Lý do dì ghẻ độc ác, ngược đãi con chồng trong cổ tích
Những người mẹ kế mặc định là xấu xa gần như đã đóng đinh vào ấn tượng người đời. Tại sao hình tượng mẹ kế lại bị đóng khung như vậy?
Mẹ kế độc ác là mô típ phổ biến trong tất cả truyện cổ tích từ mọi nền văn hóa. Hầu như phiên bản nào cũng sẽ có nhân vật mẹ kế độc ác, phù thủy độc địa, người luôn cố gắng đẩy các cô con riêng của chồng vào sự mù mờ và luôn làm mọi cách để nâng cao vị thế con gái mình.
Mẹ kế đi liền với sự tàn ác
Bỏ qua các câu chuyện của anh em nhà Grimm và câu chuyện cổ tích các vùng miền, chúng ta vẫn có nhiều bằng chứng lịch sử và văn học để chứng minh: mẹ kế thường làm những điều xấu. Trong sách Sáng thế, bà Sarah vợ của Abraham, khi biết con riêng của chồng là Ishmael được thừa kế tài sản, đã bắt chồng phải đuổi Ishmael đi. Và Sarah tuyên bố sẽ không cho Ishmael được thừa kế. Abraham rất đau khổ, nhưng chúa trời bảo Abraham làm theo lời vợ.
Vào thời hoàng đế Augustus, người mẹ kế được hình dung rất tiêu cực trong xã hội La Mã. Virgil mô tả những người mẹ kế là dã man; Horace hình dung các bà mẹ ghẻ là không có cảm xúc và mọi người luôn ám chỉ rằng các bà mẹ kế luôn mang trong mình cái ý định giết người. Nhưng tựu trung, những người mẹ kế của văn học La Mã thật đáng ghét.
Trong lịch sử dân gian, mẹ kế thường là những kẻ giết người xảo quyệt. Họ sử dụng chất độc để nhắm vào chồng và con riêng của họ. Điều đáng chú ý là chất độc không chỉ là lãnh địa của những người mẹ kế, chất độc được phân chia thành giới tính nhất quán. Những người mẹ kế độc ác được ví như phù thủy và rắn rết. Rõ ràng đã có một “kịch bản văn hóa” được tạo sẵn để phù hợp với hình tượng mẹ kế.
Ba người mẹ kế khét tiếng trong lịch sử cổ tích được anh em nhà Grimm kể lại đó là: mẹ kế của Lọ Lem, của Bạch Tuyết, và của anh em Hansel và Gretel. Nhưng không phải lúc nào cũng là mẹ kế. Trong một số phiên bản thì đó là mẹ ruột.
Trong các phiên bản đầu của Nàng Bạch Tuyết và Hansel và Gretel thì đó là mẹ ruột, và khi anh em nhà Grimm biên tập, sửa chữa những câu chuyện này thì người mẹ độc ác đã được thay thế thành người mẹ kế. Phiên bản của Bạch Tuyết đã được sửa đổi vào năm 1819, và mẹ của Hansel và Gretel được thay thế trong một phiên bản năm 1840.
Mẹ kế trong tương quan với mẹ đẻ
Lý do của những thay đổi này hiện vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng một trong những ý kiến được đánh giá cao là thay đổi hình tượng từ người mẹ sang mẹ kế nhằm giữ gìn sự tôn nghiêm và thuần khiết của hình ảnh người mẹ và tình mẫu tử.
Có vô vàn tác phẩm và hình tượng ở đời thực cho thấy tình mẫu tử là quan hệ thiêng liêng.
Với con trẻ, người mẹ là hình tượng không thể “động chạm”. Nên cũng có khả năng anh em nhà Grimm, khi biên tập sách cho trẻ em, không muốn trẻ em có suy nghĩ xấu xa về bóng dáng người mẹ. Vì vậy, họ thay thế bằng những hình tượng vốn đã bị nghi ngờ, những người xa lạ với gia đình, người mới và không quen biết… Mẹ kế.
