Lý do khiến nhiều biến thể nCoV tuyệt chủng
Chuyên gia hàng đầu của Anh về Covid-19 cho biết sự thống trị của biến thể Delta khiến những biến thể khác dần tuyệt chủng.
Tiến sĩ Jenny Harries, Giám đốc điều hành của Cơ quan An ninh và Y tế của Vương quốc Anh (UKHSA), cho biết nhiều "biến thể đáng lo ngại" được xác định ở Anh trong năm qua đã biến mất hoặc đang suy giảm nhanh chóng.
Delta 'bóp nghẹt' các biến thể khác như thế nào?
Biến thể Delta, lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ, xuất hiện ở Anh vào tháng 3. Chủng virus SARS-CoV-2 nhanh chóng cho thấy khả năng lây nhiễm cao hơn nhiều so với biến thể Alpha, vốn đã được coi là dễ lây truyền hơn so với chủng virus ban đầu.
Theo báo cáo của Y tế Công cộng Anh (PHE) vào tháng 6, Delta có khả năng lây lan cao hơn 64% so với Alpha. Hiện tại, Delta chiếm tới 99% số ca bệnh được giải trình tự gene ở Anh.
Hai đối thủ chính của Delta là Alpha và Beta (lần đầu tiên được tìm thấy ở Nam Phi) đã giảm.
Trên thế giới còn các biến thể khác như Mu, lần đầu tiên được xác định ở Colombia và Lambda, lần đầu tiên phát hiện ở Peru. Tuy nhiên, cả hai đã không thể tồn tại ở Anh vì chúng không lây nhiễm như Delta.
Điều này cũng đúng với Kappa, lần đầu tiên được ghi nhận ở Ấn Độ và Gamma, đến từ Nhật Bản và Brazil. Hai chủng này đều không tồn tại được ở Anh.
Các biến thể mới ít có khả năng phổ biến hơn?
Mặc dù một số biến thể không còn xuất hiện ở Anh, Tiến sĩ Harries nhấn mạnh chúng ta vẫn cần cảnh giác đối với những chủng virus mới khi số ca nhiễm mỗi ngày vẫn cao.
Giáo sư Andrew Preston, Đại học Bath, nhận định: “Các biến thể xuất hiện một cách tình cờ. Hiện tại, Vương quốc Anh có số ca bệnh cao hơn đáng kể so với các khu vực khác trên thế giới, vì vậy có nhiều khả năng xảy ra đột biến hơn".
Các chuyên gia cũng cảnh báo mối nguy khi chủng Delta tiếp tục tiến hóa. Hiện tại ở Anh đã có 12 phiên bản khác của Delta. Họ cho rằng, nếu có một biến thể mới gây phiền toái, đó có thể là một phiên bản mới của Delta.
“Delta không phải là phiên bản thân thiện của virus, biến thể này vẫn đang giết chết mọi người trên toàn thế giới", Giáo sư Preston cảnh báo.
Tác dụng của vắc xin
Tiến sĩ Harries cho rằng vắc xin vẫn có hiệu quả nhưng dữ liệu khẳng định Delta có khả năng kháng vắc xin cao hơn.
Theo nghiên cứu của Đại học Oxford, hai liều vắc xin Pfizer có hiệu quả 93% trong việc ngăn ngừa Covid-19 có triệu chứng trong khi vắc xin AstraZeneca có hiệu quả 71%. Tác dụng của vắc xin kéo dài 4-5 tháng nhưng sau đó sẽ phai dần.
Y tế Công cộng Anh khuyến cáo những người được tiêm chủng đầy đủ vẫn có thể nhiễm Covid-19 và truyền virus cho người khác.
Hiện tại ở Anh đã có tới 45 triệu người tiêm đủ 2 mũi vắc xin (67,2% dân số đủ điều kiện chủng ngừa), 8,23 triệu người từng nhiễm Covid-19. Bởi vậy, hầu hết mọi người đã có miễn dịch ở mức độ nào đó.
Tiến sĩ Harries cũng bày tỏ lo lắng, bệnh cúm đang xuất hiện trở lại khiến cho một người dễ rơi vào nguy cơ nhiễm 2 loại virus cùng lúc.
An Yên (Theo Sky)