'Lũy hoa' tái hiện 60 ngày đêm chiến đấu của người dân Hà Nội
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Nhà xuất bản Trẻ tái bản tác phẩm 'Lũy hoa' tái hiện 60 ngày đêm chiến đấu quả cảm của quân và dân ta.
Truyện phim Lũy hoa là một trong những tác phẩm cuối cùng của Nguyễn Huy Tưởng, kết tinh tâm huyết và tình cảm mà nhà văn dành cho Hà Nội - nguồn cảm hứng lớn cho hành trình sáng tạo nghệ thuật của ông.
Tập truyện tái hiện 60 ngày đêm (từ 19/12/1946 đến 17/2/1947) quân và dân ta chiến đấu quả cảm để bảo vệ thủ đô, mở đầu cho cuộc kháng chiến chống Pháp của toàn dân tộc. 60 ngày đêm quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh: 60 ngày đêm chúng ta thấy hoa trên chiến lũy.
Trong lần tái bản này, tập truyện sẽ đưa bạn đọc trở về những ngày tháng không thể nào quên đó, chứng kiến người dân tản cư và những người cầm súng cố thủ để chặn bước quân thù. Qua ngòi bút Nguyễn Huy Tưởng, phố phường Hà Nội với Hàng Gai, Hàng Đào, chợ Đồng Xuân,... hiện ra cùng những con người thuộc đủ tầng lớp và nghề nghiệp. Họ chiến đấu, họ lao động, họ yêu nhau.
Đặc biệt, cuốn sách bao gồm ảnh chụp những trang bản thảo Lũy hoa, hình bản in đầu tiên do Văn Cao vẽ bìa, kèm nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ghi lại quá trình sáng tác Lũy hoa và Sống mãi với thủ đô.
Lũy hoa có sự giao thoa giữa cái dữ dội, kịch liệt của chiến đấu với cái hào hoa rất riêng của Hà Nội. Giữa tiếng súng nổ, tiếng lựu đạn, khi những lỗ thông tường nhà kết nối ý chí thủ đô, vẫn có những nụ hôn, có bánh chưng và hoa đào, có tiếng đàn hát và những cặp tình nhân.
Truyện phim Lũy hoa cũng như tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô được xuất bản sau khi tác giả qua đời, là kết quả của cả quá trình Nguyễn Huy Tưởng dồn tâm sức cho đề tài Hà Nội, kể từ đầu năm 1957 cho đến những tháng ngày cuối cùng của cuộc đời vào mùa hè năm 1960. Cùng chung đề tài về cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô, cùng chung niềm cảm hứng về mảnh đất và con người Hà Nội, hai tác phẩm bổ sung, hô ứng cho nhau để trở thành một chỉnh thể gắn bó hữu cơ.
Trong đó, truyện phim Lũy hoa không chỉ được xem như cái khung sườn khả dĩ cho cuốn tiểu thuyết dở dang, mà còn có đủ phẩm chất văn chương để có thể tồn tại như một tác phẩm văn học với bút pháp riêng: chắt lọc mà không kém phần tung tẩy, giản dị mà không thiếu vẻ tài hoa. Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng đã ghi lại khá kỹ quá trình viết hai tác phẩm này.
Trong lời đề bạt Lũy hoa, nhà văn Nguyễn Tuân viết: “Tôi là một người tích cực trong số những người động viên Nguyễn Huy Tưởng viết truyện phim này. Vui miệng, tôi có bảo Tưởng: 'Ông cứ viết đi. Lúc nào quay, tôi xin đóng một vai. Ông là một người Hà Nội, ông làm phim về đề tài Hà Nội bảo vệ Thủ đô; tôi là một người của Hà Nội, tôi cũng có cái thích thú muốn đóng một vai trong đó. Đóng vai chính hay vai phụ, vai trung hay vai nịnh, tôi không chú trọng lắm. Miễn là góp mặt vào đó, góp mình vào một cái sáng tác của bạn mình… Tên ông lên áp phích, ông cho tôi một dòng chữ con gọi là ké vào đấy'. Nguyễn Huy Tưởng mỉm cười, sau cái cười đó là Lũy hoa hoàn thành bản thảo”.
Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960) là nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng. Ông là tác giả của những tiểu thuyết lịch sử, vở kịch lớn như: Vũ Như Tô, Đêm hội Long Trì, Bắc Sơn, Sống mãi với thủ đô.
Năm 1995, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đã đặt tên cho một phố của thủ đô là Nguyễn Huy Tưởng, nối từ phố Vũ Trọng Phụng cắt ngang qua phố Nguyễn Tuân, đến đường Khuất Duy Tiến.