Lý do công ty Việt vẫn đau đầu với tỉ giá
Tiền đồng đang có dấu hiệu giảm so với nhiều đồng tiền khác như USD, đồng Yên Nhật đã gây sức ép cho hoạt động kinh doanh của nhiều công ty Việt.
Trong bối cảnh biến động tỉ giá ngày càng phức tạp, việc đánh giá đúng mức độ ảnh hưởng và chuẩn bị các biện pháp ứng phó trở thành yếu tố sống còn với nhiều doanh nghiệp.
Cú bật tăng
Chị Mai Khanh, Giám đốc tài chính một công ty mỹ phẩm đang rất đau đầu vì đồng USD tăng giá mạnh từ đầu năm đến nay. Tỉ giá USD/VND bật tăng khiến chi phí đầu vào đội lên, buộc công ty phải điều chỉnh giá bán.
“Nhiều chi phí cũng tăng trong khi giá bán không thể tăng tương ứng, khiến lợi nhuận ngày càng thu hẹp. Bên cạnh đó, với khoản vay bằng USD phục vụ mở rộng nhà máy cách đây 2 năm khiến công ty đang phải trả số tiền lãi và gốc lớn hơn dự kiến vì tỉ giá biến động mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả kinh doanh” – chị Khanh cho biết.
Thực tế này đang đặt nhiều doanh nghiệp như công ty chị Khanh trước áp lực phải cơ cấu lại chiến lược tài chính để tồn tại trong giai đoạn đầy biến động.

Tỉ giá USD/VND đã vượt mốc 26.000 đồng khiến nhiều công ty Việt có khoản vay hay nhập hàng bằng USD gặp bất lợi về chi phí gia tăng. Ảnh: PHƯƠNG MINH
Tại đại hội cổ đông thường niên tổ chức vào cuối tháng 6 mới đây, ông lớn trong lĩnh vực hàng không ACV cũng nhìn thấy lợi nhuận trước thuế của nửa đầu năm 2025 giảm nhẹ vì lỗ tỉ giá.
Ban lãnh đạo ACV cho biết, tỉ giá giữa đồng Yên Nhật (JPY) đã tăng 10% từ đầu năm đến nay, khiến công ty phải ghi nhận khoản lỗ tỉ giá, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh.
Nguyên nhân chính là do đồng Yên Nhật tăng giá mạnh so với tiền đồng, làm cho chi phí quy đổi các khoản nợ hoặc nghĩa vụ mà ACV đang có bằng Yên Nhật trở nên đắt đỏ hơn khi tính toán theo tiền đồng.
Tuy nhiên, ACV vẫn còn một điểm may mắn lớn. Trước đó, vào đầu năm 2025, công ty dự định vay gần 2 tỉ USD cho dự án Sân bay Long Thành nhưng hiện tại chưa giải ngân mà đang ưu tiên sử dụng vốn tự có.
Nếu khoản vay USD này đã được giải ngân và đưa vào sử dụng, ACV có thể đã phải gánh thêm gánh nặng lỗ tỉ giá đáng kể, bởi đồng USD vẫn duy trì sức mạnh vượt trội so với tiền đồng từ đầu năm đến nay.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và phát triển khách hàng cá nhân Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, tỉ giá USD/VND đang chứng kiến đà tăng đáng kể khi đã vượt mốc 26.000 đồng. Nguyên nhân chính đến từ việc chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và USD. Ngoài ra các sức ép lên tỉ giá gồm nhu cầu USD tăng, thặng dư thương mại không mạnh như các năm trước.
“Chúng ta cần nhớ rằng, khi tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ vẫn chưa bị ảnh hưởng, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chắc chắn sẽ vẫn tập trung vào việc kiềm chế lạm phát. Với áp lực lạm phát hiện tại, Fed không có lý do gì phải vội vã cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, bức tranh này có thể thay đổi nếu lạm phát vẫn duy trì nhưng tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng, dẫn đến tác động tiêu cực đến tỷ lệ thất nghiệp và việc làm.
Lúc đó, Fed chắc chắn sẽ phải cân nhắc lại quyết định của mình về việc có nên cắt giảm lãi suất hay không, hoặc sẽ hành động theo dự báo thị trường. Hiện tại, dữ liệu trên CME Group cho thấy xác suất cao về một đến hai đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, dự kiến vào tháng 9 hoặc tháng 10. Đây có thể là thời điểm phù hợp để áp lực tỉ giá của chúng ta bắt đầu hạ nhiệt” – ông Minh nhận định.
Hưởng lợi nhưng vẫn cần cẩn trọng
Không phải doanh nghiệp nào cũng ngấm đòn dưới sức ép tỉ giá, ngược lại, một số công ty Việt xuất khẩu lại đang hưởng lợi từ biến động tỉ giá.
Trong bối cảnh tỉ giá ngày càng có vai trò lớn trong cạnh tranh quốc tế, việc tận dụng hiệu quả các lợi thế từ biến động tiền tệ đang trở thành lợi thế chiến lược đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.
Nếu ACV lao đao vì tỉ giá JPY/VND tăng cao, thì ở chiều ngược lại, một công ty chế biến thực phẩm đông lạnh Agrex Saigon lại hưởng lợi từ biến động tỉ giá này.
Ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc Công ty Agrex Saigon cho biết, doanh thu xuất khẩu sang Nhật trong nửa đầu năm nay tiếp tục tăng trưởng tốt, một phần nhờ vào đồng Yên Nhật mạnh lên so với tiền đồng.
“Vì khi tỉ giá JPY/VND tăng giúp sản phẩm xuất sang Nhật rẻ hơn cũng như gia tăng năng lực cạnh tranh so với các đối thủ khác. Khi thu tiền Yên Nhật và quy đổi về tiền đồng, doanh thu tăng lên do tỉ giá tăng, điều này có thể cho phép công ty có một khoảng đệm tài chính.
Nhờ tỉ giá thuận lợi, công ty cải thiện biên lợi nhuận, đồng thời có thêm nguồn lực để tái đầu tư dây chuyền sản xuất và mở rộng thị phần.” – ông Long nói.

Nhiều khi tỉ giá tăng là cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu. Ảnh: PHƯƠNG MINH
Với phần lớn sản phẩm đầu ra xuất khẩu, ông lớn trong ngành cao su VRG vừa tận hưởng giá mủ cao su tăng cao vừa nhận được lợi ích từ tỉ giá USD/VND tăng. Riêng quý I-2025, VRG lãi chênh lệch tỉ giá hơn 1.000 tỉ đồng.
Nhiều công ty Việt xuất khẩu tôm cá sang Mỹ đang hưởng lợi rõ rệt từ việc tỉ giá USD/VND tăng, nhờ sự chênh lệch có lợi trong quy đổi doanh thu từ ngoại tệ về nội tệ.
Khi đồng USD tăng giá so với đồng Việt Nam, mỗi đơn hàng thanh toán bằng USD từ thị trường Mỹ khi chuyển đổi sang tiền đồng sẽ mang lại giá trị cao hơn, giúp các doanh nghiệp cải thiện đáng kể doanh thu và biên lợi nhuận. Chưa kể việc bán hàng sang Mỹ có lợi thế cạnh tranh vì giá đã trở nên rẻ hơn so với trước đó.
Giám đốc một công ty xuất khẩu thủy sản chia sẻ: “Chúng tôi đang xuất hàng đều đặn sang Mỹ với mức giá hợp đồng ổn định. Nhờ tỉ giá USD/VND tăng, cùng một lượng hàng xuất đi, doanh thu quy đổi về tiền đồng tăng khá đáng kể so với cùng kỳ năm trước, trong khi chi phí sản xuất trong nước không biến động lớn.
Điều này giúp doanh nghiệp có thêm dư địa để điều chỉnh giá bán linh hoạt, tăng chiết khấu cho đối tác hoặc đầu tư mở rộng vùng nuôi và nâng cấp nhà máy chế biến”.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng lợi thế này có thể chỉ là tạm thời nếu tỉ giá biến động quá mạnh, vì gia tăng chi phí nhập khẩu đầu vào trong trung dài hạn. Đặc biệt, nhiều công ty Việt trong lĩnh vực thủy sản sử dụng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu.
Tỉ giá biến động rõ ràng ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô hoặc làm gia tăng chi phí nhập khẩu đầu vào trong trung dài hạn. Do đó, các doanh nghiệp vẫn cần chủ động quản trị rủi ro tỉ giá để đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững.
Lên kịch bản về tỉ giá để nắm bắt cơ hội
PGS.TS Phạm Công Hiệp, Đại học RMIT Việt Nam cho biết, để tránh những biến động tỉ giá bất ngờ có thể ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kịch bản ứng phó tỉ giá.
Điều này đòi hỏi phải phân tích kỹ lưỡng các tình huống tỉ giá có thể xảy ra, từ ít biến động đến cực kỳ bất ổn, và từ đó phát triển các chiến lược ứng phó cụ thể cho từng kịch bản.
Quan trọng là xác định được những ngưỡng giao dịch then chốt, nơi doanh nghiệp sẽ cần điều chỉnh chiến lược, chẳng hạn tìm kiếm nguồn cung ngoại tệ dự phòng hoặc cân nhắc chuyển đổi các khoản vay sang đồng tiền có lợi hơn.
Bên cạnh đó, phòng ngừa rủi ro tỉ giá là bước không thể thiếu. Doanh nghiệp nên xem xét sử dụng các công cụ phái sinh như hợp đồng kỳ hạn (forward contracts) hoặc hợp đồng quyền chọn (options contracts). Mặc dù việc sử dụng các công cụ này có thể phát sinh chi phí ban đầu, nhưng trong bối cảnh tỉ giá biến động khó lường như hiện nay, đây là khoản đầu tư cần thiết để bảo vệ tài chính doanh nghiệp.
Cuối cùng, quản lý chặt chẽ dòng tiền ngoại tệ là yếu tố then chốt. Doanh nghiệp cần dự báo chính xác nhu cầu và nguồn cung ngoại tệ trong tương lai, đồng thời đánh giá kỹ lưỡng vị thế ngoại tệ hiện tại.
Việc tối ưu hóa thời điểm mua bán ngoại tệ, cũng như xem xét việc sử dụng ngoại tệ trực tiếp cho các giao dịch với đối tác quốc tế, sẽ giúp giảm thiểu chi phí và rủi ro, đồng thời tối đa hóa lợi ích từ các biến động tỉ giá.
Nguồn PLO: https://plo.vn/ly-do-cong-ty-viet-van-dau-dau-voi-ti-gia-post859006.html