Lý do khiến học phí nhiều trường tư Việt Nam đắt như ở...Mỹ

Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Toàn, chính sách đất đai dành cho giáo dục đang chứa đựng nhiều bất cập là một trong những lý do khiến học phí trường tư cao chót vót!

Hiện nay, trong các rào cản để giáo dục tư thục phát triển có nhiều vấn đề nhưng trong đó có những vấn đề liên quan đến chính sách đất đai.

Đó là một trong những lý do khiến học phí trường tư thục ở Việt Nam cao tương đương với học phí trường tư tại các nước phát triển như Mỹ, Úc.

Điều bất cập này đã được Tiến sĩ Nguyễn Quốc Toàn, CEO and Chairman, EQuest Education Group chỉ ra.

Học phí nhiều trường tư thục ở Việt Nam hiện nằm ở mức rất cao, một trong những lý do đó là do chính sách đất đai chưa thực sự tạo điều kiện cho các nhà đầu tư (ảnh minh họa - Trinh Phúc).

Theo vị này, hiện các nhà đầu tư rất khó để tăng quy mô giáo dục vì đồng vốn luôn thiếu và chính sách đất cho giáo dục thì quá tệ. Việc đầu tư vào giáo dục tốn kém khủng khiếp.

Vị này cho rằng, phần lớn các doanh nghiệp giáo dục Việt Nam đều không sở hữu tài sản cố định nhiều. Ngân hàng Việt Nam thì rất ngại cho vay nếu không có tài sản cố định đảm bảo.

Phần lớn chủ doanh nghiệp bỏ tiền tiết kiệm hay nhà cửa cá nhân ra để thế chấp. Để phát triển lớn thì cần vốn, nhưng tiềm lực của doanh nghiệp giáo dục Việt Nam thường rất nhỏ.

Cho dù thuế thu nhập khi đầu tư vào giáo dục là 10% nhưng tiếp cận đồng vốn đối với doanh nghiệp giáo dục nào không có bệ đỡ (vốn, quan hệ) đằng sau thì khó như “hái sao trên trời”.

Chính sách giao đất nhằm khuyến khích đầu tư vào giáo dục cũng “làm béo” những người đầu cơ.

Đất quy hoạch cho giáo dục nhưng chưa đưa ra một tiêu chí để có thời hạn triển khai dự án nên nhiều nơi đất làm giáo dục nhưng bị găm lại và có giá “trên trời!”.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Toàn cho biết, ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hiện có rất nhiều quỹ đất dành cho giáo dục nhưng đều đã được “xí phần” từ lâu bởi những người “định làm giáo dục”.

Họ cứ “ngâm” đấy từ 5 đến 10 năm mà chả làm gì, trong khi giá đất thì cứ tăng làm chi phí đầu tư vào giáo dục tư nhân ở khối phổ thông tăng kinh hoàng.

Vị này lý giải thêm, để làm một trường tử tế cần ít nhất 1ha đất. Nhiều người tính giá bây giờ là 5 đến 10 triệu đồng/m2. Quy đổi ra 1 hecta đất đã mất gần 100 tỷ đồng.

“Làm bất động sản thì còn chồng chung cư, nhồi mật độ mà bán lại vốn, chứ làm giáo dục thì đố ai dám làm.

Ở các khu gần Hồ Tây hoặc khu đô thị mới có nơi giá đất giáo dục từ 10 đến 15 triệu đồng/m2.

Thế là những người lập dự án trường học cũng không xây cất mà ngồi chờ từ 5 đến 10 năm nghiễm nhiên có một tài sản lên đến hàng trăm tỉ. Trong khi đó thì hàng chục ngàn học sinh thiếu phòng học” – vị này nhấn mạnh.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Toàn cho rằng: “Đáng ra Chính phủ phải cho một thời hạn nhất định để bắt nhà đầu tư phải xây, nếu không xây thì phải đấu giá lại hoặc giao lại cho ai cam kết xây trong một thời gian nhất định.

Đây là một trong những bất cập tệ hại nhất về chính sách khuyến khích đầu tư giáo dục ở Việt Nam hiện giờ. Dẫn đến tình trạng, “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra” về đất dành cho giáo dục.

Mua một miếng đất thì đã tốn như thế còn tiền xây lên cho đúng chuẩn cũng không hề rẻ. Trung bình để xây một trường có diện tích từ 1 đến 2 hecta sẽ tốn từ 150 đến 300 tỷ đồng.

Vậy là chưa làm gì thì đã đi mất của nhà đầu tư từ 250 đến 400 tỷ đồng. “Với số vốn như vậy thử hỏi bao nhiêu năm thì nhà đầu tư hoàn vốn được?

Giả định với 30 tỷ lợi nhuận/năm, thì cần 12 năm từ lúc đạt mức lợi nhuận đó trường mới hoàn vốn (đầu tư 300 tỷ).

Với lợi nhuận 30 tỷ thì doanh thu của trường phải đạt ít nhất là 200 tỷ/năm (giả định biên lợi nhuận là 15% là mức cực tốt).

Với mức doanh thu 200 tỷ/năm và học phí là 200 triệu/năm (bao gồm tất cả chi phí ăn học, xe cộ, v.v.), cần có từ 1.000 đến 1.200 học sinh.

Làm cái trường có đâu như làm bất động sản, xong móng là bán được gần hết. Trong khi một trường phổ thông phải mất ít nhất từ 7 đến 10 năm mới lên có quy mô 1,000 học sinh.

Do vậy, đầu từ vào giáo dục giỏi thì ít nhất 15 năm mới có thể hoàn vốn. Trong khi với số tiền 200 đến 300 tỷ mà đi mua đất hoặc bất động sản khác có thể còn lời hơn” – tiến sĩ Nguyễn Quốc Toàn nhấn mạnh.

Do đó, theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Toàn: “Đừng trách khi học phí trường tư, trường quốc tế ở Việt Nam cao ngất ngây, ngang với học phí trường tư tốt hàng đầu ở Mỹ.

Vì đầu tư cơ bản tốn kinh khủng khiếp như thế!”.

Trinh Phúc (ghi)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ly-do-khien-hoc-phi-nhieu-truong-tu-viet-nam-dat-nhu-omy-post86278.html