Lý do kem chống nắng SPF 100 là không cần thiết

Theo các bác sĩ da liễu Mỹ, SPF 60 không tốt gấp đôi SPF 30, và không phải chỉ số SPF càng cao, khả năng bảo vệ làn da càng mạnh.

 Kem chống nắng được các bác sĩ da liễu khuyến nghị dùng hàng ngày. Ảnh minh họa: Armin Rimoldi/Pexels.

Kem chống nắng được các bác sĩ da liễu khuyến nghị dùng hàng ngày. Ảnh minh họa: Armin Rimoldi/Pexels.

Chúng ta biết rằng cần phải bôi kem chống nắng trước khi bước ra đường giữa trời hè nóng nực này. Nhưng câu chuyện lựa chọn sản phẩm có chỉ số SPF bao nhiêu là đủ khiến nhiều người phải "đau đầu", GQ đưa tin.

SPF là gì?

Bác sĩ Rosanne Paul, trợ lý giáo sư da liễu tại Đại học Case Western Reserve (bang Ohio, Mỹ), giải thích rằng SPF, viết tắt của Sun Protection Factor, là chỉ số đo lường khả năng bảo vệ da của bạn khỏi tác hại của tia UV.

Chỉ số SPF cho biết chúng ta có thể ở dưới ánh nắng trong bao lâu mà không bị cháy nắng. Ví dụ, khi thoa kem chống năng SPF 15 lên da, chúng ta sẽ được bảo vệ lâu hơn 15 lần so với khi không thoa kem chống nắng.

Về mặt lý thuyết, điều này có nghĩa là SPF 30 bảo vệ da lâu gấp đôi so với SPF 15, hay SPF 60 sẽ bảo vệ da lâu gấp đôi so với SPF 30. Nhưng trên thực tế, bác sĩ Paul cho biết điều này không hoàn toàn đúng.

"Thoa SPF 30 thay vì SPF 15 không đồng nghĩa bạn được bảo vệ gấp đôi thời gian khỏi ánh nắng mặt trời. Chỉ số liên quan nhiều hơn đến mức độ tiếp xúc với ánh nắng hơn là thời gian kéo dài", bà nói.

 Chọn lựa kem chống nắng có độ SPF phù hợp là "bài toán" khó của nhiều người. Ảnh: Michael Houtz/GQ.

Chọn lựa kem chống nắng có độ SPF phù hợp là "bài toán" khó của nhiều người. Ảnh: Michael Houtz/GQ.

Bác sĩ Paul nói rằng nếu thoa kem chống nắng SPF 30 và ra ngoài lúc 9h trong một tiếng, lượng tia UV chúng ta tiếp xúc sẽ tương đương với việc ra ngoài vào giữa trưa trong 15 phút.

Theo đó, nắm được mức độ bảo vệ của các mức SPF chống lại tia UV sẽ hữu ích hơn. SPF 15 bảo vệ 93%, SPF 30 bảo vệ 97% và SPF 50 bảo vệ 98%.

Có thể thấy, khả năng bảo vệ giữa SPF 30 và SPF 50 không mấy khác biệt. Do đó, bác sĩ Paul cho biết các bác sĩ da liễu khuyến nghị sử dụng kem chống nắng SPF 30 hoặc SPF 40.

Có tồn tại khái niệm chỉ số SPF quá cao không? Bác sĩ da liễu Jeremy Brauer, nhà sáng phòng khám Spectrum Skin and Laser (New York, Mỹ), không nghĩ như vậy.

"SPF càng cao càng tốt," ông nói.

Tuy nhiên, Zaineb Makhzoumi, một bác sĩ phẫu thuật da liễu tại Trường Y Đại học Maryland (Mỹ), cho biết các nghiên cứu cho thấy sản phẩm có SPF vượt mức 45 không thực sự đem lại thêm ích lợi nào. Do đó, SPF 70 hay SPF 100 cũng không tốt hơn SPF 45.

