Lý do các quốc gia mới nổi nên xây dựng chiến lược dự trữ tiền mã hóa
Mặc dù các quốc gia thuộc nền kinh tế mới nổi (như Ấn Độ, Brazil, Indonesia, Nam Phi, Nigeria, Thái Lan hoặc Việt Nam) đại diện cho hơn 40% dân số trên thế giới và khoảng 25% GDP toàn cầu, nhưng lại là đối tượng dễ bị tổn thương trước các cú sốc kinh tế toàn cầu, bởi vậy việc tiếp cận với tiền mã hóa là điều cần thiết để có công cụ phòng ngừa trước những biến động kinh tế.

Bitcoin: Từ thử nghiệm đến tài sản toàn cầu được công nhận
"Giá như chúng ta đã mua Bitcoin cách đây mười năm". Đây không chỉ là điều ước của rất nhiều người nếu có thể "xuyên không", quay ngược trở lại quá khứ, mà còn âm ỉ trong các hành lang ngân hàng trung ương trên toàn cầu. Đối với các quốc gia đang phát triển, đây không chỉ là tiếc nuối về cơ hội đầu tư đã qua, mà còn là lo ngại về việc đang bỏ lỡ một trong những cơ hội tài chính bất đối xứng nhất của thế kỷ.
Trong khi Mỹ và El Salvador đã bắt đầu tích lũy Bitcoin vào dự trữ quốc gia, nhiều nền kinh tế mới nổi vẫn đang chậm chân. Các nền kinh tế này hiện chiếm hơn 40% dân số toàn cầu và khoảng 25% GDP thế giới, nhưng vẫn dễ bị tổn thương trước các cú sốc kinh tế bên ngoài. Dự trữ chủ quyền của các quốc gia này vẫn phần lớn dựa vào vàng và ngoại hối, đặc biệt là đồng USD - những công cụ có thể không còn đủ trong thế giới số hóa.
Đặc biệt, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến thương mại toàn cầu có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng, tái kích hoạt lạm phát và làm xấu thêm triển vọng kinh tế đang xuống dốc. Cùng với đó, thuế quan sẽ làm suy yếu vai trò thống trị của đồng USD và tạo không gian cho các đối thủ cạnh tranh, bao gồm cả Bitcoin.
Hiện tại, đồng Bitcoin đã vượt qua giai đoạn thử nghiệm. Mạng lưới này đã chứng minh độ tin cậy với thời gian hoạt động 99,98% kể từ 2009. Trong thập kỷ qua, Bitcoin đã tăng giá gần 200 lần, vượt xa hiệu suất của các gã khổng lồ công nghệ như NVIDIA hay Apple. Dù không gian tiền mã hóa đã từng chứng kiến nhiều vụ lừa đảo, nhưng điều này cũng xảy ra trong mọi hệ thống tài chính mới. Vì vậy, quy định thông minh là cần thiết, và các quốc gia như Singapore, Nhật Bản và Thụy Sĩ đã xây dựng được những mô hình quản lý cân bằng giữa bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy đổi mới.
Tài sản số và chiến lược đa dạng hóa dự trữ quốc gia
Nguyên tắc "không đặt tất cả trứng vào một giỏ" là cốt lõi của quản lý tài sản hiệu quả. Trong thế giới số hóa, việc bỏ qua tài sản kỹ thuật số là sai lầm chiến lược. Bitcoin và các tiền mã hóa thường ít tương quan với tài sản truyền thống, tạo thành công cụ phòng ngừa hiệu quả trước biến động kinh tế.
Nhiều tổ chức lớn đã chứng minh niềm tin vào Bitcoin. Strategy của Michael Saylor nắm giữ hơn 506.137 Bitcoin (khoảng 42 tỷ USD). Đáng chú ý là Việt Nam, Ấn Độ và Thái Lan đã nằm trong top 10 quốc gia có tỷ lệ người dân tiếp xúc với tiền mã hóa cao nhất toàn cầu, thế nhưng đây chủ yếu là hoạt động từ khu vực tư nhân. Đây là tín hiệu cho thấy các nền kinh tế mới nổi cần phải theo kịp xu hướng này nếu không muốn bị tụt hậu trong cuộc cách mạng tài chính kỹ thuật số.
