Lý do chuyên gia đề xuất áp thuế tuyệt đối với thuốc lá
Chuyên gia y tế và chính sách đều đề xuất áp thuế tuyệt đối 5.000 đồng/bao từ năm 2026 và tăng lên 15.000 đồng vào năm 2030 để giảm tiêu dùng thuốc lá.
Chi phí bệnh tật vì thuốc lá gấp 5 lần thuế thu được
TS Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển, cho biết theo khảo sát 2025, dù chưa tăng thuế, giá thuốc lá tại các cửa hàng bán lẻ và thị trường chợ đen đều đã tăng. Điều này phản bác lập luận của doanh nghiệp rằng tăng thuế khiến thuốc lậu rẻ hơn và tiêu dùng tăng.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD.
Tại Việt Nam, theo ước tính của Hội Kinh tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám, chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng/năm (tương đương 1,14% GDP của năm 2022). Con số này lớn hơn gấp 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia.

Thuốc lá chứa 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây nên 25 loại bệnh như ung thư, tim mạch, các bệnh về hô hấp và sinh sản.
Chia sẻ tại buổi tập huấn "Một số tác động của việc tăng thuế thuốc lá tới sức khỏe người dân và phản ứng của thị trường" diễn ra mới đây, các chuyên gia khẳng định tăng thuế không làm gia tăng buôn lậu thuốc lá như lo ngại, mà đang tạo hiệu ứng tích cực.
Về tình trạng thuế và giá thuốc tại Việt Nam, ThS Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) chia sẻ, từ năm 2008 đến năm 2019, Việt Nam mới thực hiện 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá, nhưng mức tăng mỗi lần thấp chỉ 5% và khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế khá dài (giá xuất xưởng). Cụ thể, năm 2006, tăng mức thuế từ 55% lên 65% (giá xuất xưởng); năm 2016 (sau 8 năm) tăng từ 65% lên 70%; năm 2019 (sau ba năm) tăng từ 70% lên 75%.
Thí dụ, mỗi bao thuốc lá bán lẻ 10.000 đồng thì giá xuất xưởng chỉ khoảng 3.900 đồng. Việc tăng thuế từ 70% lên 75% giá xuất xưởng sẽ làm giá tăng 220 đồng. Người bán lẻ có thể cùng tăng giá và sẽ làm giá tăng lên khoảng 300 đồng = 3%.
Tuy nhiên, lạm pháp trung bình 4% và thu nhập tăng trung bình là 5%, vì vậy việc tăng thuế có tác động nhưng rất ít tới tiêu dùng trong các năm đó.

ThS Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) chia sẻ, từ năm 2008 đến năm 2019, Việt Nam mới thực hiện 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá, nhưng mức tăng mỗi lần thấp chỉ 5% và khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế khá dài (giá xuất xưởng).
Giá thuốc lá ở Việt Nam gần thấp nhất trong số 19 nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương
Hiện có khoảng 40 nhãn hiệu thuốc lá giá dưới 10.000 đồng/bao, nhiều loại chỉ 7.000–8.000 đồng. Với mức giá này, giá thuốc lá ở Việt Nam đứng thứ 15, gần thấp nhất trong số 19 nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương.
Theo chuyên gia kinh tế, ThS Đào Thế Sơn, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá nên được coi là một chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, vì vậy Việt Nam cần mạnh dạn tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để có thể nâng cao chất lượng tăng trưởng và tăng trưởng bền vững.
Về mức thuế, theo tính toán của các chuyên gia Tổ chức y tế Thế giới và đề xuất của Bộ Y tế bên cạnh thuế tương đối là 75%, chúng ta cần bổ sung mức thuế tuyệt đối với sản phẩm thuốc lá ở mức ít nhất 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần để đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030. Phương án khuyến nghị cụ thể như sau:

Đề xuất về cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở Việt Nam.
Phương án này sẽ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc ở người trưởng thành, cụ thể: tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới sẽ giảm xuống dưới 36% và ở nữ giới xuống dưới 1,0% vào năm 2030, đáp ứng được mục tiêu chiến lược quốc gia.
Giảm 3,2 triệu người hút thuốc vào năm 2030 so với kịch bản không tăng thuế. Mức giảm này cao hơn phương án của Bộ Tài chính hiện nay là một triệu người hút thuốc.
Đặc biệt, tăng số thu thuế thực (đã điều chỉnh theo lạm phát) lên 169%, tăng từ 17,4 nghìn tỷ đồng năm 2020 lên 46,4 nghìn tỷ đồng vào năm 2030 (tăng thêm 29 nghìn tỷ đồng). Mức tăng này cao hơn so với mức tăng theo phương án của Bộ Tài chính là gần 10 nghìn tỷ đồng.
Theo ThS.BS Phan Thị Hải, sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong sớm. Thuốc lá chứa 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây nên 25 loại bệnh như ung thư, tim mạch, các bệnh về hô hấp và sinh sản.
Tại Việt Nam, sử dụng thuốc lá gây ra 85.500 ca tử vong mỗi năm. Hút thuốc lá thụ động gây ra 18.800 ca tử vong. Như vậy, tổng cộng có 104.300 ca tử vong/năm vì các bệnh liên quan đến thuốc lá (số liệu cập nhật của Tổ chức Y tế thế giới năm 2021).
Đáng lo ngại, sử dụng thuốc lá đã tạo gánh nặng bệnh tật, làm suy giảm chất lượng nguồn lao động. Cụ thể, hơn 45 triệu người Việt Nam có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá và tử vong sớm do hút thuốc trực tiếp hoặc gián tiếp. Phần lớn những người chết vì bệnh liên quan đến thuốc lá, là những người trong độ tuổi lao động bị tử vong sớm.
Mỗi công dân Việt Nam bị ốm hoặc tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá đều làm suy giảm quy mô và chất lượng nguồn lao động của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong khi đó, gánh nặng bệnh tật do sử dụng thuốc lá sẽ rõ rệt hơn trong 10 đến 20 năm tới khi những người hút thuốc hiện nay phải đối mặt với những tác động đến sức khỏe của việc dùng thuốc lá.