Lý do dùng hết hơn 1.400 tỷ đồng chiếm đoạt?

Tòa án Nhân dân (TAND) TP Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil (Cty Xuyên Việt Oil) và các đơn vị liên quan.

Sai phạm liên quan đến Công ty Xuyên Việt Oil

Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh tại tòa. Ảnh: N.N

Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh tại tòa. Ảnh: N.N

23 luật sư tham gia bào chữa

Theo đó, nguyên đơn dân sự trong vụ án là Bộ Tài chính và Bộ Công Thương. Trong vụ án này có 15 bị cáo, 23 luật sư tham gia bào chữa, 95 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được triệu tập.

Trong vụ án này, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty Xuyên Việt Oil bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Đưa hối lộ”. Bị cáo Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Bị cáo Đỗ Thắng Hải, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương; Lê Duy Minh, cựu Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Lộc An, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương; Hoàng Anh Tuấn, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước; Trần Duy Đông, cựu Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước và Đặng Công Khôi, phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”. Những bị cáo còn lại bị truy tố về tội “Đưa hối lộ”, “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Tại tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) triệu tập nguyên đơn dân sự và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến tham gia phiên tòa đầy đủ, để làm rõ những tình tiết liên quan đến nhiều người trong vụ án. Luật sư cũng đề nghị HĐXX cho phép các luật sư thay phiên nhau dự tại phiên tòa, vì bị cáo Hạnh có 5 luật sư tham gia bào chữa… Về việc triệu tập nguyên đơn dân sự và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, HĐXX cho hay, sẽ triệu tập nếu xét thấy cần thiết và tạo điều kiện để các luật sư thay phiên nhau dự phiên tòa để bào chữa cho bị cáo Hạnh.

Gây thiệt hại tổng cộng 1.463 tỷ đồng

Theo cáo trạng, quá trình điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu tại Cty Xuyên Việt Oil, Mai Thị Hồng Hạnh có vi phạm trong việc quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu (BOG) và nhiệm vụ thu hộ, chuyển nộp tiền thuế bảo vệ môi trường vào ngân sách Nhà nước, gây thiệt hại tổng cộng 1.463 tỷ đồng.

Sau đó, bị cáo Hạnh đã đưa hối lộ cho nhiều người trong đó có cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ. Theo đó, từ năm 2018, bị can Hạnh quen biết ông Lê Đức Thọ do Cty Xuyên Việt Oil có quan hệ tín dụng với ngân hàng nơi ông Thọ làm Chủ tịch. Bà Hạnh nhờ ông Thọ giúp cấp giới hạn tín dụng, kéo dài thời gian duy trì giới hạn tín dụng cho Cty Xuyên Việt Oil và đưa hối lộ cho ông Thọ 2 lần, tổng cộng 600.000 USD.

Với hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, cáo trạng xác định năm 2021, ông Thọ được điều động, phân công giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Để nâng cao uy tín bản thân, ông Thọ đề nghị Mai Thị Hồng Hạnh thành lập chi nhánh hoặc Cty con của Cty Xuyên Việt Oil tại tỉnh Bến Tre để nộp thuế nhằm tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh. Đổi lại, Cty này sẽ được tạo điều kiện về thực hiện các dự án bất động sản, cảng biển, du lịch tại địa phương.

Theo đề nghị trên, bị can Hạnh thành lập Cty cổ phần (CP) Việt Oil tại tỉnh Bến Tre và xin vay vốn tại chi nhánh ngân hàng tại tỉnh Bến Tre. Ông Thọ nhiều lần gặp, gọi điện thoại cho giám đốc chi nhánh ngân hàng yêu cầu hỗ trợ Hạnh. Khi biết thông tin chi nhánh ngân hàng tại tỉnh Bến Tre dự kiến thu phí 100 triệu đồng với tài khoản số đẹp cấp cho Cty CP Việt Oil, bị cáo Lê Đức Thọ tác động để Cty CP Việt Oil được miễn khoản này.