Bitcoin không thay thế vàng mà bổ sung cho nó. Vàng vẫn là kho lưu trữ giá trị truyền thống được ưa chuộng, và các ngân hàng trung ương vẫn mua vàng với tốc độ kỷ lục. Tuy nhiên, Bitcoin mang đến những tiện ích độc đáo: chuyển giao nhanh chóng toàn cầu, phân chia thành những đơn vị cực nhỏ và bảo mật bằng mật mã học. Cả hai đều chia sẻ đặc tính khan hiếm và khả năng phòng ngừa rủi ro, nhưng đóng vai trò khác nhau trong hệ sinh thái tài chính.
Tiện ích thực tế của tiền mã hóa ngày càng rõ ràng. Các công ty lớn như Microsoft và Starbucks đã chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin. Các quỹ ETF Bitcoin tại Mỹ đã thu hút hơn 12 tỷ USD từ các nhà đầu tư tổ chức chỉ trong vài tháng. Tiền mã hóa còn giúp giảm phí chuyển tiền kiều hối từ 6,4% xuống dưới 1%, tiết kiệm hàng tỷ đô la mỗi năm. Với hơn 100 tỷ USD đang hoạt động trong các giao thức DeFi, tương lai của tài chính đang được xây dựng trên blockchain.
Chiến lược thực tế và hành động cụ thể
Theo lời khuyên từ ông Anurag Arjun, nhà đồng sáng lập Avail, các nền kinh tế mới nổi nên cân nhắc phân bổ một tỷ lệ nhỏ khoảng 1-2% dự trữ quốc gia vào tài sản kỹ thuật số. Đây không phải canh bạc mà là chiến lược thông minh với tầm nhìn dài hạn. Các bước thực hiện có thể bao gồm: bắt đầu với khoản đầu tư thận trọng, theo dõi hiệu suất, học hỏi từ những quốc gia tiên phong, và điều chỉnh cách tiếp cận theo thời gian.
Việc khuyến khích các tổ chức tài chính trong nước thử nghiệm với công cụ dựa trên tiền mã hóa sẽ giúp tạo dựng chuyên môn trong lĩnh vực này. Song song đó, xây dựng khung pháp lý chủ động là thiết yếu để vừa thúc đẩy đổi mới vừa đảm bảo ổn định tài chính quốc gia.
Nắm giữ tài sản kỹ thuật số còn giúp giảm phụ thuộc vào hệ thống tài chính bên ngoài và tạo lớp bảo vệ trước biến động địa chính trị và tiền tệ. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại và xu hướng phi đô la hóa đang gia tăng, khả năng tự chủ tài chính ngày càng quan trọng.
Các nền kinh tế mới nổi đã chứng minh khả năng dẫn đầu trong lĩnh vực thanh toán số với các hệ thống như UPI của Ấn Độ, PIX của Brazil và NIBSS của Nigeria. Tiềm năng tương tự cũng tồn tại trong việc xây dựng dự trữ tiền mã hóa.
Thị trường tiền mã hóa toàn cầu hiện đang tiến gần mốc 3.000 tỷ đô la, và sự chấp nhận của các tổ chức tài chính đang tăng nhanh. Câu hỏi không còn là liệu sự chuyển dịch này có xảy ra hay không, mà là quốc gia nào sẽ dẫn đầu. Các nền kinh tế mới nổi có thể bắt đầu xây dựng chiến lược dự trữ tiền mã hóa ngay từ hôm nay, hoặc năm năm sau sẽ lại phải tiếc nuối: "Giá như chúng ta đã mua Bitcoin vào năm 2025."