Lý do Hungary đi ngược chiều châu Âu trong lệnh cấm dầu Nga
Việc cấm vận dầu Nga không chỉ có thể giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Hungary, mà còn có khả năng ảnh hưởng đến địa vị chính trị của Thủ tướng Viktor Orban.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã quyết liệt chống lại lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga do châu Âu đề xuất, nói rằng lệnh này sẽ tàn phá nền kinh tế của đất nước ông.
Tuy nhiên, một lệnh cấm như vậy không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế, mà còn nguy cơ gây tổn hại tới lời hứa của ông trong cuộc bầu cử, có thể làm lung lay sự ủng hộ mà các cử tri dành cho nhà lãnh đạo này, theo New York Times.
Andras Biro-Nagy, người sáng lập và Giám đốc của Policy Solutions, một nhóm nghiên cứu về Hungary, cho biết nguồn cung năng lượng ổn định của Nga đã trở thành một phần trọng tâm trong mô hình kinh tế và chính trị của Thủ tướng Orban. "Dầu và khí đốt của Nga rất quan trọng đối với toàn bộ kế hoạch của ông ấy”, ông Biro-Nagy nói.
Lợi lớn từ dầu Nga
Thu về tiền mặt nhờ nguồn cung cấp dầu và khí đốt giá rẻ của Nga, tập đoàn năng lượng Hungary MOL - một trong những công ty lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất của quốc gia Trung Âu - tháng trước tuyên bố sẽ trả cổ tức 652 triệu USD cho các cổ đông của mình.
MOL chủ yếu dựa vào dầu của Nga để cung cấp cho nhà máy lọc dầu chính ở phía tây nam Budapest và một nhà máy khác mà nó sở hữu ở Slovakia.
Hơn 65 triệu USD trong số đó sẽ được chuyển đến một nền tảng giáo dục do tư nhân quản lý. Công ty cũng đã cung cấp tài trợ và học bổng cho người Mỹ và châu Âu bảo thủ đang tìm kiếm một nơi trú ẩn cho những người không cảm thấy an toàn ở quê nhà.
Bogdan Borusewicz, thượng nghị sĩ Ba Lan, mô tả thủ tướng Hungary là "đồng minh quan trọng nhất của Nga trong EU". Đối với tập đoàn MOL, ông nói: "Hợp tác với Nga là một phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh và thậm chí là sự sống còn của nó".
Trong báo cáo tài chính hàng năm vào mùa xuân này, MOL đã kê khai mức lợi nhuận tăng vọt, nhờ có cổ phần trong một công ty dầu mỏ nhỏ của Nga, BaiTex, và nhờ “dòng chảy dầu thô qua hệ đường ống dầu ở Nga và Ukraine". Dòng chảy đó "cho đến nay" không hề bị hạn chế, báo cáo lưu ý.
Tamas Pletser, một nhà phân tích dầu khí của Ngân hàng Este ở Budapest, cho rằng nếu cắt đứt nguồn dầu từ Nga, đó sẽ là một đòn giáng nặng nề. MOL thu lợi từ sự chênh lệch giá ngày càng tăng giữa dầu Brent của châu Âu và dầu thô rẻ hơn của Nga.
“Họ kiếm thêm 10 triệu USD mỗi ngày dựa trên tình hình hiện tại, dựa trên nguồn cung của Nga và cuộc tấn công của Nga vào Ukraine”, ông Pletzer nói.
Nhiều triệu USD đã được chuyển đến Mathias Corvinus Collegium (MCC), cơ sở giáo dục thu lợi từ hoạt động kinh doanh của công ty năng lượng Hungary với Nga. Quỹ này nắm giữ 10% cổ phần của MOL. MCC và hai quỹ độc lập khác, trên danh nghĩa cùng nắm giữ 30,49% cổ phần của công ty năng lượng và là cổ đông lớn nhất của nó.
Số cổ phần này từng do nhà nước nắm giữ, nhưng ông Orban hai năm trước đã tặng các tổ chức trên, cùng với những tài sản có giá trị khác, như một phần của những gì mà ông gọi là nỗ lực cải tạo giáo dục, nhưng các nhà phê bình cho là hành vi trộm cắp được hợp pháp hóa. Chủ tịch của MCC là Balazs Orban (không phải họ hàng với thủ tướng), đồng thời là quốc hội và quốc vụ khanh chiến lược của Hungary kể từ năm 2018.
