Lưu ý khi đặt bàn thờ thần tài, lệch một ly đi hết lộc
Thần Tài – Ông Địa là 2 vị thần thường được thờ chung giúp đem lại tiền tài, bảo quản vượng khí, tài lộc, giúp xua đuổi nguồn tà khí, hung khí.
Khi đặt bàn thờ Thần Tài – Ông Địa gia chủ nên quan tâm đến 2 vấn đề: hướng đặt bàn thờ và vị trí đặt bàn thờ.
Hướng đặt bàn thờ Thần Tài – Ông Địa
Có 2 hướng khi đặt bàn thờ Thần Tài – Ông Địa gia chủ nên chọn đó là hướng đón lộc và hướng tốt theo mệnh của gia chủ.
Chọn hướng đặt bàn thờ Thần Tài – Ông Địa theo mệnh gia chủ
- Mệnh Kim nên đặt bàn thờ Thần Tài quay về các hướng tốt như: Đông Bắc (Diên Niên), Tây Bắc (hướng sinh khí), Tây Nam (Thiên y).
- Mệnh Mộc nên đặt bàn thờ quay về các hướng tốt: Tây Bắc (Diên niên), Đông (Diên niên), Đông Nam ( Phục vị).
- Mệnh Thủy nên đặt bàn thờ Thần Tài – Ông Địa quay về các hướng tốt như: Tây (Diên niên), Tây Nam (Sinh Khí), Tây Bắc (Thiên Y), Đông Bắc (Phục Vị).
- Mệnh Hỏa nên đặt bàn thờ Thần Tài – Ông Địa quay về các hướng Nam (Sinh khí), Đông Nam (Diên niên), Bắc (Thiên y), Đông (Phục Vị).
- Mệnh Thổ nên đặt bàn thờ Thần Tài – Ông Địa quay về các hướng Đông Bắc (Diên Niên), Đông Nam (Phục vị).
Chọn hướng đặt bàn thờ Thần Tài – Ông Địa theo hướng đón lộc của gia chủ
Nhiều người lựa chọn hướng đặt bàn thờ Thần Tài – Ông Địa theo các cung như cung Thiên Lộc, cung Quý Nhân đều là 2 cung may mắn, cát khánh.
Cung Thiên Lộc - Hướng Đông Nam
Hướng Đông Nam là phương Lâm quan của Tuế can, gia chủ chọn hướng này sẽ mang lại may mắn về tiền bạc, sự hưng thịnh trong làm ăn kinh doanh, thăng tiến trong sự nghiệp.
Cung Quý Nhân - Hướng Tây Bắc
Cung Quý Nhân nằm ở hướng Tây Bắc, là quý nhân thiên ất – vị thần đứng đầu cát thần có khả năng chế ngự, hóa giải mọi điềm xấu, điềm chẳng lành, giúp đem đến may mắn, sự bình an, hóa dữ thành lành.
Nếu bạn chưa xác định rõ được các hướng thì bạn nên dùng la bàn. Bên cạnh đó, bạn cần phải dựa vào tuổi của gia chủ để có thể đặt vị trí bàn thờ Thần Tài hợp lý nhất và đảm bảo trước mặt bàn thờ cần sạch sẽ, thoáng đãng.
Vị trí đặt bàn thờ Thần Tài - Ông Địa
Bên cạnh việc chọn hướng, vị trí đặt bàn thờ Thần Tài cũng rất quan trọng. Khị chọn vị trí đặt bàn thờ Thần Tài, nên chú ý những điều sau đây:
Bàn thờ đặt ở nơi thoáng đãng
Tuyệt đối không đặt bàn thờ ở nơi tối tăm mà cần đặt ở nơi sáng, thoáng đãng. Trước mặt bàn thờ nên là một khoảng không gian thông thoáng, không có nhiều vật dụng che chắn. Do đó, mọi người thường hay đặt bàn thờ Thần Tài ở gần cửa ra vào tầng một.
Không nên đặt bàn thờ Thần Tài phía dưới hoặc đối diện gương, đèn, nhà vệ sinh, chậu rửa tay hoặc nơi có quá nhiều ánh sáng. Đây chính là một trong những điều kiêng kỵ khi đặt bàn thờ thần tài mà nhiều gia chủ phạm phải.
