'Luyện chiêu' tác chiến trên không
Từ sân bay Phù Cát trở về, tôi cứ nghĩ đến công việc của cán bộ, nhân viên Trung đoàn 925 (Sư đoàn 372, Quân chủng Phòng không-Không quân), đặc biệt là các phi công quân sự và lực lượng bảo đảm hàng không. Để có những chuyến bay huấn luyện an toàn và tiến tới làm chủ chiến trường, sẵn sàng cùng những chiếc tiêm kích Su-27 bảo vệ bầu trời, họ đã tiến hành đồng bộ nhiều công việc đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng, trí tuệ, nhanh nhạy, tính cẩn trọng, tỉ mỉ và bản lĩnh kiên cường.
Sau trận mưa chiều, dù nền sân bê tông còn loang loáng nước đọng, từng tốp phi công của Trung đoàn 925 vẫn mải miết tập luyện trên sa hình với những hình vẽ và các ký hiệu chuyên ngành.
Tôi để ý thấy hai phi công cùng cầm mô hình máy bay tiêm kích Su-27 đứng đối diện nhau, họ cúi người xuống vừa phải, mắt tập trung vào mô hình máy bay ở trước mặt và tiến theo những đường cong vẽ sơn màu đỏ, vàng... trên nền bê tông. Hai phi công di chuyển từng bước nhỏ, rất chậm và miệng thì lẩm bẩm dường như không phát ra tiếng.
Tôi định đi xuống sân tìm hiểu về công việc mà tôi chưa bao giờ được biết thì Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn, Phi đội trưởng Phi đội 1 (vừa chuyển sang làm Chủ nhiệm An toàn bay của Trung đoàn 925) kéo tôi ra một góc, ý nhị bảo đây là giai đoạn các phi công ôn luyện cho ban bay ngày mai nên rất cần sự tập trung. Sự tác động ngoại cảnh lúc này sẽ làm cho các phi công phân tâm.
Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn giải thích rằng, hai phi công đang học tạo thế. Thường mỗi biên đội bay có từ 2 đến 4 chiếc. Các số 2 và 3, 4 có nhiệm vụ bay hỗ trợ, yểm trợ cho số 1. Phi công phải điều khiển máy bay, quan sát mục tiêu để hỗ trợ, bảo vệ hai sườn, tạo điều kiện tốt nhất để số 1 công kích đối phương hiệu quả.
Vì vậy, khi bay trên trời, các vị trí trong biên đội phải hiệp đồng rất chặt chẽ. Số 1 bay đi đâu thì các số còn lại phải bay sau với khoảng cách, cự ly và độ cao đã được thống nhất. Nói theo tư duy nhà quân sự thì đó là một mũi tiến công nên phải thành một khối vững chắc. Nếu bị đối phương chọc sườn, chia cắt đội hình thì khó có thể hợp sức tiêu diệt mục tiêu.

Máy bay Su-27 cất cánh. Ảnh: MINH HÙNG
Những giải thích của Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn giúp tôi hiểu hơn về tác chiến trên không của các phi công. Bản chất của hành động đó là tạo thế trong chuyển động. Thế vững thì hiệu quả tấn công sẽ cao hơn và bảo vệ được đồng đội. Có rất nhiều cách để các phi công tạo thế trên không, khiến đối phương bất ngờ, không đoán định được và rơi vào thế bị động.
Tôi đã tìm đọc trong lịch sử Không quân nhân dân Việt Nam và vô cùng tâm đắc với những trận đánh hiệp đồng đẹp, hiệu quả mà đến giờ vẫn được nhiều giáo viên và phi công lấy làm ví dụ để giảng cho học viên. Điển hình là trận hiệp đồng ra quân ngày 3-4-1965. Lúc ấy, không quân của ta đã tổ chức biên đội gồm hai chiếc MiG-17 bay nghi binh để biên đội MiG-17 khác bí mật tiếp cận và tấn công địch.
Sau này, trong các trận đánh khác, nhiều chuyến bay làm nhiệm vụ, trên đường bay, các phi công của ta không dùng đối không liên lạc. Có những lần ta mở ra-đa và “dẫn chay” đánh trận giả, thực tế không có chiếc MiG nào xuất kích khiến đối phương đau đầu...
Từ chiều, trong lúc giảng bình ban bay hôm trước, tôi đã chú ý đến Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn vì anh thẳng thắn phê bình các phi công điều khiển máy bay ở tốc độ, độ cao chưa đúng yêu cầu của bài bay. Ý kiến của Phi đội trưởng Tuấn đã được Trung đoàn trưởng, Thượng tá Lê Hồng Sơn nhấn mạnh khi kết luận, rút kinh nghiệm chung.
