Tên lửa ALAS: Định nghĩa lại tấn công chính xác
Sự kết hợp giữa độ chính xác cao, tầm bắn xa và khả năng phóng từ nhiều nền tảng khiến tên lửa ALAS trở khí tài chiến lược cho lực lượng quân đội trong tương lai.
Tại triển lãm IDEX 2025, Yugoimport giới thiệu tên lửa ALAS, một loại tên lửa dẫn đường tầm trung đa dụng, được thiết kế để đáp ứng nhu cầu tấn công chính xác vào nhiều loại mục tiêu khác nhau. Hệ thống này đại diện cho thế hệ tên lửa mới, được chế tạo nhằm thực hiện các hoạt động tác chiến chính xác nhắm vào xe bọc thép, công sự, sở chỉ huy, tàu chiến ven biển, các cơ sở công nghiệp và cơ sở hạ tầng trọng yếu như cầu đường.
Hệ thống ALAS dựa vào công nghệ dẫn đường tiên tiến, kết hợp giữa hình ảnh video và hồng ngoại (IR) để phát hiện và bám mục tiêu chính xác. Tên lửa có thể được phóng từ nhiều loại bệ phóng khác nhau, bao gồm xe bọc thép, tàu chiến cỡ nhỏ, hoặc thậm chí là trực thăng. Một trong những đặc điểm nổi bật của hệ thống này là khả năng kết nối giữa bệ phóng và tên lửa thông qua cáp quang hoặc liên kết vô tuyến, mang đến sự linh hoạt tùy thuộc vào nhiệm vụ và địa hình tác chiến.
ALAS được trang bị động cơ phản lực mini TMM-040/RC, cho phép bay ở độ cao thấp trong khi duy trì tín hiệu radar và nhiệt nhỏ, khiến nó khó bị phát hiện bởi các hệ thống đối phương. Động cơ phản lực này tạo ra lực đẩy tối đa là 400 N, giúp tên lửa đạt tốc độ hành trình từ 120 đến 150 m/giây. Ngoài ra, nhờ vào động cơ phóng dùng nhiên liệu rắn, ALAS đạt tầm bắn tối đa 25 km, với tầm bắn hiệu quả tối thiểu là 4 km, khiến nó trở thành lựa chọn giá trị cho các đòn tấn công tầm xa trong khi vẫn giảm thiểu rủi ro bị lộ diện.

Mô phỏng tên lửa ALAS rời bệ phóng. (Ảnh: AI)
Một trong những cải tiến quan trọng của hệ thống ALAS là quy trình dẫn đường hai giai đoạn: trong hành trình, tên lửa sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính (INS) kết hợp với hệ thống định vị vệ tinh (GNSS); sau đó ở giai đoạn cuối của tấn công, nó chuyển sang dẫn đường bằng cảm biến hình ảnh TV CCD hoặc hồng ngoại (IR). Quy trình này giúp tên lửa bám bắt và tấn công chính xác, ngay cả các mục tiêu đang di chuyển. Thuật toán theo dõi tương phản/tương quan còn tăng cường khả năng khóa và bám sát mục tiêu với độ tin cậy cao hơn.
Hệ thống động lực của ALAS bao gồm hai thành phần: động cơ phản lực duy trì tốc độ hành trình và động cơ đẩy cung cấp lực phóng ban đầu. Động cơ phản lực có mức tiêu thụ nhiên liệu đặc trưng là 1,40 kg/daNh và tuổi thọ hoạt động lên đến 10 giờ, đảm bảo tên lửa duy trì tốc độ ổn định, tối ưu hóa hiệu suất trong các cuộc tấn công tầm trung. Động cơ đẩy dùng nhiên liệu rắn cung cấp tổng xung lực là 10.720 Ns, cho phép tên lửa rời khỏi ống phóng nhanh chóng.
Một đặc điểm quan trọng khác của ALAS là khả năng liên lạc với trạm điều khiển mặt đất thông qua liên kết vô tuyến hai chiều, bên cạnh kết nối bằng cáp quang. Việc liên lạc này diễn ra trong dải tần C-band và bao gồm truyền tải tín hiệu video, dữ liệu telemetry và thông tin trạng thái tên lửa. Tốc độ truyền dữ liệu lên tới 100 kbps, đảm bảo trao đổi thông tin nhanh và chính xác trong suốt nhiệm vụ.

Hệ thống ALAS dựa trên công nghệ dẫn đường tiên tiến, kết hợp video và hồng ngoại để bắt và theo dõi mục tiêu chính xác. (Ảnh: Army Recognition)
Tên lửa ALAS được trang bị đầu đạn nổ lõm xuyên giáp (HEAT) kiểu tandem, đi kèm với cơ chế an toàn kích nổ và ngòi nổ cận đích, tối ưu hóa khả năng xuyên giáp khi tấn công các xe bọc thép hiện đại, đồng thời tạo ra sát thương phân mảnh mạnh mẽ xung quanh khu vực mục tiêu.
Hệ thống tên lửa ALAS, do Yugoimport giới thiệu tại IDEX 2025, là một giải pháp tiên tiến và đa dụng dành cho các lực lượng vũ trang hiện đại. Sự kết hợp giữa độ chính xác cao, tầm bắn xa và khả năng phóng từ nhiều nền tảng khác nhau khiến nó trở thành tài sản quý giá cho các nhiệm vụ tấn công có chủ đích vào các mục tiêu trọng yếu và được bảo vệ. Công nghệ dẫn đường tiên tiến, khả năng giảm thiểu tín hiệu radar và hồng ngoại, cùng năng lực liên lạc thời gian thực khiến ALAS trở thành khí tài chiến lược cho lực lượng quân đội trong tương lai.
Thế Hải (Theo Armyrecognition)