Lý do đi đâu cũng nghe 'anh hẹn em pickleball'

Dù gây khó chịu, các bài hát bị ví như thảm họa âm nhạc vẫn cứ ghim vào đầu người nghe. TikTok có thể đang khiến mức độ lan truyền của ca khúc và sự bực bội ở khán giả tăng lên.

Sau 11 ngày phát hành, bài hát Pickleball của Đỗ Phú Quí có hơn 1 triệu lượt xem trên YouTube. Phần lớn ý kiến trong hơn 8.000 bình luận dưới MV này đều là chê bai, chỉ trích, gọi ca khúc là "thảm họa âm nhạc của năm".

Tuy vậy, dù có khó chịu đến đâu, nhiều người nói rằng giai điệu bài hát vẫn mắc kẹt trong đầu của mình, nhất là khi liên tục lướt mạng xã hội. Không chỉ bài hát gốc, các clip chế lời, chế giai điệu theo Pickleball cũng đang lan truyền mạnh mẽ.

Điều này không gây ngạc nhiên vì không ít sản phẩm âm nhạc từng bị nói là "thảm họa" cũng đã viral theo cách tương tự. Thay vì quan tâm đến tâm trạng của người dùng, thuật toán của các mạng xã hội chỉ tập trung kéo nội dung gây chú ý đến càng nhiều bảng tin càng tốt. Và nếu xét riêng về âm nhạc và những clip ngắn ngớ ngẩn nhất, TikTok là nơi có tốc độ lan truyền nhanh nhất.

 Ca khúc "Pickleball" của Đỗ Phú Quí bị nhiều khán giả chỉ trích.

Ca khúc "Pickleball" của Đỗ Phú Quí bị nhiều khán giả chỉ trích.

Những "con sâu tai"

Nhiều năm qua, khán giả cũng từng nghe, khó chịu, căm ghét, nhưng không thể ngừng lẩm nhẩm theo những bài hát như Tubthumping của Chumbawamba và Hey Ya! của Outkast. Tuy nhiên, tất cả chưa là gì so với hiện tượng Friday của năm 2011.

13 năm trước, thiếu nữ vô danh Rebecca Black đã đăng bài hát Friday lên YouTube, với hy vọng khơi dậy sự nghiệp âm nhạc của mình. Những điều xảy ra tiếp theo vượt xa sức tưởng tượng. Bài hát đã thu hút 173 triệu lượt xem và 882.000 bình luận trên YouTube, được đẩy lên bảng xếp hạng Billboard, đạt vị trí thứ 58 trên Hot 100.

Friday là một hiện tượng văn hóa, nhưng chỉ vì nó là "bài hát tệ nhất từ trước đến nay", theo BBC.

Những câu như "yesterday was Thursday Thursday, today it is Friday Friday" (tạm dịch: hôm qua là thứ 5 thứ 5, hôm nay là thứ 6 thứ 6), "gotta get down to the bus stop, gotta get my bus, I see my friends" (phải xuống bến xe buýt, phải bắt xe buýt, tôi gặp bạn bè) và "we we we so excited, we so excited" (chúng tôi rất phấn khích, chúng tôi rất phấn khích) đã trở thành trò cười của Internet.

 "Friday" bị coi là "bài hát tệ nhất từ trước đến nay".

"Friday" bị coi là "bài hát tệ nhất từ trước đến nay".

Mọi người nhanh chóng chỉ trích bài hát không chỉ vì ca từ. Giọng hát và video được chỉnh tự động quá mức cũng bị dán nhãn là tệ hại.

Theo các chuyên gia tâm lý, dù bạn có thích hay không, một giai điệu đôi khi mắc kẹt trong đầu bạn với khái niệm gọi là "earworms" (tạm dịch: sâu tai). Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy 97% sinh viên ở Mỹ gặp hiện tượng này.

Claire Arthur, phó giáo sư tại Trường Âm nhạc thuộc Viện Công nghệ Georgia ở Atlanta (Mỹ), cho biết: "Earworms là hiện tượng phổ biến ở nhiều lứa tuổi và nền văn hóa khác nhau. Thứ phân biệt earworms với bất kỳ ký ức nào khác tự nhiên xuất hiện trong đầu bạn là nó tái diễn và lặp lại, thường theo một vòng lặp trực tiếp".

