giúp làm dịu cơn ho, nhưng nếu có tiền sử tăng huyết áp thì không phải loại thuốc ho nào cũng an toàn để sử dụng.

Người bệnh tăng huyết áp cần thận trọng khi dùng thuốc ho

Có nhiều loại thuốc ho và thuốc cảm có bán ở hiệu thuốc, những loại thuốc này không chữa khỏi cảm lạnh hoặc ho nhưng được thiết kế để giảm bớt các triệu chứng. Việc chọn loại thuốc ho và cảm lạnh phù hợp sẽ tùy thuộc vào các triệu chứng của từng người.

Hầu hết các loại thuốc ho và cảm là công thức đa triệu chứng. Thành phần thường thấy trong các loại thuốc này bao gồm: Thuốc giảm ho, paracetamol hoặc các thuốc giảm đau không steroid (NSAIDs) để giúp giảm đau và viêm, thuốc thông mũi để giúp giảm nghẹt mũi…

Không phải tất cả các loại thuốc ho đều an toàn khi sử dụng cho những người bị huyết áp cao. Một số có thể làm tăng huyết áp, gây nguy hiểm nếu người bệnh đã bị tăng huyết áp và có các yếu tố nguy cơ tim mạch khác.

Mặc dù việc kiểm soát các triệu chứng là rất quan trọng, nhưng điều quan trọng không kém là phải nhận thức được các tác dụng phụ tiềm ẩn và các biến chứng có thể xảy ra của bất kỳ loại thuốc nào khi dùng. Vì vậy, giống như các loại thuốc khác, người bệnh tăng huyết áp nên hết sức thận trọng khi dùng thuốc ho.

Rủi ro của thuốc ho và tăng huyết áp

Thuốc thông mũi là một trong các thuốc rất phổ biến, dùng để điều trị các bệnh về mũi họng, thường chứa các thành phần như pseudoephedrine, ephedrine, phenylephrine, naphazoline hoặc oxymetazoline...

Thuốc hoạt động bằng cách thu hẹp các mạch máu và cho phép ít chất lỏng vào xoang hơn. Điều này có thể làm khô chất nhầy và giảm ho. Nhưng mạch máu co thắt có thể làm trầm trọng thêm bệnh cao huyết áp hoặc bệnh tim đã mắc.

Nhiều loại thuốc ho có chứa thành phần là thuốc thông mũi có thể có tác động tiêu cực đến hệ tim mạch. Những ảnh hưởng này có thể gây ra những hậu quả đáng kể ngay cả khi sử dụng trong thời gian ngắn đối với người mắc bệnh tăng huyết áp. Khi cần dùng thuốc, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về rủi ro và các thuốc điều trị thay thế.

Sử dụng thuốc chống viêm không steroid (thuốc NSAID) cũng có thể làm tăng huyết áp cũng như nguy cơ bị đau tim. Những người bị huyết áp cao và các yếu tố nguy cơ tim mạch khác, sử dụng NSAID có nguy cơ bị đau tim cao hơn gấp ba lần trong vòng một tuần, sau khi dùng thuốc so với những người không dùng NSAID.

Hơn nữa các thuốc giảm đau NSAID có thể ảnh hưởng bất lợi đến tác dụng của các thuốc hạ huyết áp. Vì vậy, để sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, người bệnh tăng huyết áp không nên tự ý dùng thuốc mà cần dùng thuốc theo chỉ định và dưới sự giám sát của bác sĩ hoặc nhân viên y tế.

Khi sử dụng thuốc ho người bệnh cao huyết áp cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia y tế.

Khi sử dụng thuốc ho người bệnh cao huyết áp cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia y tế.

Ngoài ra, một số loại thuốc có hàm lượng natri cao, vì vậy, ngoài việc kiểm tra nhãn để xem có chất thông mũi hay không, cũng nên kiểm tra hàm lượng natri trong sản phẩm, vì hàm lượng natri cao cũng có thể làm tăng huyết áp.

Các biện pháp chữa ho an toàn khác

Ngoài thuốc, các biện pháp khác có thể giúp làm dịu cơn ho và các triệu chứng liên quan nếu cho người cao huyết áp, bao gồm:

- Uống nhiều nước lọc, nước trái cây, trà và nước canh có thể giúp làm sạch phổi khỏi đờm và chất nhầy.

- Tắm nước nóng hoặc hít hơi nước từ nồi nước nóng có thể làm loãng đờm, giúp giảm ho.

- Mật ong đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc giảm ho ở người lớn và trẻ em từ một tuổi trở lên. Nên uống 1,5 thìa cà phê hoặc 10 gam mật ong trước khi đi ngủ.

- Sử dụng máy tạo độ ẩm hoặc máy phun sương bổ sung độ ẩm cho không khí và đường mũi, giúp làm dịu cơn ho.

- Súc miệng bằng nước muối có tác dụng làm dịu cơn đau họng và ho.

- Nghỉ ngơi nhiều là một trong những cách tốt nhất để hỗ trợ hệ thống miễn dịch và phục hồi nhanh sau khi ốm.

DS. Nguyễn Thị Trang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/luu-y-cho-nguoi-tang-huyet-ap-khi-dung-thuoc-ho-169230213202952295.htm