Phụ nữ không có quyền tự quyết?
Việc duy trì hình ảnh người mẹ kế như một “kẻ xa lạ” xấu xa chính là cấu trúc của chế độ phụ hệ. Cấu trúc của một hệ thống phụ quyền điển hình, một hệ thống đặt nam giới vào tất cả vị trí lãnh đạo và trao cho họ nhiều quyền tự quyết, tự do và quyền lực hơn phụ nữ.
Về bản chất, các câu chuyện mẹ kế thường sẽ phản đối ý tưởng phụ nữ nắm quyền hoặc phụ nữ có quyền tự quyết. Lọ Lem chỉ cần chăm chỉ chờ hoàng tử, Bạch Tuyết dại khờ cũng chỉ cần chờ một chàng hoàng tử là đủ, nhưng nếu một người phụ nữ như mẹ kế làm một cái gì đó để giữ vị trí cho mình, đấu tranh cho quyền thừa kế của con, phân bổ lại sự ảnh hưởng, thì đều trở nên xấu xa.
Một người phụ nữ có quyền tự quyết không cần một hình tượng đàn ông ở vị trí trung tâm quyền lực, tự bản thân cô đưa mình vào vị trí có thẩm quyền. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi một chế độ phụ hệ sẽ coi một người phụ nữ đang tự mình giải quyết vấn đề như một thứ gì đó xấu xa, những phụ nữ cố gắng giành lấy quyền tự quyết bị coi là phù thủy.
Bởi vì trong chế độ phụ hệ gia trưởng, phụ nữ phải cần một chỗ dựa, cần sự quan tâm ưu ái từ người chủ gia đình, của đàn ông. Chế độ phụ hệ buộc phụ nữ chống lại phụ nữ trong cuộc cạnh tranh giành lấy ánh nhìn của đàn ông, và khi người mẹ được cho là có đạo đức thánh thiện thì việc bôi đen hình tượng người mẹ kế là điều tất yếu.
Chế độ phụ hệ bất bình đẳng chỉ có thể chấp nhận quyền lực của đàn ông, bởi vì quyền lực của phụ nữ do phụ nữ tự mình đạt được được coi là quá nguy hiểm.
Những người mẹ kế trong truyện cổ tích mang trên mình những tính cách xấu xa của một người phụ nữ nắm quyền tự quyết, ngoài những đức tính của một người mẹ thực thụ, và sau đó bị trừng phạt vì việc tự ý ra quyết định của họ và nỗ lực tìm kiếm quyền lợi trong một thế giới nam tính như một người phụ nữ quyền lực.
Những người mẹ kế mặc định là xấu xa gần như đã đóng đinh vào ấn tượng người đời. Nhưng bên cạnh cái xấu là cái tốt, cổ tích có nhiều bà mẹ kế xấu xa, nhưng không có nghĩa là lịch sử không có những người mẹ kế tốt.
Octavia, em gái của hoàng đế Augustus và là người vợ thứ tư của Mark Antony, đã nuôi dạy các con riêng của chồng ngay cả sau khi Antony đã bỏ rơi nàng chạy theo Cleopatra. Robert Coover đã cố gắng thách thức các quy ước trong truyện cổ tích ở tác phẩm Mẹ kế năm 2004.
Nhiều nhà văn khác cũng bắt đầu xem xét lại hình tượng mẹ kế trong các tác phẩm của mình. Các chương trình truyền hình gần đây, thậm chí như bộ phim ăn khách Bridgerton cũng đã tập trung vào những miêu tả tích cực hơn về những người mẹ kế. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, sức mạnh của việc đánh giá lại vai trò người mẹ kế vẫn bị áp đảo bởi những câu chuyện cổ tích.
Mẹ kế, giống bất kỳ vai trò xã hội nào khác, đều rất phức tạp, tốt xấu đan xen. Mặc dù truyện cổ tích viết không tốt về họ, chúng ta với tư cách là người đọc, có thể dành cho họ một cái nhìn đa chiều hơn?