Lưu ý khi sử dụng lao động chưa thành niên

Dịp nghỉ hè, một số trẻ em đi làm thêm để trải nghiệm và phụ giúp cha mẹ chuẩn bị cho năm học mới.

Tranh thủ ngày hè, nhiều trẻ em ở KP.6, TT.Vĩnh An (H.Vĩnh Cửu) cắt hom tràm thuê. Ảnh: Đ.PHÚ

Tranh thủ ngày hè, nhiều trẻ em ở KP.6, TT.Vĩnh An (H.Vĩnh Cửu) cắt hom tràm thuê. Ảnh: Đ.PHÚ

Tuy nhiên, để tránh tình trạng trẻ bị bóc lột sức lao động, làm những việc không phù hợp với độ tuổi, phụ huynh, người thuê lao động cần nắm các quy định pháp luật về việc sử dụng người lao động chưa thành niên để giám sát và thực hiện cho đúng.

* Làm thêm để mưu sinh

Trong khi nhiều bạn bè cùng trang lứa tham gia các lớp học thêm hè thì em Thành Thái (16 tuổi, ngụ P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) xin vào làm nhân viên cho quán cà phê trên đường Võ Thị Sáu (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa). Em được chủ quán bố trí ca làm việc 5 tiếng, từ 10-15 giờ với tiền công 20 ngàn đồng/giờ, trả lương theo tuần và bao luôn bữa cơm trưa.

“Công việc của em chủ yếu bưng bê cà phê nên cũng nhẹ nhàng vừa sức, lại có tiền phụ giúp gia đình nên em rất vui” - em Thành Thái chia sẻ.

Em Thành Thái cho biết thêm, hiện các quán cà phê, trà sữa có xu hướng tuyển học sinh, sinh viên có ngoại hình, lanh lợi, ăn mặc tươm tất để phục vụ cho khách hàng tuổi teen nên học sinh rất dễ xin vào làm phục vụ theo giờ tại đây. Đa phần, hai bên chỉ thống nhất công việc cùng mức lương chứ không làm giao kết hợp đồng lao động.

Điều 146 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, người chưa đủ 15 tuổi không được làm việc quá 4 giờ/ngày và 20 giờ/tuần; người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được làm việc quá 8 giờ/ngày và 40 giờ/tuần. Người chưa đủ 15 tuổi không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.

Hiện nay, sinh viên, học sinh ở thành thị thường xin làm các công việc như: thu ngân, tiếp tân tại các shop thời trang, salon tóc… Riêng các học sinh vùng nông thôn thường làm thêm với nghề phụ hồ hoặc lao động nông nghiệp. Tuy công việc có vất vả hơn nhưng nhiều em vẫn vui vẻ vì có thu nhập để phụ cha mẹ lo cho năm học mới sắp tới.

Dịp nghỉ hè những năm gần đây, em Tuấn Nghĩa (14 tuổi, ngụ TT.Vĩnh An, H.Vĩnh Cửu) đều đi cắt hom tràm thuê cho các vườn tràm trong vùng. Mỗi mùa hè cắt hom tràm thuê, em cũng kiếm được cả chục triệu đồng để phụ cha mẹ lo cho gia đình và trang trải việc học hành.

Còn em Ngọc Nhi (17 tuổi, ngụ xã Hàng Gòn, TP.Long Khánh) thì phụ mẹ bóc vỏ hạt điều thuê. Do công việc bóc tách vỏ hạt điều gia công mất nhiều thời gian mà thu nhập chỉ có vài chục ngàn đồng/ngày nên em đi phụ bán quán nhậu cho một người quen. Làm việc được 2 tuần thì em thấy quán nhậu phức tạp, khách hay gây gổ, đánh nhau và trêu ghẹo em nên xin nghỉ.

*Lưu ý khi sử dụng lao động trẻ em

Học sinh THPT, THCS đa phần đều dưới 18 tuổi. Ở độ tuổi này, về sức khỏe, hiểu biết pháp luật, kỹ năng bảo vệ quyền lợi của trẻ còn hạn chế nên dễ bị buộc lao động quá sức; giao làm những công việc mà các em chưa ý thức được không đúng pháp luật hoặc liên quan tới tệ nạn xã hội...

“Chúng tôi vui vì con có ý thức làm việc để trải nghiệm và kiếm tiền trang trải cho việc học, mua sắm cá nhân. Tuy vậy, tôi cũng lo cho con khi đi làm thêm dễ bị lôi kéo, dụ dỗ làm những công việc không phù hợp, quá sức” - chị Tuyết Nga (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) bày tỏ băn khoăn.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề pháp luật liên quan tới việc trẻ em đi làm thêm, luật sư Nguyễn Văn Hòa (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, trong quan hệ lao động, pháp luật nghiêm cấm hành vi sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật. Để điều chỉnh quan hệ lao động đối với người chưa thành niên, Bộ luật Lao động năm 2019 có những điều luật quy định riêng về: lao động chưa thành niên (Điều 143), nguyên tắc sử dụng lao động chưa thành niên (Điều 144), sử dụng người lao động chưa thành niên làm việc (Điều 145), thời giờ làm việc của người chưa thành niên (Điều 146), công việc và nơi làm việc cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi (Điều 147).

“Dù việc trẻ em đi làm thêm ngày hè có tính chất thời vụ nhưng pháp luật về lao động cũng bắt buộc đôi bên giao kết hợp đồng lao động. Nếu các em làm việc dưới 1 tháng thì có thể giao kết bằng lời nói và phải có sự đồng ý bằng văn bản của phụ huynh” - luật sư Nguyễn Văn Hòa lưu ý.

Cũng theo luật sư Hòa, các em học sinh đi làm thêm thông thường thuộc 3 nhóm đối tượng: chưa đủ 13 tuổi; từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi; từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi. Tùy theo độ tuổi mà pháp luật lao động quy định về những công việc, môi trường làm việc, thời gian lao động khác nhau. Pháp luật lao động quy định như vậy nhằm bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách cho trẻ em.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202306/luu-y-khi-su-dung-lao-dong-chua-thanh-nien-3170148/