Quá trình xin vay vốn, giữa ngân hàng và Cty CP Việt Oil không thống nhất được tỉ lệ cho vay tín chấp. Ông Thọ tiếp tục can thiệp, yêu cầu phía ngân hàng phê duyệt giới hạn tín dụng với tỉ lệ cho vay tín chấp là 40% như đề nghị của bị can Hạnh.

Cơ quan điều tra kết luận, do lợi dụng chức vụ, quyền hạn giải quyết khoản vay cho Cty CP Việt Oil, ông Lê Đức Thọ nhiều lần được Mai Thị Hồng Hạnh tặng quà. Lần thứ nhất, đầu năm 2022, bà Hạnh tặng cho ông Thọ 1 bộ gậy golf nhãn hiệu Honma trị giá 1,1 tỷ đồng và 1 đồng hồ Patek Philippe Plus, giá 421.000 USD.

Lần thứ hai, tháng 3/2022, tại Nhà khách Tỉnh ủy Bến Tre, bà Hạnh đưa cho ông Lê Đức Thọ số tiền 200.000 USD. Lần thứ ba, vào tháng 5/2022, bà Hạnh mua tặng xe ô tô hiệu Mercedes Benz - S450 Luxury, trị giá 6,7 tỷ đồng. Ngoài ra, trong thời gian giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, ông Thọ còn được Mai Thị Hồng Hạnh tặng tiền, quà chúc mừng sinh nhật, quà cảm ơn gồm: 200.000 USD, 300 triệu đồng và đồng hồ Patek Philippe. Số tiền hơn 1 triệu USD đã nhận của bà Hạnh (gồm cả nhận hối lộ và quà tặng), bị can Lê Đức Thọ khai đã gửi 440.000 USD tại nhà người thân và nộp lại cho cơ quan CA; số còn lại ông Thọ đã chi tiêu hết...

Cáo trạng xác định, bị cáo Lê Đức Thọ nhận hối lộ hơn 13 tỷ đồng, lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi hơn 22 tỷ đồng.

Tại tòa, bị cáo Hạnh thừa nhận những hành vi như cáo trạng truy tố. Tại Cty Xuyên Việt Oil, bị cáo chỉ đạo toàn diện, các phó giám đốc là những người nhà, gia đình thân thiết. Những người này không họp hành gì nên không biết gì về chủ trương của Cty Xuyên Việt Oil.

Về bị cáo Nguyễn Thị Như Phương, Phó Giám đốc Cty Xuyên Việt Oil, Hạnh khai, Phương là con của người chú, trong Cty, bị cáo Phương không biết gì nhiều về hoạt động của Cty.

Bị cáo Hạnh khai, đã dùng số tiền 219 tỷ đồng từ Quỹ bình ổn giá và 1.244 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường để đầu tư dàn trải từ xăng dầu đến các dự án bất động sản, nhưng quản lý còn hạn chế nên thua lỗ. Bị cáo đã mở tài khoản ngân hàng thông thường để nhận số tiền trên, không phải tài khoản định danh để tránh bị giám sát, quản lý. Tất cả hoạt động của công ty do Hạnh chỉ đạo cấp dưới thực hiện.

Phiên tòa dự kiến kết thúc vào ngày 5/12/2024.

Về việc vắng mặt của nguyên đơn dân sự và một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, đại diện Viện kiểm sát Nhân dân có ý kiến, việc vắng mặt của họ không làm ảnh hưởng đến quá trình xét xử vì các lời khai đã có trong hồ sơ vụ án, nếu cần thiết sẽ công bố tại phiên tòa. Nguyên đơn dân sự có đơn xin xét xử vắng mặt. Việc vắng mặt những người này không làm ảnh hưởng đến phiên tòa nên đề nghị HĐXX cho phiên tòa được tiếp tục.

Bảo Lâm

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ly-do-dung-het-hon-1400-ty-dong-chiem-doat-401709.html