Zoltan Szalai, Tổng giám đốc của quỹ, thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn: "Năm nay, MOL đã đối xử rất tốt với chúng tôi". Số tiền cổ tức MCC năm nay nhận được từ MOL cao hơn gấp đôi mọi năm.
Ông Szalai cho biết tổ chức của ông sẽ có thể phải chống chọi với sự sụt giảm lợi nhuận của công ty năng lượng nếu ông Orban thua trong cuộc chiến duy trì nguồn cung dầu từ Nga. “Chúng tôi đang suy nghĩ về dài hạn, và MOL là một công ty rất tốt và nghiêm túc”, ông Szalai nói.
Lời hứa của thủ tướng Hungary
Cuộc xung đột ở Ukraine cùng mối đe dọa từ việc EU muốn cấm vận dầu Nga cũng tạo nguy cơ làm thay đổi thái độ của cử tri đối với ông Orban. Đảng Fidesz của ông giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử vào tháng trước với lời hứa rằng giá khí đốt và dịch vụ công cộng sẽ không tăng vọt như ở các nơi khác ở châu Âu, nhờ năng lượng giá rẻ từ Nga.
Piotr Wozniak, cựu Bộ trưởng Kinh tế Ba Lan, đồng thời là người làm việc về vấn đề năng lượng lâu năm, nói về động thái của Ba Lan: "Dầu sẽ không rẻ hoặc dễ dàng (có giá rẻ), nhưng không phải là không thể. Câu hỏi là liệu Hungary có muốn đưa ra lựa chọn này hay không”.
Lời hứa của ông Orban trong cuộc bỏ phiếu hồi tháng trước đang làm cho lựa chọn đó trở nên khó khăn hơn. Ông cam kết kiểm soát giá năng lượng trong tầm phù hợp thông qua giới hạn giá cho chính phủ áp đặt.
Không lâu trước cuộc xung đột ở Ukraine, ông Orban đã đến Moscow để gặp ông Tổng thống Putin, để đảm bảo rằng Hungary có thể tin tưởng vào nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga.
Tháng trước, Moscow đột ngột cắt đứt dòng khí đốt đến Ba Lan và Bulgaria nhưng vẫn cung cấp cho Hungary. Bất kỳ lệnh đình chỉ nào, do Nga hoặc do các lệnh trừng phạt của phương Tây, sẽ buộc Hungary phải mua các nguồn cung đắt hơn trên thị trường.
Một nước không hài lòng với Hungary là Ba Lan. Đảng cầm quyền của nước này tức giận trước sự phản kháng kiên quyết của ông Orban đối với những nỗ lực của Liên minh châu Âu nhằm cấm dầu của Nga, cũng như việc ông từ chối cho phép các nước khác đi qua Hungary để chuyển giao vũ khí cho Ukraine.
Lo lắng rằng công ty năng lượng Hungary dựa vào Nga quá nhiều, Thượng viện Ba Lan đã thông qua một nghị quyết vào tháng 3 nhằm ngăn chặn thỏa thuận của công ty năng lượng quốc doanh Ba Lan với MOL, vốn cho phép MOL mua lại hơn 400 trạm khí của Ba Lan.
Bogdan Borusewicz, thượng nghị sĩ đối lập, người khởi xướng động thái này, cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại Gdansk nơi đặt một nhà máy lọc dầu lớn của Ba Lan, rằng sẽ rất nguy hiểm nếu để một công ty Hungary phụ thuộc Nga tiến vào thị trường Ba Lan, trong bối cảnh xung đột ở Ukraine vẫn tiếp diễn.
"Người ta có thể bàn về điều này trước cuộc xung đột, nhưng bây giờ thì không", ông nhấn mạnh.
MOL đã từ chối yêu cầu phỏng vấn, nhưng trong các tuyên bố công khai luôn nhấn mạnh sự khó khăn và chi phí của việc chuyển sang dầu không phải của Nga. Nhà máy lọc dầu Danube, phía nam Budapest, đã đầu tư rất nhiều trong 8 năm để cung cấp dầu thô từ các nước khác, vốn thường đắt hơn, nhưng 65% nhu cầu của nhà máy vẫn phụ thuộc vào Nga.