Không đặt bàn thờ trên cao
Theo truyền thuyết thì đất là nơi Ông Địa sống. Ông Địa là người cai quản đất đai, do đó, phải ở dưới đất để làm công việc của mình.
Còn Thần Tài thì có nhiều truyền thuyết khác nhau, trong đó, có chi tiết liên quan đến việc thần tài bị coi là người ăn mày khi xuống trần gian, sống trong góc nhà. Chính vì vậy, người ta đặt bàn Thần Tài và Thổ Địa ở dưới đất.
Dù thờ ở dưới đất nhưng các vị thần này lại rất ưa sạch sẽ, do đó, gia chủ cần thường xuyên lau dọn ban thờ.
Không nên đặt ban thờ Thần Tài phía dưới hoặc bên cạnh bàn thờ tổ tiên.
Nên đặt bàn thờ ở gần cửa ra vào
Ông Địa là người cai quản đất đai. Do đó, bất kỳ ai ra vào nhà cũng cần được sự cho phép của vị thần này. Việc đặt bàn thờ ở gần cửa ra vào sẽ giúp Ông Địa quan sát được mọi người, đồng thời kịp thời ngăn cản những kẻ xấu (ma, quỷ) không vào nhà.
Không nên đặt bàn thờ ngay chính giữa giữa cửa lớn ra vào. Có thể đặt bên trái hoặc bên phải, và đặc biệt không được quay lưng bàn thờ ra ngoài.
Khi đặt bàn thờ cần chú ý vị trí đặt cần thoáng đãng, được dọn dẹp sạch sẽ, Thần Tài rất thích sạch sẽ, thơm tho nên có thể xịt thêm chút nước hoa vào bàn thờ Thần Tài - Ông Địa.
Bàn thờ dựa vào tường
Bàn thờ Thần Tài bắt buộc phải dựa vào một bức tường vững chắc. Bức tường này không được trổ cửa sổ hay đục lỗ vì như thế thì tài vận không tụ lại mà sẽ thất thoát. Nếu trong nhà không có bức tường nào phụ hợp để bàn thờ tựa vào, bạn có thể dựng bức vách thay thế.
Bạn cần lưu ý rằng, bàn thờ Thần Tài không được đặt gần nhà vệ sinh, gần sọt rác, không đặt trước bếp, trước gương, trước phòng tắm. Tuyệt đối tránh để góc nhọn của đồ vật đối diện với bàn thờ Thần Tài.
Cách bố trí trên bàn thờ Thần Tài như thế nào
- Đầu tiên là vị trí sắp xếp : Nếu ban thờ có cả ông Thần Tài và Thổ Địa thì nhìn theo hướng bàn thờ từ trong nhà ra bên trái là ông Thần Tài và bên phải là ông Thổ Địa. Bên phải là Thần Tài, bên trái là Ông Địa theo hướng nhìn từ bên ngoài nhìn vào.
- Đặt bát hương ngay chính giữa ban thờ Thần Tài.
- Năm chén nước xếp nằm ngang trên khay hình chữ nhật. Hoặc có thể xếp năm chén nước thành hình chữ thập.
- Tiếp theo 2 hũ đựng gạo, muối, có thể là 2 chum nhỏ có nắp đậy kín. Những hũ này không cần thay đổi thường xuyên mà nên để đến cuối năm rồi thay 1 lần.
- Nếu có thờ thần Cóc (Thiềm Thừ), tốt nhất là nên đặt chéo với cửa ra vào, tránh đặt đối diện, ban ngày nên xoay thần Cóc ra ngoài, nhưng ban đêm thì quay vào bên trong.
Đồng thời, gia chủ cần thường xuyên lau chùi ban thờ sạch sẽ để vượng khí và hút nhiều tài lộc hơn. Lưu ý không nên lau dọn ban thờ Thần Tài vào các ngày: Ngày nguyệt kỵ: 5, 14, 23 (âm lịch); Ngày tam nương: 3,7,13,18,22,27 (âm lịch).
* Thông tin mang tính chất tham khảo