Khi nào nên thoa kem chống nắng?

Bác sĩ Brauer nhấn mạnh rằng nên thoa kem chống nắng có SPF 30 hoặc cao hơn cho da mặt hàng ngày.

Bác sĩ Makhzoumi không khuyến khích sử dụng các sản phẩm kết hợp chống nắng và dưỡng ẩm bởi phần lớn chỉ chứa SPF 15 đến SPF 30, không đủ để bảo vệ hàng ngày. Ngoài gương mặt, các bác sĩ da liễu đều khuyên thoa kem chống nắng cả vùng đầu nếu bị hói, ở sau tai và tay.

 Phía sau tai là vị trí nhiều người thường "bỏ quên" khi bôi kem chống nắng. Ảnh: Beauty of Joseon.

Phía sau tai là vị trí nhiều người thường "bỏ quên" khi bôi kem chống nắng. Ảnh: Beauty of Joseon.

"Tia UVA và UVB có thể xuyên qua cửa sổ. Bạn vẫn tiếp xúc với ánh nắng khi ở trong nhà hoặc lái xe", bác sĩ Paul trả lời về câu hỏi có nên thoa kem chống nắng nếu dành rất ít thời gian ở ngoài trời không.

Tuy nhiên, tần suất có thể thay đổi. Nếu ở trong nhà cả ngày, bác sĩ nói rằng thoa kem chống nắng vào buổi sáng là đủ. Ngược lại, nếu dành nhiều thời gian ở ngoài trời, chúng ta nên thoa lại sau mỗi 2 tiếng, hoặc sau khi đi bơi hoặc đổ mồ hôi.

Kem chống nắng cũng nên được bôi vào những ngày trời nhiều mây hoặc mùa đông. Bác sĩ Makhzoumi cho biết nguy cơ ung thư da liên quan đến "tiếp xúc tia cực tím tích lũy".

"Hãy nhớ rằng từng phút giây nhỏ có thể 'tích tiểu thành đại', cũng là tổng thời lượng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời dẫn đến nguy cơ ung thư da. Vì vậy, nếu bạn bỏ qua kem chống nắng vào những ngày không dự định ra ngoài, bạn có thể đặt mình vào nguy cơ cao mắc ung thư da”, bà chia sẻ.

Về cơ bản, mọi người đều cần thoa kem chống nắng, thậm chí những ai "không bị cháy nắng". Bên cạnh đó, không chỉ gây nguy cơ ung thư da, bức xạ tia cực tím có thể làm tổn thương collagen và mô liên kết trong da, dẫn đến mất độ đàn hồi.

"Tổn thương và mất collagen trong da thể hiện dưới dạng tăng nếp nhăn, vết thâm, đốm và chảy xệ da", bác sĩ Brauer chia sẻ.

Các bước bôi kem chống nắng

Dưới đây là 3 bước thoa kem chống nắng được các bác sĩ da liễu phê duyệt, dù chúng ta dành cả ngày trong nhà hay trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, theo GQ:

Thoa kem chống nắng với SPF tối thiểu là 30 lên mặt và các phần cơ thể tiếp xúc với ánh nắng vào buổi sáng. Đừng quên thoa lên đầu, trán, tai và tay. Cùng với đó, nhớ bảo vệ môi bằng cách thoa son dưỡng có SPF. Hãy làm điều này ngay cả vào những ngày trời nhiều mây và trong mùa đông.
Nếu ra ngoài dưới ánh nắng, hãy thoa lại kem chống nắng có SPF tối thiểu là 30 khoảng 30 phút trước khi ra ngoài. Bạn cần lượng kem chống nắng tương đương một ly rượu nhỏ để bảo vệ cả cơ thể.
Hãy thoa lại kem chống nắng sau mỗi 2 tiếng, hoặc sau khi bơi hay đổ mồ hôi.

Ánh Dương

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/ly-do-kem-chong-nang-spf-100-la-khong-can-thiet-post1490151.html