Lưu ý khi ôn tập môn Toán thi tốt nghiệp THPT giai đoạn nước rút
Ôn tập môn Toán trong giai đoạn nước rút, học sinh cần nắm vững các dạng Toán. Đồng thời, rèn luyện kỹ năng làm bài, tránh sai sót không đáng có.
Nắm vững các dạng Toán
Chỉ còn vỏn vẹn một tháng nữa, sĩ tử cả nước sẽ bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Vì vậy, theo các thầy cô, trong giai đoạn "nước rút" này có vai trò rất quan trọng. Học sinh cần có cách ôn luyện phù hợp với năng lực và bám sát cấu trúc đề thi để tránh bị tâm lý hoang mang, nhụt chí.
Thầy Trịnh Quốc Phượng, tổ trưởng môn Toán, Trường THPT Triệu Sơn 3 (Triệu Sơn, Thanh Hóa) cho rằng, ở giai đoạn "nước rút" này học sinh cần nắm vững các dạng Toán. Phân tích đề thi tham khảo năm nay cho thấy, đề thi bám sát cấu trúc và giữ ổn định về phạm vi kiến thức so với đề thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây.
“Đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT năm nay bám rất sát với Chương trình giáo dục THPT hiện hành và cũng giữ ổn định về phạm vi kiến thức. Đề thi có khoảng 90% là kiến thức nằm trong chương trình lớp 12 và 10% còn lại là nội dung trong chương trình lớp 11. Vì vậy, học sinh có thể bám vào đề thi tham khảo năm nay và đề thi của những năm trước để ôn tập”, thầy Phượng chia sẻ.
Nếu đề thi chính thức năm nay không có gì thay đổi về độ khó và dạng bài so với đề tham khảo, thí sinh có thể tự tin đạt được điểm 7, 8 trong trường hợp nắm vững kiến thức cơ bản.
Trong đề thi tham khảo có khoảng 5 câu có mức độ tư duy tương đối cao. Đây là câu hỏi dành cho học sinh chuyên Toán và học sinh có nền tảng kiến thức tốt. Để giải quyết được những câu này, thầy Phượng cho rằng, học sinh phải nắm vững các dạng Toán, có tư duy tổng hợp, phối hợp và vận dụng tốt các kiến thức mà mình đã tích lũy.
Với học sinh thuộc nhóm trung bình nên tập trung vào nhóm câu hỏi thuộc mức độ Nhận biết, Thông hiểu. Câu hỏi thuộc mức độ này chủ yếu là tái hiện lại kiến thức, công thức trong sách giáo khoa. Do đó, các em cần ghi nhớ và hiểu được công thức từ sách giáo khoa để vận dụng giải quyết yêu cầu của đề bài.
“Những câu hỏi thuộc mức độ Nhận biết, Thông hiểu chủ yếu tái hiện lại kiến thức. Vì vậy, ngoài nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa, các em cần đọc kỹ đề bài để hiểu rõ người ra đề muốn hỏi điều gì, tránh sơ xuất không đáng có”, thầy Phượng nói.
Với câu hỏi thuộc mức độ Vận dụng và Vận dụng cao, để giải quyết tốt những câu này, thầy Phượng cho rằng, học sinh cần nắm được các dạng Toán thường gặp trong các đề thi.
“Trong giai đoạn nước rút này, các em nên luyện nhiều dạng đề với những câu hỏi chất lượng cao thường gặp trong đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT, đề thi của các trường THPT chuyên,... Bởi, những câu hỏi vận dụng cao trong đề thi thường đạt đến mức độ tiệm cận của đề thi chính thức”, thầy Phượng cho hay.
Rèn rũa các kỹ năng quan trọng
Bên cạnh việc nắm vững kiến thức và luyện đề, học sinh cũng không quên rèn luyện các kỹ năng quan trọng khi làm bài khi ôn tập ở giai đoạn nước rút này. Một trong những sai sót không đáng có nhưng thí sinh thường xuyên mắc phải đó là làm đúng nhưng lại tô lệch. Để tránh bị mất điểm, các sĩ tử cần kiểm tra kỹ lại đáp án.
Ngoài ra, theo thầy Phượng, học sinh cũng cần rèn luyện kỹ năng sử dụng máy tính để giải nhanh, tìm ra đáp án đúng một cách nhanh nhất mà không phải trình bày lời giải một cách chi tiết.
“Đặc biệt, học sinh cần tỉnh táo để tránh mắc bẫy liên quan đến điều kiện của đề bài mà nhiều khi các em quên loại đi các nghiệm. Trường hợp này, thường gặp ở những câu vận dụng cao”, thầy Phượng chia sẻ.
Một lưu ý quan trọng cho sĩ tử ôn thi trong giai đoạn nước rút đó là dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý, có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Thông thường ở giai đoạn này, nhiều học sinh thường gồng mình ôn tập quá nhiều dẫn tới sức khỏe thể chất cũng như tinh thần bị sa sút.
Vì vậy, thầy Phượng cho rằng sĩ tử nên dành thời gian ôn tập với mức độ vừa phải. Tránh trường hợp luyện đề quá nhiều nhưng lại không có thời gian tổng hợp lại kiến thức, đúc rút những sai sót thường mắc phải trong quá trình luyện đề để bổ sung, sửa chữa kịp thời.
Hiện tại, thầy và trò Trường THPT Triệu Sơn 3 đã hoàn thành chương trình đối với lớp 12, bắt đầu bước sang giai đoạn ôn thi nước rút cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Đối với môn Toán, trong giai đoạn này nhà trường bố trí khoảng từ 40-50 tiết ôn tập cho học sinh.
Theo thầy Phượng, thuận lợi của giáo viên bộ môn Toán trong công tác ôn thi tốt nghiệp là hầu hết thầy cô đều có kinh nghiệm ôn thi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, nguồn tài liệu ôn thi cũng rất đa dạng, ngoài từ giáo viên nhà trường, Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng tích cực chia sẻ đề thi từ các trường trong tỉnh.
“Từ việc bám sát cấu trúc đề thi tham khảo, trên cơ sở đó giáo viên sẽ soạn các chuyên đề ôn tập theo 4 mức độ: Nhận biết, Thông hiểu, Vận dụng thấp và Vận dụng cao. Đồng thời, xây dựng đề thi, tích cực cho học sinh luyện đề”, thầy Phượng chia sẻ.
Theo kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, năm nay số lượng thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT của tỉnh là hơn 36.400 thí sinh. Trong đó, thí sinh hệ THPT hơn 32.300 em.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 tại Thanh Hóa được tổ chức với 75 Điểm thi. Trong đó, có 22 điểm thi thuộc khu vực miền, 3 điểm thi cách xa trung tâm TP Thanh Hóa hơn 200 km gồm: Trường THPT Quan Sơn, THPT Quan Hóa và THPT Mường Lát.
Năm nay, tỉnh Thanh Hóa dự kiến huy động hơn 6.200 người phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Trong đó, cán bộ coi thi gần 3.490 người, lực lượng công an, quân đội gần 800 người,...