Lý do các đơn vị thiết giáp Nga không 'ngán' lực lượng xe tăng hùng hậu của Ukraine
Lực lượng tăng thiết giáp của Quân đội Ukraine trông có vẻ hùng hậu, nhưng khả năng thực tế thì cực kỳ hạn chế.
Ukraine hiện đang triển khai khoảng 850 xe tăng, gần 90% trong số đó là các biến thể của T-64B, phần còn lại là xe tăng T-72A. Cả hai loại xe tăng này đều được sản xuất từ giữa những năm 1970 và được Ukraine sử dụng chủ yếu trong quân đội. Mặc dù Ukraine đã phát triển mẫu xe tăng T-84 tương đối hiện đại dựa trên T-80UD, nhưng chi phí quá cao khiến cho mẫu xe tăng này chỉ được Ukraine mua về với số lượng nhỏ, không đủ để phục vụ chiến đấu. Những mẫu xe tăng mà Ukraine đang sử dụng để đối phó với Nga đã quá lỗi thời, chúng có lớp giáp rất mỏng manh, giáp phản ứng nổ quá cũ, thiếu ống ngắm nhiệt và tính cơ động. Một vấn đề lớn khác khiến Ukraine khó có thể đối phó với Nga đó chính là việc nước này thiếu đi những vũ khí chống tăng hiện đại.
Xe tăng T-64 của Quân đội Ukraine (Ảnh: Military Watch Magazine)
Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Ukraine đã không phát triển được loại đạn xuyên giáp (APFSDS) hiện đại. Do đó, loại đạn xuyên giáp mà Quân đội Ukraine sử dụng chỉ là đạn BM42 Mango cũ của Liên Xô, có khả năng xuyên phá lớp giáp 450mm ở cự ly 2000m. Điều này là không đủ để xuyên thủng lớp giáp cơ bản của xe tăng tiền tuyến của Nga, loại xe tăng thấp cấp nhất mà Nga đang sử dụng là T-72B3 đã có lớp giáp cơ bản dày lên đến 550mm. Trong khi đó, những loại xe tăng hiện đại hơn của Nga như T-90M có lớp giáp phía trước dày 900-950mm và được trang bị giáp phản ứng nổ Relikt. Những chiếc xe tăng T-64 và T-72 của Quân đội Ukraine quá yếu và không đủ khả năng để tạo ra sự đe dọa cho Quân đội Nga. Có thể thấy Quân đội Ukraine đang sử dụng chiến thuật "lấy số lượng để bù chất lượng".
Ở chiều ngược lại, những mẫu xe tăng mà Quân đội Nga sử dụng trong cuộc chiến với Ukraine đều được trang bị loại đạn xuyên giáp APFSDS có khả năng bắn hạ các loại xe tăng tiên tiến nhất của Nato. T-72B3 có thể triển khai các loại đạn Svenez-1 với khả năng xuyên giáp 740mm ở cự ly 2000m, đủ sức bắn hạ tất cả các loại xe tăng mà Ukraine đang sở hữu. Chưa kể các loại đạn Vaccum-1 T-14 của Nga có khả năng xuyên giáp 1000mm ở cự ly hơn 2000m. Do đó, mặc dù lực lượng tăng thiết giáp của Quân đội Ukraine trông có vẻ hùng hậu, nhưng khả năng thực tế thì cực kỳ hạn chế.