Luyện tâm bằng võ đạo

Với châm ngôn 'Võ thuật gắn liền với võ đạo', 'Bàn tay thép phải đặt trên trái tim từ ái', nhiều bạn trẻ tìm đến Vovinam không chỉ để biết 1 môn thể thao, để vận động 'xả stress' mà còn để khám phá các triết lý nhân sinh cổ xưa, tìm cách phát triển, vận dụng vào cuộc sống hiện đại.

Sinh viên Trường Cao đẳng FPT tự tổ chức cuộc thi võ để tạo sân chơi cùng nhau ôn luyện

Sinh viên Trường Cao đẳng FPT tự tổ chức cuộc thi võ để tạo sân chơi cùng nhau ôn luyện

Người trẻ đến với võ đạo

Theo thầy Nguyễn Hoài Văn, giảng viên bộ môn Khoa học cơ bản Trường Cao đẳng FPT, có thâm niên 26 năm dạy võ Vovinam, thì mục tiêu cao nhất của môn võ này là tự võ sinh chiêm nghiệm qua các thế võ, đưa vào ứng dụng trong hoạt động hàng ngày. Từ đó khai mở tâm thức, thay đổi bản thân và trở thành phiên bản tích cực nhất có thể để cống hiến, phục vụ đất nước.

Nhiều trường ĐH gần đây bắt đầu đưa Vovinam vào các câu lạc bộ tự chọn, hay vào chương trình học cho sinh viên năm nhất để các em phần nào hiểu được giá trị bản thân, tránh những tự ti, lệch lạc tinh thần khi gặp áp lực. Võ sinh mới nhập môn sẽ tiếp xúc với võ đạo cơ bản như 10 điều tâm niệm, đạo hạnh (trau dồi bản thân mình từ đó giúp người khác), phương châm tu dưỡng và hành xử (luyện thân - luyện thể - luyện khí, tận tình - tận tâm - tận nghĩa…). Nghe tuy đơn giản và gần gũi, nhưng với phân tích chuyên sâu của võ sư, các bạn trẻ đều thấy rất thích thú vì những điều cơ bản này có thể áp dụng ngay, nhanh thấy kết quả nếu nghiêm túc trong từng hoạt động hàng ngày.

Thu Hà (sinh năm 2006, sinh viên Trường ĐH Swinburne Việt Nam) thấy mình đã tập được tính bình tĩnh hơn, dù mới tham gia Vovinam được 3 tháng. Hà kể: “Trước đây em rất nóng tính, ai đó phản đối ý kiến của em là em sẽ thể hiện cảm xúc ra mặt, hay đi học mà thấy có chuyện bất bình là bùng nổ ngay. Nhưng sau khi học võ, em dần hiểu được nhiều điều. Trong võ học, đôi khi không phải cứ đánh trước là hay, ngược lại, người đó sẽ dễ bị thương và tiêu tốn nhiều sức lực. Thay vào đó, mình phải bình tĩnh quan sát đối thủ là người như thế nào, sẽ ra đòn gì để phản kháng, tấn công lại cho hiệu quả. Áp vào cuộc sống cũng vậy, em bớt vội vàng, ứng xử phù hợp với từng người trong nhiều tình huống… Mọi thứ nhẹ nhàng hơn hẳn, người đối diện cũng đỡ phải không vui mà vấn đề cũng được giải quyết”. Có kết quả tốt, Hà lại càng đam mê, rủ các bạn tự luyện tập thêm 4-5 buổi/tuần, dù lịch học chỉ 1 buổi/tuần. Không những vậy, Hà tự lên mạng tìm hiểu sâu hơn và xem trước cả những kiến thức chưa học.

Với Phạm Văn Chiến (sinh năm 2005, sinh viên Trường ĐH FPT), Vovinam dần dần là một trong những môn yêu thích nhất của mình vì được học kết hợp giữa thể lực và trí tuệ. Chiến chia sẻ: “Em thật sự thích cảm giác khi luyện tập mỗi ngày, từ việc học các đòn thế cho đến việc thực hành các kỹ thuật phức tạp, tất cả đều yêu cầu sự tập trung cao độ và tinh thần kiên nhẫn. Tập luyện mãi, các tính đó “thấm” vào mình, em biết cách làm chủ cảm xúc và kiên nhẫn vượt qua thử thách. Em thấy mình dẻo dai, linh hoạt hơn rất nhiều so với trước khi học võ”.

Nghệ thuật sống từ võ đạo

Với những lớp căn bản đầu tiên, những gì các bạn trẻ áp dụng chỉ đơn giản như: cách thực hành châm ngôn “Sống, sống cho người khác, cho người khác sống” (Cách sống không ép buộc, làm tổn hại đến người khác khi có ý cho họ lòng tốt của mình)… Hay việc tự mình phải sáng tạo ra những giải pháp phù hợp để trở thành 1 phiên bản tốt nhất tại thời điểm nào đó trong cuộc sống sinh viên như: làm đồ án nhóm, làm thêm, dự án tình nguyện, các vấn đề trong gia đình để làm một người con có hiếu…

Sau khi vững cơ bản, dần dần võ đạo mở ra cho người học nhiều hình thức truyền đạt hấp dẫn khác. ThS Nguyễn Hoài Văn chia sẻ: “Võ học cũng có thể xem là cách học làm người rất hay. Ví dụ, khi đi chuyên sâu, võ sinh sẽ tiếp cận những bài thơ xưa mà trong đó thể hiện bối cảnh, quang cảnh, lịch sử của bài quyền. Muốn thể hiện mỗi bài quyền ấy, người tập phải hiểu rõ hình tượng, ẩn ý và tinh thần, ý chí của người xưa trong đó. Chiêm nghiệm và thể hiện được, sẽ góp phần khích lệ tinh thần, nâng cao lòng tự hào dân tộc, tự tôn bản thân của võ sinh…”.

Với nhiều bạn trẻ, học võ giờ không chỉ đơn thuần là một môn tăng cường sức khỏe, có thêm công cụ tự bảo vệ mình, mà cao hơn là thông qua quá trình trui rèn để tiến bộ cả về tinh thần. Với Vovinam, cần ít nhất 15 năm tập luyện gian khổ cả văn (võ đạo) lẫn võ (võ thuật) nếu muốn đạt được hồng đai (cấp đai cao nhất). Món quà của hành trình đó chính là sự phát triển, thăng hoa của người học để trở thành một phiên bản tốt hơn trong hành trình của cuộc sống.

TÂM HIỀN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/luyen-tam-bang-vo-dao-post772953.html