Thế giới 'nín thở' trước hạn chót thuế quan của Tổng thống Trump
Kinh tế toàn cầu đang trong trạng thái căng thẳng chờ đợi khi thời hạn ngày 9/7 - cột mốc quan trọng về thuế quan do Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra - đang cận kề. Theo đó, hàng chục quốc gia buộc phải ký kết các thỏa thuận thương mại với Mỹ hoặc đối mặt với nguy cơ áp thuế ở mức cao chót vót.

Quang cảnh cảng hàng hóa ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Theo trang Al Jazeera, thời hạn ngày 9/7 là mốc kết thúc của lệnh tạm hoãn 90 ngày mà ông Trump công bố hồi tháng 4, sau khi kế hoạch “Ngày Giải phóng” khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo. Giờ đây, với hàng tỷ USD giá trị giao thương quốc tế đang bị đe dọa, các đối tác thương mại của Mỹ đang gấp rút tiến hành đàm phán nhằm tránh kịch bản tiêu cực cho nền kinh tế, trong bối cảnh còn nhiều điều chưa rõ về các bước đi tiếp theo của Nhà Trắng.
Điều gì sẽ xảy ra khi đến hạn chót?
Chính quyền Tổng thống Trump cảnh báo các quốc gia không đạt được thỏa thuận thương mại sẽ phải chịu mức thuế cao hơn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp: quốc gia nào sẽ bị ảnh hưởng, mức độ ra sao và liệu sẽ có thêm các ngoại lệ hay không.
Ngày 6/7, ông Trump cho biết sẽ gửi thư cho một số quốc gia trong tuần này để thông báo mức thuế mới, đồng thời nhấn mạnh rằng Mỹ đã đạt được một số thỏa thuận thương mại.
Trước đó, Tổng thống Mỹ từng tuyên bố sẽ gửi thư hoặc hoàn tất các thỏa thuận với “hầu hết các quốc gia” trước thời hạn chót, song không nêu rõ tên cụ thể.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNN cùng ngày 6/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent khẳng định những quốc gia không đạt được thỏa thuận sẽ phải chịu thuế cao hơn kể từ ngày 1/8. Ông cũng bác bỏ các thông tin cho rằng thời hạn đã được lùi lại, đồng thời cho biết mức thuế sẽ “trở lại” mức từng được công bố ngày 2/4.
Trong khi đó, ông Trump từng gợi ý vào ngày 4/7 rằng mức thuế có thể lên tới 70% – cao hơn mức tối đa 50% từng được nêu trong kế hoạch “Ngày Giải phóng”.
Sự bất ổn tiếp tục gia tăng khi ngày 6/7, Tổng thống Mỹ tiếp tục đe dọa áp thêm 10% thuế đối với các quốc gia đồng minh có “chính sách chống Mỹ”, đặc biệt nhắm đến nhóm BRICS – gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
“Chính sách này sẽ không có ngoại lệ. Cảm ơn quý vị đã quan tâm!”, ông viết trên mạng xã hội Truth Social.
Bà Deborah Elms, Giám đốc Chính sách thương mại tại Quỹ Hinrich (Singapore), nhận định: “Việc dự đoán diễn biến tiếp theo ngày càng khó khăn hơn do các thông tin trái chiều từ Nhà Trắng”.
Bà cho biết thêm: “Với việc chưa có nhiều thỏa thuận được công bố trước ngày 9/7, tôi không bất ngờ nếu Mỹ vừa đưa ra các cảnh báo thuế quan mới, vừa để ngỏ khả năng gia hạn nếu các đề nghị được coi là đủ hấp dẫn”.
Những quốc gia đã ký thỏa thuận thương mại với Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN
Đến thời điểm hiện tại, chỉ có ba quốc gia chính thức công bố đã đạt được thỏa thuận với Mỹ - Trung Quốc, Vương quốc Anh và Việt Nam. Tuy nhiên, các thỏa thuận này chủ yếu nhằm giảm mức thuế, chứ không hủy bỏ hoàn toàn.
Cụ thể, theo thỏa thuận Mỹ - Trung, thuế trên hàng hóa Trung Quốc giảm từ 145% xuống 30%, trong khi hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc được giảm thuế từ 125% xuống còn 10%. Tuy vậy, đây chỉ là biện pháp tạm hoãn trong 90 ngày, chưa giải quyết các bất đồng sâu xa.
