Lý do Bộ Y tế đề nghị giám sát 21 ngày đối với người nghi mắc Marburg

Bệnh viện Chợ Rẫy, cơ sở y tế tuyến Trung ương lớn nhất phía nam, vừa ban hành quy trình giám sát, phát hiện và cách ly người nghi ngờ mắc virus Marburg.

 Virus Marburg được ghi nhận lần đầu năm 1967 từ loài dơi. Ảnh: Science Source.

Virus Marburg được ghi nhận lần đầu năm 1967 từ loài dơi. Ảnh: Science Source.

Virus Marburg là một loại RNA virus thuộc họ Filovirus, gây bệnh sốt xuất huyết tương tự "cơn ác mộng toàn cầu" Ebola.

Từ khi được ghi nhận lần đầu năm 1967, các đợt bùng phát bệnh Marburg đều diễn ra lẻ tẻ, tuy nhiên, tần suất của chúng đang gia tăng vào những năm gần đây.

Thời gian ủ bệnh lên đến 21 ngày

Virus Marburg lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 1967, khi dịch sốt xuất huyết bùng phát đồng thời tại các phòng thí nghiệm ở Marburg và Frankfurt (Đức) cũng như ở Belgrade, Nam Tư - nay là Serbia.

Từ 7/1 đến 21/2, 9 trường hợp được nghi ngờ nhiễm virus Marburg tại Guinea Xích Đạo (Tây Phi), trong đó có một ca đã xác nhận bằng xét nghiệm, tất cả đều đã tử vong.

Theo TS.BS Phùng Mạnh Thắng, Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), Marburg có thể lây nhiễm từ động vật sang người do tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể của động vật nhiễm bệnh.

Ngoài ra, virus này cũng lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch tiết của người bệnh hoặc các bề mặt nhiễm mầm bệnh. Thời gian ủ bệnh đối với virus Marburg dao động từ 2 đến 21 ngày, bắt đầu với sốt cao, ớn lạnh, đau đầu dữ dội, đau cơ.

Khoảng ngày thứ 5 sau khi khởi bệnh và tình trạng nặng, có thể xuất hiện ban, dát sẩn, nổi rõ nhất trên thân (ngực, lưng, bụng). Buồn nôn, nôn, đau ngực, đau họng, đau bụng và tiêu chảy có thể xuất hiện.

 Khu cách ly của Bệnh viện Chợ Rẫy là nơi cách ly người đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2 tại TP.HCM. Ảnh: Trương Khởi.

Khu cách ly của Bệnh viện Chợ Rẫy là nơi cách ly người đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2 tại TP.HCM. Ảnh: Trương Khởi.

Các triệu chứng ngày càng trở nên nghiêm trọng, có thể bao gồm vàng da, viêm tụy, sụt cân nghiêm trọng, mê sảng, sốc, suy gan, xuất huyết ồ ạt và rối loạn chức năng đa cơ quan.

Vấn đề khó khăn đối với người nhiễm virus này là việc chẩn đoán lâm sàng gặp khó khăn. Lý do là bệnh này có triệu chứng tương tự các bệnh truyền nhiễm khác như sốt rét, thương hàn, sốt xuất huyết do Ebola...

"Bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Con số ghi nhận được trong các đợt bùng phát trước đây là 24-88%. Điều may mắn là khả năng lây truyền Marburg thấp hơn, không lây qua đường không khí nên khả năng lây lan sẽ thấp hơn SARS-CoV-2", TS Thắng nhận định.

Hai yếu tố nghi ngờ nhiễm Marburg

Hiện tại, virus Marburg chưa được ghi nhận xuất hiện tại khu vực châu Á. Tuy nhiên, từ bài học Covid-19, với sự giao thương hiện tại, nguy cơ lây truyền hoàn toàn có thể xảy ra.

TS Phùng Mạnh Thắng chỉ ra 2 yếu tố để có thể xác định trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Marburg, bao gồm:

- Yếu tố dịch tễ: Đi về từ khu vực Tây Phi hoặc có tiếp xúc với ca nghi ngờ hoặc ca xác định nhiễm bệnh do virus Marburg mà không sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân phù hợp.

- Triệu chứng lâm sàng: Sốt cao, ớn lạnh, đau đầu dữ dội, đau cơ, ban dát sẩn, nổi rõ nhất trên thân (ngực, lưng, bụng), buồn nôn, nôn, đau ngực, đau họng, đau bụng và tiêu chảy... mà không lý giải được đầy đủ bệnh lý lâm sàng bằng một nguyên nhân khác.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, người được ghi nhận đầy đủ 2 yếu tố này sẽ được lập tức cách ly và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân phòng ngừa lây truyền qua đường tiếp xúc và giọt bắn.

TS Phùng Mạnh Thắng khuyến cáo đối để phòng ngừa lây nhiễm virus Marburg, người dân nên tránh ăn hay tiếp xúc động vật hoang dã và tiếp xúc người đi khu vực Tây Phi. Ngoài ra, người có triệu chứng bệnh hoặc có yếu tố nghi ngờ nhiễm virus cần đến cơ sở y tế sớm.

Chuyên gia kiểm soát nhiễm khuẩn thông tin Marburg trong dòng họ của Ebola, một loại virus gây bệnh cảnh nặng nề và có tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, các nhà khoa học trên thế giới vẫn chưa sản xuất được vaccine dự phòng. Do đó, nếu không may nhiễm Marburg, người bệnh chỉ có thể được điều trị nâng đỡ tổng trạng, chưa có thuốc đặc trị hiệu quả.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ly-do-bo-y-te-de-nghi-giam-sat-21-ngay-doi-voi-nguoi-nghi-mac-marburg-post1414412.html