Lưu ý khai báo hải quan phải phù hợp với bản chất hàng hóa
Thực tế quản lý, cơ quan hải quan gặp phải trường hợp khai báo mã số không phù hợp với bản chất hàng hóa nhập khẩu, không đúng với Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam. Chẳng hạn, Chú giải 1 Chương 54 Thông tư 31/2022/TT-BTC thì mặt hàng vải dệt từ sợi filament thành phần 100% polyester thì không phải là vải dệt từ sợi filament tái tạo mà là từ sợi filament tổng hợp. Theo đó, vải dệt từ sợi filament tổng hợp thì thuộc nhóm 54.07; vải dệt từ sợi filament tái tạo thì thuộc nhóm 54.08.
Có cả tình trạng khai báo không đúng mã số hàng hóa tại Biểu thuế xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu được chi tiết ở cấp độ 10 số tại Biểu thuế xuất khẩu nhưng doanh nghiệp chỉ khai mã số HS ở cấp độ 8 số. Chẳng hạn, doanh nghiệp xuất khẩu khai báo hàng là “đá làm từ bột Cacbonat canxi được sản xuất từ đá hoa (marble), kích thước 0,12mm”, mã số HS 08 số: 2517.41.00 là chưa chính xác, thay vào đó mã số đúng là 10 số: 2517.41.00.20.
Ngoài ra, đối với mặt hàng là tài nguyên khoáng sản, có tình trạng khai thiếu chỉ tiêu mã quản lý riêng dẫn đến không đủ cơ sở áp mã số hàng hóa và áp dụng mức thuế suất. Theo Biểu thuế xuất khẩu, các mặt hàng thuộc nhóm 68.02 được chi tiết cụ thể từng mã số 8 số tại nhóm hàng STT 211, thuế suất thuế XK là 5%. Ví dụ, đối với mặt hàng được chi tiết tại nhóm hàng STT 211 Biểu thuế xuất khẩu, theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan, trường hợp mặt hàng có tổng giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng nhỏ hơn 51% thì khai chỉ tiêu mã quản lý riêng “TNKSD51” và bỏ trống, không khai thuế suất.
Thực tế, một số doanh nghiệp không khai báo chỉ tiêu mã quản lý riêng “TNKSD51” nên chưa đủ cơ sở để xác định mặt hàng xuất khẩu có thuộc nhóm hàng STT 211 Biểu thuế xuất khẩu hay không đủ xác định thuế suất thuế xuất khẩu./.