Sau buổi giảng bình và giao nhiệm vụ cho ban bay mới, tôi thắc mắc với Thượng tá Lê Hồng Sơn rằng, nếu phê bình cụ thể, quyết liệt như thế, có thể anh em phi công sẽ tự ti, tự ái, nảy sinh tâm lý ảnh hưởng đến quá trình tập luyện bay. Trung đoàn trưởng Lê Hồng Sơn giải thích, để có một ban bay thành công và an toàn phải có sự hợp sức của nhiều lực lượng bảo đảm và tổ chức chỉ huy.
Phi công có nhiệm vụ xử lý những tình huống trên không theo các tiêu chí đã được đưa ra; nếu không làm đúng thì nguy cơ mất an toàn bay sẽ cao. Việc giảng bình sau ban bay chính là giúp họ sửa tập, rút kinh nghiệm và là cách giúp đỡ đồng đội tốt nhất. Hơn nữa, nếu cần chính xác thì sẽ có phần mềm giải mã khách quan hỗ trợ. Thông tin trong phần mềm là câu trả lời chính xác và thuyết phục nhất nên không thể giấu được. Thế nên, không có chuyện che giấu khiếm khuyết.
Thượng tá Lê Hồng Sơn trao đổi thêm với tôi, đơn vị phân công các phi đội trưởng thay thế nhau làm nhiệm vụ chỉ huy cất, hạ cánh trong từng ban bay nên họ giám sát chéo và góp ý, giúp nhau nâng cao trình độ. Bất cứ phi công nào cũng coi việc rút kinh nghiệm sau ban bay là việc bình thường, không tự ti, tự ái, không bị ảnh hưởng tâm lý. Nếu có tính đó thì không thể làm phi công quân sự được.
Tận dụng quãng thời gian ít ỏi của buổi chiều, tôi được Phi đội trưởng Nguyễn Anh Tuấn dẫn đến buồng tập mô phỏng. Để làm chủ chiến trường trên không và có thể chiến đấu bảo vệ bầu trời Tổ quốc trong khu vực được phân công thì trước hết, các phi công quân sự phải luyện tập nhiều lần tại buồng tập này. Buồng tập mô phỏng được thiết kế như trên máy bay thật. Trước mỗi ban bay, các phi công đều có một giờ tập trên buồng mô phỏng Su-27 và có thời gian tập nguội trên máy bay thật.
Trung tá QNCN Phạm Như An, Trưởng buồng tập lái máy bay chia sẻ: Để buồng tập mô phỏng Su-27 luôn trong trạng thái hoạt động tốt phục vụ huấn luyện, các thành viên trong tổ phải rất cần mẫn trong chăm sóc, bảo dưỡng. Buồng tập mô phỏng có hàng trăm khối máy to, nhỏ được tích hợp trong các tủ thiết bị cao khoảng 3-5m. Nếu không hiểu, không nắm chắc cấu tạo, cơ chế hoạt động thì không thể tìm ra những lỗi phần cứng hoặc phần mềm do khai thác, sử dụng lâu dài. Việc dò tìm được một lỗi trong khối với các mạch điện tử chi chít là rất khó. Đôi khi một chiếc tụ nhỏ xíu trong một khối bị cháy thôi nhưng cũng phải mất rất nhiều thời gian xử lý, khắc phục.
Chia tay Trung đoàn 925, tôi nhớ nhất tâm sự của Thượng tá Lê Hồng Sơn: Để có một ban bay an toàn là phức hợp của nhiều công việc, nhiều bộ phận với tinh thần khẩn trương, cẩn trọng và tỉ mỉ, không vội, không sót. Mỗi phi công, khi bay lên bầu trời, ngoài chiến đấu với thời tiết, khí tượng, còn phải chiến đấu với chính mình. Trong chiến đấu, họ phải linh hoạt, sáng tạo và đưa ra các quyết định trong thời gian ngắn để điều khiển máy bay cơ động, linh hoạt, tạo ra đột biến, gây bất ngờ cho đối phương.
Sớm ấy, khi màn đêm còn bao phủ, tôi đã thấy tiếng xe ô tô di chuyển, rồi từ phía sân bay vang tiếng động cơ máy bay gầm rú. Những chiếc Su-27 từ từ rời nhà vòm, tiến ra đường băng. Tôi mong mình cũng được bay lượn trên những cánh bay giữa bầu trời mùa xuân thanh bình, cùng với các phi công bảo vệ bình yên vùng trời Tổ quốc.