Lưu ý điểm mới về đề thi

Năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới so với hiện nay, đặc biệt là về đề thi.

Vì thế, đề thi tham khảo 18 môn của kỳ thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố giúp các nhà trường trong việc tổ chức cho học sinh làm quen với đề thi về cấu trúc, hình thức, phạm vi, các mức độ kiến thức...

Việc ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong tháng 11-2024 sẽ giúp học sinh, giáo viên định hình rõ nét, đầy đủ hơn trong khâu chuẩn bị.

Đề thi có mức độ phân hóa rõ ràng hơn

Năm 2025, khoảng hơn 1 triệu học sinh đang học lớp 12 trên cả nước sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhằm giúp các nhà trường có định hướng trong việc dạy học, ôn tập cho học sinh, ngày 18-10-2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố 18 đề tham khảo các môn của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.

Nhận định về đề thi tham khảo, nhiều chuyên gia và giáo viên cho rằng, đề thi các môn đều bảo đảm đủ 4 cấp độ kiến thức, bao gồm nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Các câu hỏi trong đề thi có mức độ phân hóa rõ ràng hơn, điều này vừa bảo đảm mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa hỗ trợ cho công tác xét tuyển đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Huỳnh Văn Chương cho biết, nhằm bảo đảm tính khách quan, toàn diện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã mời thành phần tham gia xây dựng đề thi là các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, giáo viên, các chủ biên xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tác giả sách giáo khoa... Toàn bộ 18 đề tham khảo đã ban hành bảo đảm đúng về cấu trúc, định dạng theo quy định, sát chương trình; phạm vi nội dung tập trung ở lớp 12.

Thông tin rõ thêm về điểm mới trong cấu trúc định dạng đề thi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Ngọc Hà cho hay, cấu trúc mới giữ nguyên 40 lệnh hỏi ở hầu hết các môn. Tuy nhiên, với đề thi các môn trắc nghiệm khách quan, ngoài dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn học sinh đã quen thuộc, đề thi từ năm 2025 có thêm dạng trắc nghiệm mới. Cụ thể, các câu hỏi ở đề thi trắc nghiệm được chia thành 3 phần: Phần 1 gồm các câu hỏi dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn; phần 2 gồm các câu hỏi dạng thức trắc nghiệm đúng - sai; phần 3 gồm các câu hỏi dạng thức trắc nghiệm trả lời ngắn.

Tăng cường hỗ trợ học sinh

Điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 là học sinh thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc (toán, ngữ văn) và 2 môn lựa chọn trong số các môn còn lại ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ. Trong số này chỉ có ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Hiện nay, việc xây dựng phương án ôn tập, đồng thời giúp học sinh tập dượt với đề thi có nhiều điểm mới là nội dung được các nhà trường trên địa bàn thành phố Hà Nội rất coi trọng. Theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thạch Bàn (quận Long Biên) Bùi Thùy Linh, năm học 2024-2025, nhà trường có 730 học sinh lớp 12. Ngay khi đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 được ban hành, các tổ nhóm chuyên môn của trường đã nghiên cứu, thảo luận, xây dựng ngân hàng đề kiểm tra, đánh giá. Đợt kiểm tra giữa học kỳ I vừa qua, nhà trường đã tổ chức cho học sinh tập dượt với kỳ thi, trong đó, đề thi của tất cả các môn được xây dựng bám sát cấu trúc, định dạng của đề tham khảo. Từ kết quả kiểm tra, nhà trường có thêm dữ liệu về mức độ đáp ứng của học sinh, từ đó kịp thời có biện pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả.

Căn cứ đề thi tham khảo, Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) cũng đã xây dựng ngân hàng đề kiểm tra ở từng môn và cho học sinh tập dượt thường xuyên. Em Nguyễn Trần Khánh An, học sinh lớp 12 của trường chia sẻ: “Nhà trường đã khảo sát, chia nhóm học sinh theo các môn thi lựa chọn. Hằng ngày, buổi sáng học sinh toàn khối 12 học theo thời khóa biểu bình thường, trong đó hai môn bắt buộc của kỳ thi là ngữ văn và toán được chú trọng. Buổi chiều, chúng em được chia theo nhóm các môn dự định lựa chọn đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông để ôn tập. Cách thức này giúp chúng em có thể trao đổi với các bạn có cùng nguyện vọng”. Ngoài những điểm mới liên quan đến đề thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến thay đổi cách tính điểm xét tốt nghiệp. Cụ thể là kết hợp sử dụng điểm thi và kết quả đánh giá quá trình 3 năm học cấp trung học phổ thông của học sinh theo tỷ lệ 50-50 (trước đây chỉ sử dụng kết quả đánh giá năm học lớp 12).

Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ được ban hành trong tháng 11-2024 để học sinh, giáo viên tiếp tục có định hình rõ nét, đầy đủ hơn trong khâu chuẩn bị, sẵn sàng đáp ứng tốt với kỳ thi đầu tiên theo chương trình mới.

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/giao-duc/luu-y-diem-moi-ve-de-thi