Lý do khiến sản phẩm nông nghiệp dễ gặp sự cố khi tiếp cận thị trường
Với thị trường nội địa, bên cạnh các quy định bắt buộc của Nhà nước về an toàn thực phẩm, nhà sản xuất còn phải đáp ứng thêm các quy định riêng của nhà bán lẻ.
Tại tọa đàm “Kết nối thông tin về nhu cầu, thị hiếu và phổ biến quy định thị trường nông sản trong nước” sáng 19/10, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, hiện nay quy mô sản xuất nông nghiệp của Thủ đô Hà Nội thuộc top đầu của cả nước.
Tuy nhiên, các sản phẩm nông lâm thủy sản sản xuất trên địa bàn mới chỉ đáp ứng từ 20 - 70% nhu cầu. Lượng hàng hóa còn thiếu được kết nối, khai thác từ các tỉnh, thành phố và nhập khẩu.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT ước tính: “Lượng hàng hóa tiêu thụ dịp Tết năm nay cao hơn 10% so với dịp Tết năm 2023. Chính vì vậy, việc cập nhật các thông tin thị trường, nhu cầu thị hiếu, xu hướng tiêu thụ trên thị trường nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, cải tiến sản phẩm là rất cần thiết".
Đồng thời, ông Sơn cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thường xuyên cập nhật các quy định, yêu cầu kiểm soát chất lượng về an toàn thực phẩm cho các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản, an toàn trên địa bàn Thủ đô, đảm bảo nguồn cung cấp hàng hóa cho người dân Hà Nội. Song song với đó là quản lý tốt vấn đề truy xuất nguồn gốc thực vật, tiêu thụ trên địa bàn Tp.Hà Nội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác kết nối tiêu thụ, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm nông lâm thủy sản giữa Hà Nội và các tỉnh vẫn còn hạn chế. Vẫn có khoảng hơn 4% sản phẩm nông lâm thủy sản tiêu thụ còn phát hiện các chỉ tiêu mất an toàn thực phẩm.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Tiêu dùng trong nước là 1 trong 3 trụ cột để đảm bảo tăng trưởng quốc gia. Cần phải xác định, tăng tiêu dùng quốc gia không chỉ là nhiệm vụ để đảm bảo các vấn đề dân sinh mà còn đảm bảo cho sự phát triển nông nghiệp”.
Nhắc đến câu chuyện “sản xuất nông nghiệp theo tín hiệu thị trường", ông Tiệp cho rằng vấn đề chính là phải làm sao để hiểu được tín hiệu thị trường. Tuy nhiên, vị này cũng chỉ ra thực tế: “Chúng ta thường nói đến việc phải hiểu quy định thị trường nước ngoài khi xuất khẩu mà ít nói đến câu chuyện hiểu về quy định trong nước khi đưa ra sản phẩm thị trường”.
Theo ông Tiệp, đây là nguyên nhân khi đưa sản phẩm nông nghiệp ra thị trường nội địa dễ gặp phải những sự cố khi quản lý thị trường, thanh kiểm tra về chất lượng an toàn; người tiêu dùng cũng không đủ thông tin, thuyết phục để mua sản phẩm. Với thị trường trong nước, bên cạnh các tiêu chuẩn, quy định bắt buộc của Nhà nước về an toàn thực phẩm, an toàn thực vật, các nhà sản xuất còn phải đáp ứng thêm các quy định riêng của nhà bán lẻ.
Đưa ra khuyến nghị đối về sản xuất, kinh doanh thực phẩm, ông Đặng Văn Vĩnh - Phó Trưởng phòng An toàn thực phẩm, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho rằng, các đơn vị cần tuân thủ các điều kiện đảm bảo an toàn đối với thực phẩm; bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm. Đồng thời, cần thiết lập quy trình tự kiểm tra trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Song song với đó, ông Vĩnh nhấn mạnh, các nhà sản xuất không được không lạm dụng hóa chất, chất bảo quản, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Dưới góc nhìn của nhà bán lẻ, ông Paul Lê - Phó Chủ tịch phụ trách Xúc tiến thương mại Tập đoàn Central Retail cho biết: “Xu hướng tiêu dùng hiện nay đã thay đổi trong đại bộ phận khách hàng, ngoài quan tâm tới chất lượng, giá cả, người dùng đã tìm hiểu khá kĩ tới nguồn gốc sản phẩm, tính minh bạch của nhà sản xuất”.
Nhận thức được xu hướng tiêu dùng mới, ông Paul Lê chia sẻ, tại Central Retail đang tập trung đẩy mạnh nhận diện các mã QR code để khách hàng có thể thuận tiện tra cứu thông tin.
Một xu hướng tiêu dùng mới cũng được đại diện Tập đoàn Central Retail đề cập là việc mua hàng trực tuyến qua các trang thương mại điện tử và phần mềm ứng dụng trên thiết bị điện tử thông minh.
Chia sẻ về quy trình, yêu cầu đưa hàng hóa nông sản vào kênh bán lẻ hiện nay, bà Nguyễn Hương - Giám đốc Kiến tạo giá trị chung, Công ty WinCommerce cho biết: “Với các sản phẩm tươi sống nhập từ các nhà cung cấp, công ty kiểm soát chặt từ bước kiểm duyệt hồ sơ đầu vào đến bước kiểm soát nguồn hàng, đảm bảo quá trình hàng hóa lưu thông trên quầy kệ đầy đủ thông tin tem nhãn sản phẩm”.
Đồng thời, với nhóm sản phẩm được chế biến, sản xuất tại siêu thị, WinCommerce thực hiện chế độ tự kiểm thực ba bước: Kiểm tra nguồn nguyên liệu thực phẩm nhập vào; kiểm tra thực phẩm từ quá trình sơ chế biến và kiểm tra mẫu lưu.