Lý do Hà Nội ì ạch di dời nhà máy gây ô nhiễm khỏi nội đô
Sau hơn 10 năm triển khai, trên địa bàn Hà Nội vẫn còn hàng loạt nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp chưa di dời do nhiều vướng mắc về cơ chế, pháp lý và quy hoạch. Ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Hà Nội - cho biết phải có chế tài dứt khoát với quỹ đất sau di dời. Nhà nước phải thu hồi, không để các đơn vị giữ đất rồi liên doanh, liên kết làm chậm trễ quá trình này.

Theo "Quy hoạch chung xây dựng Thủ Đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP. Hà Nội đã ban hành quyết định di dời các nhà máy gây ô nhiễm, nguy cơ sự cố hóa chất cao hoặc không còn phù hợp quy hoạch ra ngoại ô.

Dù đã có nhiều chủ trương, chính sách nhưng đến nay việc di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm hoặc không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu dân cư trên địa bàn TP. Hà Nội vẫn đang chậm so với yêu cầu.

Thực tế, các cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc diện di dời đa số đều đang hoạt động với vị trí nằm trong khu vực đất vàng của Thủ đô.

Công ty TNHH Một thành viên In và thương mại Thông tấn xã Việt Nam tại 70/342 Khương Đình, quận Thanh Xuân. Khu đất này có diện tích khoảng 5.000m2 được quy hoạch để làm văn phòng và cơ sở sản xuất.

Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Nông nghiệp, địa chỉ tại số 167/6 phố Phương Mai, diện tích hơn 800m2, hiện là văn phòng làm việc.

Khu đất của công ty này nằm trong ranh giới nghiên cứu cải tạo khu tập thể Phương Mai (dự án riêng).

Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long ở địa chỉ tại 235 Nguyễn Trãi là một trong số ít nhà máy đã được di dời.

Tuy nhiên, khu vực cơ sở tại đường Nguyễn Trãi vẫn đang được sử dụng làm hệ thống nhà kho để vật tư phục vụ sản xuất và thành phẩm; nhà xe của cán bộ công nhân viên để đi xe đưa đón đến địa điểm mới tại Cụm công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai.

Trong số các cơ sở nhà đất phải di dời khỏi nội đô Hà Nội, có nhiều địa chỉ nằm trên những khu đất vàng khác như Tổng công ty cổ phần Bia - rượu - nước giải khát Hà Nội, Nhà máy xe lửa Gia Lâm - Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội...

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam - cho rằng, đối với việc chậm trễ di dời các nhà máy ra khỏi nội đô, Hà Nội phải xây dựng hành lang pháp lý quy định rõ ràng việc doanh nghiệp phải di dời khi đã được bố trí quỹ đất và nhận sự hỗ trợ dịch chuyển. Nếu doanh nghiệp vẫn cố tình duy trì một lượng sản xuất nhỏ trong phố để “giữ đất” thì phải có biện pháp xử lý nghiêm, nhất là sản xuất gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, gây nguy hại cho khu dân cư. Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức của DN về phát triển bền vững, không vì phát triển kinh tế mà đánh đổi môi trường sống của cộng đồng.
Tại cuộc họp rà soát, hoàn thiện dự thảo kế hoạch hành động quốc gia khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025-2030 nói về các giải pháp cải thiện chất lượng không khí tại Hà Nội và cả nước, ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hà Nội cho biết, Hà Nội đã có nhiều chủ trương, chính sách và triển khai quyết liệt, nhưng vẫn gặp không ít rào cản.
"Muốn di chuyển nhà máy khỏi nơi có lợi thế kinh doanh, cần có cơ chế ưu đãi, miễn giảm chi phí trong bao nhiêu năm để khuyến khích doanh nghiệp. Đồng thời, phải có chế tài dứt khoát với quỹ đất sau di dời: Nhà nước phải thu hồi lại, không để các đơn vị giữ đất rồi liên doanh, liên kết làm chậm trễ việc di dời", ông Đại nhận định.