Với Anh, mức thuế hiện giữ ở ngưỡng 10%. Trong khi đó, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận giảm thuế xuất khẩu từ 46% xuống còn 20%, và 40% cho hàng hóa “trung chuyển”.
Các đối tác thương mại lớn khác như Liên minh châu Âu (EU), Canada, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc đang tích cực đàm phán. Giới chức Mỹ cho biết các cuộc đàm phán chủ yếu tập trung vào khoảng 15 quốc gia, chiếm phần lớn thâm hụt thương mại của Mỹ.
Theo Washington Post, EU – đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ – đang nỗ lực hoàn tất một thỏa thuận sơ bộ nhằm hoãn giải quyết những vấn đề gai góc trước thời hạn 9/7, với mục tiêu tránh bị áp thuế 50% theo đề xuất từ chính quyền Trump.
Tại châu Á, kênh CNBC-TV18 cho biết Ấn Độ dự kiến sẽ ký một “thỏa thuận thương mại nhỏ” trong vòng 24 – 48 giờ tới, với mức thuế trung bình khoảng 10%, theo các nguồn tin giấu tên.
Ông Andrew K McAllister, chuyên gia thuộc Nhóm Thương mại Quốc tế tại công ty luật Holland & Knight (Washington, DC), nhận định Tổng thống Trump có thể công bố một số thỏa thuận nhỏ như với Trung Quốc, Việt Nam và Anh, song phần lớn các quốc gia khác sẽ phải đối mặt với mức thuế áp dụng trên diện rộng.
“Tôi tin rằng chính sách thuế quan này sẽ còn kéo dài. Với những quốc gia mà chính quyền Mỹ cho rằng đang gây trở ngại nghiêm trọng cho hàng hóa Mỹ, khả năng áp thuế cao hơn là điều có thể xảy ra”, ông McAllister chia sẻ.
Tác động kinh tế từ căng thẳng thương mại
Các chuyên gia kinh tế thống nhất rằng chính sách thuế cao kéo dài có thể dẫn đến chi phí tiêu dùng tăng và làm chậm lại đà tăng trưởng của cả kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu.
Tháng trước, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu – lần lượt từ 2,8% xuống 2,3% và từ 3,3% xuống 2,9%.
Tuy nhiên, việc đánh giá tác động từ cuộc chiến thương mại hiện nay gặp nhiều khó khăn do chính quyền Mỹ liên tục thay đổi các quyết định và gửi đi những tín hiệu trái chiều.
Dù các mức thuế cao nhất vẫn đang trong diện tạm hoãn, mức thuế cơ bản 10% đã được áp dụng trên toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ, trong khi hàng hóa từ Trung Quốc vẫn chịu thuế ở mức hai chữ số.
Một nghiên cứu của JP Morgan ước tính thuế nhập khẩu 10% áp dụng rộng rãi và mức 110% với hàng Trung Quốc có thể khiến GDP toàn cầu giảm 1%. Nếu thuế đối với Trung Quốc ở mức 60%, GDP toàn cầu có thể mất khoảng 0,7%.
Tác động tức thời đến nay vẫn chưa quá rõ rệt, song giới chuyên gia cảnh báo rằng lạm phát có thể tăng vọt khi các doanh nghiệp cạn kiệt hàng tồn kho vốn được tích trữ từ trước nhằm tránh chi phí tăng.
Tại Mỹ, dù lo ngại về giá cả leo thang, lạm phát tháng 5 vẫn ở mức 2,3% – tiệm cận mục tiêu kiểm soát của Cục Dự trữ Liên bang (FED). Thị trường chứng khoán Mỹ đã phục hồi mạnh mẽ sau những biến động đầu năm và lập kỷ lục mới, trong khi nền kinh tế tạo thêm 147.000 việc làm trong tháng 6 – vượt dự báo.
Tuy nhiên, một số chỉ số khác cho thấy dấu hiệu bất ổn. Theo Bộ Thương mại Mỹ, chi tiêu tiêu dùng đã giảm 0,1% trong tháng 5 – lần giảm đầu tiên kể từ tháng 1.
Ngân hàng ING (Hà Lan) đưa ra nhận định: “Chúng ta chưa thể chắc chắn rằng tác động tiêu cực nhất của chính sách thuế quan đã xảy ra. Việc trì hoãn áp thuế với Trung Quốc có thể giúp tránh được một cuộc suy thoái sâu, nhưng hậu quả kinh tế thường xuất hiện muộn. Tâm lý thị trường hiện vẫn rất mong manh”.