Giải thích về hiện tượng này, Emery Schubert, nhà nghiên cứu và giáo sư tại Đại học New South Wales (Australia), cho biết: "Bộ não của chúng ta được tạo thành từ một mạng lưới phức tạp khổng lồ gồm các tế bào thần kinh lưu trữ thông tin và khi tâm trí được tự do lang thang, nó có thể vô tình dừng lại ở một bài hát đã được mã hóa thông qua sự lặp lại gần đây".

Trên thực tế, các nhà soạn nhạc và nghệ sĩ sáng tác bài hát thường cố tình đưa sự lặp lại vào âm nhạc của họ để tăng khả năng tạo ra giai điệu gây nghiện. Âm nhạc càng đơn giản, lặp đi lặp lại và dễ hát (hoặc ngân nga theo) càng có nhiều khả năng mắc kẹt trong đầu người nghe.

 Earworms là thuật ngữ mô tả hiện tượng một ca khúc cứ mắc kẹt trong đầu một người suốt nhiều ngày.

Earworms là thuật ngữ mô tả hiện tượng một ca khúc cứ mắc kẹt trong đầu một người suốt nhiều ngày.

Thuật toán của TikTok

So với các nền tảng khác, TikTok thường là "đồng minh" lớn nhất của "những con sâu tai".

Trên TikTok, mọi người thường nghe đi nghe lại cùng một bài hát. Vấn đề không phải là sở thích của người dùng mà nằm ở thuật toán của nền tảng.

Nếu một âm thanh truyền cảm hứng cho một người dùng tạo video bằng âm thanh đó, nó sẽ truyền cảm hứng cho người khác và người khác nữa, cho đến khi nó tích lũy được hàng trăm, rồi hàng nghìn video sử dụng cùng một âm thanh. Đây là loại lan truyền vượt xa khả năng của radio, YouTube, Spotify hoặc bất kỳ nền tảng khám phá âm nhạc nào khác, trong quá khứ hay hiện tại.

Theo Vulture, khi ra mắt quốc tế vào năm 2016, TikTok là một phần của câu chuyện cười về "giới trẻ ngày nay". Nhưng chỉ chưa đầy một năm sau, nó đã trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất thế giới và ngày nay nắm giữ sức mạnh chưa từng có đối với ngành công nghiệp âm nhạc.

 Ashnikko trở nên viral trên TikTok nhờ một đoạn hát vô nghĩa trong ca khúc "Stupid".

Ashnikko trở nên viral trên TikTok nhờ một đoạn hát vô nghĩa trong ca khúc "Stupid".

Không còn chỉ muốn nghe nhạc, giới trẻ ngày nay muốn sáng tạo trên nền nhạc. Điều này dẫn tới sự thay đổi trong giới nghệ sĩ, sản xuất nhạc. Thật hiếm khi các hãng thu âm lớn ký hợp đồng với tài năng mà không có lượng người theo dõi đáng kể trên mạng xã hội hoặc lịch sử về số liệu thống kê hiệu suất ấn tượng, nhưng trên TikTok, về mặt lý thuyết, một người dùng mới có cùng cơ hội trở nên lan truyền như Miley Cyrus hay Taylor Swift.

Vì bản chất của ứng dụng, TikTok đặc biệt phù hợp để truyền bá nhạc đại chúng với tốc độ khiến các hãng thu âm bối rối.

Nhưng ngược lại, TikTok không có được sự chuyên nghiệp hay một "bộ lọc âm thanh" như các hãng thu âm, vì vậy mọi thứ, kể cả những điều nhảm nhí nhất, cũng có thể lan truyền, trở thành xu hướng.

Ashnikko, người viral với ca khúc Stupid, nói: "Các công ty lớn không được quyết định cách một bài hát phát triển trên TikTok. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào những người dùng của TikTok".

Hơn ai hết, Ashnikko hiểu rõ rằng người dùng mạng xã hội đã trở thành "những người gác cổng cuối cùng" và họ có khả năng "đánh hơi thứ mùi nhảm nhí nhưng sẽ trở nên viral cách mình hàng km", theo Vulture.

Lê Vy

Ảnh: Vulture, Instagram

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/ly-do-di-dau-cung-nghe-anh-hen-em-pickleball-post1514216.html