Lý do giá nước sinh hoạt ở Bến Tre tăng gấp 5 lần
Giá nước sạch cung cấp cho người dân ở huyện Giồng Trôm (Bến Tre) tăng cao, có nơi tăng gấp 4-5 lần so với bình thường.
Do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, một số nhà máy nước ở Bến Tre phải thuê sà lan chở nước ngọt từ thượng nguồn về xử lý, cấp cho người dân sử dụng.
Những ngày qua, người dân ở các xã Lương Quới, Châu Hòa, Bình Hòa… (huyện Giồng Trôm) tỏ ra lo ngại khi được thông báo giá nước sinh hoạt tăng gấp 4-5 lần so với giá hiện tại.
Giá nước tăng hơn 51.000 đồng/m3
Bà Đỗ Thị Út (ấp Lương Thuận, xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm) chia sẻ: Trước kia giá nước máy chỉ 9.600 đồng/m3, giờ nghe tin giá nước lên đến 51.500 đồng/m3 khiến người dân ngán ngại.
“Tôi hiểu việc nhà máy nước phải bơm nước ở xa về nên giá nước mới tăng. Theo tôi, giá nước này rất cao, dù gia đình tôi có tiết kiệm lắm thì ít gì cũng xài khoảng 15 m3 nước mỗi tháng. Nghĩ tới đóng tiền nước sắp tới mà tôi ngán ngẩm quá!” - bà Út than thở.
Cùng chung nỗi lo lắng, ông Nguyễn Văn Việt (ấp 4, xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm) cho biết gia đình sử dụng nguồn nước từ Nhà máy Lương Quới (thuộc Công ty CP Cấp thoát nước Bến Tre). “Trung bình mỗi tháng gia đình tôi dùng 7-8 m3 nước. Giá nước công ty thông báo là sẽ tăng đến 51.500 đồng/m3, tôi cho rằng giá này là cao” - ông Việt nói.
Tuy nhiên, ông Việt cho rằng nếu so sánh với cùng thời điểm này năm trước, cũng do hạn mặn, không có nước ngọt sử dụng, người dân phải mua nước ngọt với giá 150.000-180.000 đồng/m3 thì năm nay thấp hơn.
Thuê sà lan chở nước ngọt về nhà máy nước
Lý giải nguyên nhân giá nước tăng cao, ông Trần Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Bến Tre, cho biết: Nhà máy nước Lương Quới cung cấp nước máy cho trên 16.600 khách hàng trên địa bàn các xã thuộc huyện Giồng Trôm và thị trấn Giồng Trôm.
“Do phải thuê sà lan chở nước ngọt thô từ thượng nguồn sông Tiền về xử lý nên chi phí sản xuất tăng. Phương án này được sở, ngành chuyên môn của tỉnh thẩm định và UBND tỉnh ra Quyết định số 03/2021 quy định giá tiêu thụ nước sạch không bị nhiễm mặn trong thời gian hạn mặn” - ông Trần Hùng cho biết.
Theo ông Trần Hùng, khách hàng sử dụng nước của Công ty CP Cấp thoát nước Bến Tre trên địa bàn huyện Giồng Trôm (trừ xã Sơn Phú và Phước Long) trong thời gian Nhà máy nước Lương Quới bị xâm nhập mặn và nhà máy nước đảm bảo cấp nước đạt tiêu chuẩn quy định thì được áp dụng đơn giá nước sạch theo quyết định trên sẽ là 51.500 đồng/m3.
Ngoài Nhà máy nước Lương Quới, các nhà máy khác của Công ty CP Cấp thoát nước Bến Tre như Sơn Đông, Hữu Định, An Hiệp cũng đã bị tác động ít nhiều bởi xâm nhập mặn. Tuy nhiên, nhờ có các công trình cống, đập do tỉnh, huyện hoặc do công ty đã đầu tư nên cơ bản đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ nông nghiệp và cấp nước. Vì vậy, khách hàng của công ty trên địa bàn TP Bến Tre, các huyện Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và Chợ Lách vẫn được áp dụng đơn giá nước sạch như hiện tại.
“Thời gian tới, nếu tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, kéo dài, nguồn nước tích trữ bị cạn kiệt, công ty sẽ thực hiện giải pháp huy động, thuê sà lan vận chuyển nước ngọt thô cấp cho các nhà máy nước trên. Khi thực hiện giải pháp sà lan vận chuyển nước, công ty sẽ thông báo thời điểm áp dụng đơn giá nước theo Quyết định số 03/2021 của UBND tỉnh” - ông Trần Hùng cho biết.
Ông Huỳnh Kim Mười, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bến Tre, cho biết trung tâm hiện có 32 nhà máy nước, tập trung ở các huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và Thạnh Phú, cung cấp nước sinh hoạt cho 80.000 hộ dân. Trong các nhà máy nước trên, có 24 nhà máy nước có hệ thống lọc RO.
Theo Quyết định số 03 của UBND tỉnh Bến Tre, giá cung cấp nước sạch sinh hoạt bằng hệ thống lọc RO tại các nhà máy nước tùy vào độ mặn sẽ dao động 27.846-35.581 đồng/m3.
Những ngày qua, trung tâm đã vận chuyển nước ngọt thô bằng sà lan từ thượng nguồn về Nhà máy nước Tân Hào. Mỗi ngày nhà máy xử lý 1.000 m3 để cung cấp nước ngọt sinh hoạt cho người dân khu vực.
“Sắp tới, nếu độ mặn tăng cao, trung tâm cũng có kế hoạch chở nước ngọt thô bằng sà lan về các nhà máy nước ở các xã Lương Phú, Phước Long (huyện Giồng Trôm); Long Định, Thới Lai (huyện Bình Đại); Tiên Thủy (huyện Châu Thành) để xử lý và cung cấp nước ngọt cho người dân sử dụng. Trung tâm đã trình giá nước thay đổi có chi phí vận chuyển bằng sà lan và đang chờ UBND tỉnh duyệt giá” - ông Mười cho biết.•
Hạn mặn tiếp tục kéo dài 3-4 tháng tới
Nhằm ứng phó tình hình xâm nhập mặn vào mùa khô 2020-2021, trước đó lãnh đạo tỉnh Bến Tre chỉ đạo các nhà máy nước trong tỉnh sớm xây dựng kịch bản ứng phó. Đồng thời yêu cầu các nhà máy nước có trách nhiệm cấp nước ngọt cho người dân trong bất kỳ tình huống nào. Theo dự báo của ngành chức năng, mùa hạn mặn năm 2020-2021 sẽ tiếp tục kéo dài 3-4 tháng tới.
Theo đó, Công ty CP Cấp thoát nước Bến Tre khuyến cáo khách hàng sử dụng nước cần tiết kiệm, luôn kiểm tra hệ thống nước để phát hiện ống bể, rò rỉ nhằm sửa chữa kịp thời.
Trước đó, mùa khô 2019-2020, toàn tỉnh Bến Tre bị xâm nhập mặn. Nước máy của các nhà máy hầu hết đều bị nhiễm mặn, hơn 80.000 hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt. Nhiều tổ chức, cá nhân đã vận chuyển nước ngọt từ nơi khác đến cấp miễn phí cho người dân. Trong khi đó, có nơi người dân phải mua nước ngọt sử dụng với giá 150.000-200.000 đồng/m3.
Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/ly-do-gia-nuoc-sinh-hoat-o-ben-tre-tang-gap-5-lan-969712.html