Lý do các ngân hàng trung ương tăng tốc độ mua vàng
Mức độ lo ngại của các ngân hàng trung ương về tình trạng 'vũ khí hóa' đồng USD đang tăng từ khi Mỹ thực hiện nỗ lực trừng phạt Nga.
Với tư cách là một loại tài sản trú ẩn an toàn, vàng đang hưởng lợi nhiều nhất từ đối đầu thương mại Mỹ-Trung và xung đột Nga-Ukraine.
Bên cạnh vàng, triển vọng trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế của đồng Nhân dân tệ cũng đang tăng dần.
Lo ngại về tình trạng "vũ khí hóa" đồng USD đang tăng từ khi Mỹ tiến hành một loạt các biện pháp trừng phạt Nga, bao gồm việc tịch thu 300 tỷ USD dự trữ của Ngân hàng trung ương Nga.
Hơn thế, Washington cũng đã từ chối cho phép lực lượng Taliban nắm quyền kiểm soát 7 tỷ USD dự trữ của Ngân hàng trung ương Afghanistan, do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nắm.
Hành động của Mỹ đã khiến nhiều quốc gia công khai thể hiện lo ngại về khả năng một ngày nào đó họ cũng sẽ trở thành “nạn nhân” của việc "vũ khí hóa" đồng USD.
Do những lo ngại ngày càng lan nhanh trên toàn thế giới, vàng - một loại tài sản trú ẩn an toàn - đang thu hút lớn hơn từ các ngân hàng trung ương.
Xu hướng này thể hiện qua nhu cầu mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương trong suốt năm 2022 và quý đầu năm 2023, góp phần đẩy giá kim loại quý này lên mức cao kỷ lục.
Năm 2022, các ngân hàng trung ương và một số tổ chức khác đã mua vào gần 1.100 tấn vàng, nhiều gấp đôi so với số lượng họ mua vào trong vòng 5 năm qua.
Dữ liệu của Ngân hàng J.P Morgan cho thấy đây là năm mà lượng vàng được các ngân hàng trung ương mua vào đạt mức cao nhất kể từ năm 1950.
Số liệu thống kê của Hội đồng Vàng Thế giới cho thấy các ngân hàng trung ương cũng đã mua thêm 229 tấn vàng trong quý 1/2023, tăng 176% so với cùng kỳ năm trước.
Giám đốc điều hành của công ty đầu tư BlackRock Henny Sender nhận định quá trình phi dollar hóa đã được dự đoán từ trước, nhưng đang diễn ra với tốc độ nhanh kỷ lục.
Trên phạm vi toàn cầu, Nga và Trung Quốc mua vào 60% tổng lượng vàng bán ra chính thức từ năm 2010 đến năm 2022. Những bên mua khác bao gồm các quốc gia vùng Vịnh, các quốc gia Trung Á và Ấn Độ vốn luôn duy trì nhu cầu với vàng.
Nga đã bắt đầu thực hiện việc thay đổi cơ cấu dự trữ ngoại hối từ năm 2014 sau khi sáp nhập Crimea.
Các nhà phân tích của Ngân hàng J.P. Morgan tiết lộ trong một báo cáo hồi tháng 5/2023 rằng Trung Quốc đã tăng dự trữ vàng trong 6 tháng liên tiếp, sau khi liên tục giữ nguyên trong 38 tháng.
Chuyên gia Sender phân tích giá vàng tăng cho thấy thế giới đang tìm kiếm một giải pháp thay thế đồng USD, ngay cả khi không có giải pháp thay thế đáng tin cậy nào vào lúc này.
Ngoài vàng, đồng Nhân dân tệ cũng dần được chú ý hơn với tư cách là một đồng tiền dự trữ quốc tế, đặc biệt ở châu Á.
Theo chuyên gia Sender, do các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ của Mỹ và phương Tây, sự đa dạng hóa ngày càng trở nên cần thiết hơn thay vì theo đuổi một sự lựa chọn duy nhất.
Nhiều nước đang lựa chọn thanh toán các giao dịch, đặc biệt là liên quan đến hàng hóa, bằng đồng Nhân dân tệ, ngay cả trong trường hợp Trung Quốc không tham gia giao dịch.
Ví dụ, Ấn Độ đã thanh toán phần năng lượng nhập khẩu của Nga bằng đồng Nhân dân tệ, trong khi Bangladesh tài trợ cho việc mua một nhà máy điện hạt nhân của Nga bằng đồng Nhân dân tệ.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, đồng Nhân dân tệ mới chỉ chiếm 2,3% giao dịch quốc tế thông qua mạng lưới của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT), thấp hơn nhiều so với mức 43% bằng đồng USD và 32% bằng đồng euro.
Giờ đây, ngay cả Singapore cũng đang thận trọng mua vào kim loại quý phổ biến nhất thế giới, sau khi các quan chức nước này bày tỏ sự quan ngại về lập trường bảo hộ ngày càng tăng của Mỹ.
Tỷ lệ dự trữ bằng đồng USD của các ngân hàng trung ương toàn cầu đã giảm từ mức 73% vào năm 2000, xuống còn 58%. Trong khi, vàng hiện chiếm khoảng 15% tổng dự trữ ngoại hối của các cơ quan này.