Lưu ý để hạn chế ô tô nổ lốp và cách xử lý để tránh hậu quả?
Nổ lốp ô tô là trường hợp đặc biệt nguy hiểm khi di chuyển trên đường, nguyên nhân đến từ nhiều lý do chủ quan cũng như khách quan. Để hạn chế tình trạng này, tài xế cần nắm vững một số lưu ý quan trọng cũng như cách xử lý để giảm thiểu thiệt hại.
Lưu ý để ô tô tránh nổ lốp
Một trong những nguyên nhân dẫn đến ô tô bị nổ lốp đến từ thói quen sử dụng của nhiều người. Lốp ô tô quá non hoặc quá căng sẽ là nguyên nhân chính mà nhiều người chủ quan không để ý.
Trường hợp lốp non khiến thành lốp bị cong, bẹp, và chịu lực ngang do chính tải trọng xe, gây nên hiện tượng gãy thành lốp quanh chu vi thành lốp. Khi thép ở thành lốp bị gãy, lốp sẽ mất khả năng chịu tải thành lốp và gây nổ lốp.
Nếu áp suất lốp quá căng, không khí bên trong lốp xe nóng lên và gây áp lực lớn lên thành lốp. Việc này rất dễ khiến lốp xe bị nổ khi bị chèn ép, va chạm mạnh với vật cản hoặc phương tiện khác.
Do đó, ô tô cần được bơm áp suất lốp phù hợp và chủ xe nên dùng bộ cảm biến áp suất lốp để theo dõi tình trạng lốp.
Việc ô tô nổ lốp còn đến từ xe cán phải vật sắc nhọn như đinh, đá găm hoặc miếng sắt sẽ dẫn đến thủng và làm xì hơi bánh xe. Hoặc nghiêm trọng hơn là nổ lốp nếu xe đang chạy với tốc độ cao. Bên cạnh đó, với những chiếc xe tải, khi bánh xe bị xì hơi có thể gây mất cân bằng và dễ xảy ra hiện tượng lật vô cùng nguy hiểm.
Theo chuyên gia, lốp ô tô cần được thay thế sau 7 năm hoặc độ sâu gai tại điểm báo mòn là 1,6 mm. Sau thời gian sử dụng, lốp xe sẽ bị hao mòn, sợi cao su và sợi bố bị tách ra khiến cho lốp mỏng và giảm khả năng chịu áp lực. Do đó, sử dụng lốp xe quá cũ hoặc bị hao mòn quá nhiều có thể khiến các bộ phận bị hư hỏng khi vận hành xe ở tốc độ cao, cộng với các tác nhân như nhiệt độ, áp suất lốp, xe chở vượt tải trọng hay cán phải vật sắc nhọn,… dễ dẫn đến nổ lốp xe.
Xử lý thế nào khi nổ lốp ô tô
Chuyên gia khuyên lái xe những cách xử lý trong trường hợp lốp ô tô bị nổ khi di chuyển trên đường.
Giữ thật chắc vô-lăng: Trong trường hợp đang di chuyển, lốp ô tô bất ngờ bị nổ, người lái cần phải bình tĩnh và cố gắng giữ thật chắc vô-lăng để tránh mất kiểm soát xe. Người lái điều khiển xe tiếp tục đi thẳng, nếu xe đi lệch thì nên bẻ lái với hướng ngược lại để xe đi đúng vào làn đường của mình nhằm hạn chế tình trạng xe lấn sang dải phân cách hoặc làn của phương tiện khác.
Giảm nhẹ chân ga từ từ: Khi bị nổ lốp, ô tô sẽ có tình trạng xóc mạnh, khi đó, người lái cần kiểm soát tốt tốc độ, không được thả chân ga ngay lập tức mà hãy giảm nhẹ từ từ.
Rà phanh: Sau khi thả nhẹ chân ga, người lái bắt đầu rà phanh để giảm tốc độ xe nhằm tránh xảy ra tai nạn.
Quan sát và tấp vào lề đường: Khi tình hình đã được kiểm soát, người lái cần phải bật đèn khẩn cấp để báo hiệu cho các phương tiện khác biết. Sau đó, hãy quan sát xung quanh và tìm vị trí an toàn để tấp xe vào lề đường và dừng lại. Tài xế cần lưu ý rằng, nếu xe vẫn còn di chuyển được thì không nên dừng lại giữa đường.
Thay lốp xe mới hoặc gọi ngay cho cứu hộ: Sau khi xe đã đỗ ở nơi an toàn, nếu có sẵn lốp dự phòng thì người lái hãy tiến hành thay lốp mới. Trong trường hợp không có lốp dự phòng thì hãy gọi ngay dịch vụ cứu hộ để kéo xe về và hỗ trợ sửa chữa.