Lý do khiến tập đoàn bất động sản kiểu mẫu Trung Quốc lao đao
Tình trạng sa sút của thị trường bất động sản, chủ trương nới lỏng hạn chế mua nhà ở các đô thị lớn là những nguyên nhân khiến tập đoàn Country Garden đối mặt nguy cơ vỡ nợ. Nguy cơ vỡ nợ
Năm 2021, Hằng Đại, một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc, từng gây náo loạn thị trường tài chính toàn cầu khi thừa nhận họ vỡ nợ trái phiếu quốc tế. Hai năm sau, thị trường bất động sản Trung Quốc lại một lần nữa đứng bên bờ vực của một cuộc khủng hoảng khác.
Nguy cơ vỡ nợ
Hôm 8/8, tập đoàn Country Garden xác nhận rằng họ không thể thanh toán 22,5 triệu USD tiền lãi cho hai lô trái phiếu đồng USD. Nếu quá thời gian ân hạn 30 ngày mà không thể thanh toán xong, Country Garden sẽ vỡ nợ lần đầu tiên.
Ra đời vào năm 1992, Country Garden là đế chế của doanh nhân Yang Guoqiang. Đến đầu năm nay, ông Yang đã đưa con gái Yang Huiyan lên vị trí chủ tịch, lui về hậu trường vì lý do tuổi tác.
Sau gần 30 phát triển, cuối cùng Country Garden đã trở thành doanh nghiệp địa ốc lớn nhất Trung Quốc tính theo doanh thu vào năm 2017. Country Garden giữ vững vị trí này trong suốt 5 năm, cho đến năm 2022.
Sau khi “bom nợ” Hằng Đại và các nhà phát triển lớn khác như Shimao Group và Kaisa Group vỡ nợ vào năm 2021, giới phân tích đánh giá Country Garden là một tổ chức ổn định, doanh nghiệp cuối cùng có thể trụ lại trên thị trường.
Giới chức Trung Quốc ca ngợi Country Garden như một hình mẫu. Nhà đầu tư cũng hy vọng tập đoàn sẽ hưởng lợi từ những chính sách mà Bắc Kinh hứa hẹn sẽ triển khai trên thị trường nhà ở.
Báo cáo tài chính mới nhất của Country Garden cho thấy tập đoàn đạt doanh thu hơn 430 tỷ nhân dân tệ (tương đương 65,2 tỷ USD) vào năm ngoái. Liên tiếp từ năm 2018 đến 2022, Country Garden luôn đạt doanh thu trên 53 tỷ USD.
Tập đoàn cũng báo lãi ròng trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021. Điểm đáng chú ý là vào năm 2021, trong khi Evergrande báo lỗ ròng 65 tỷ USD, Country Garden vẫn lãi 4,1 tỷ USD.
Tính đến hết năm 2022, quy mô lao động của Country Garden vào khoảng 70.000 người - tương đương 1/10 số lượng nhân công của nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới Foxconn.
Tập đoàn đang vận hành 3.152 dự án ở nhiều giai đoạn, trong đó 3.121 dự án tại Trung Quốc đại lục và 31 dự án khác bên ngoài đại lục, báo cáo thường niên năm 2022 chỉ ra.
Hơn 60% dự án trong nước của Country Garden nằm ở các thành phố cấp 3 và cấp 4, những nơi có dân số nhỏ hơn, và 26% nằm ở các thành phố cấp 2.
Những lý do khiến Country Garden lao đao
Sở hữu bảng cân đối kế toán lành mạnh trong nhiều năm qua, Country Garden vẫn không thể thoát khỏi tình cảnh chung của ngành địa ốc Trung Quốc. Tập đoàn phải báo lỗ 900 triệu USD trong năm 2022.
Dẫu vậy, nhà đầu tư từng kỳ vọng vào cuối năm ngoái rằng số mệnh của Country Garden sẽ khác với Evergrande, bởi Bắc Kinh đã bơm thêm thanh khoản và cam kết sẽ hỗ trợ thêm cho thị trường.
Song, năm 2023 đã đi được một nửa chặng đường mà thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn không hề đi lên.
Giá nhà đang giảm trở lại. Một thước đo giá nhà tại 70 thành phố lớn đã giảm 2,2% so với cùng kỳ vào tháng 7 và Goldman Sachs cảnh báo lĩnh vực địa ốc Trung Quốc sẽ “suy yếu trong thời gian dài”.
Việc Country Garden tập trung vào các đô thị cấp thấp cũng đang gây hại cho tập đoàn, bởi giá nhà ở những địa phương này lao dốc nặng nề hơn so với ở những thành phố lớn.
Báo cáo của Nomura cũng lưu ý rằng các đô thị lớn đang xem xét nới lỏng hạn chế đối với việc mua nhà, nên rất có thể dòng tiền đầu tư sẽ rời khỏi những thành phố cấp thấp để hướng tới các thành phố lớn.
Kết quả là doanh số bán nhà tháng 7 của Country Garden đã bốc hơi hơn 75% so với cùng kỳ năm 2021, khiến tập đoàn chịu áp lực về thanh khoản và bỏ lỡ hạn chót thanh toán tiền lãi trái phiếu.
Dữ liệu từ nền tảng Tradeweb cho thấy, trái phiếu đồng USD của Country Garden hiện chỉ bằng 8% mệnh giá, là một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư tin chắc tập đoàn sẽ vỡ nợ.
Gần đây Moody’s Investors Service đã hạ xếp hạng trái phiếu của Country Garden từ Ba3 xuống B1, đồng nghĩa rằng chứng khoán nợ này có thể là một khoản đầu tư rủi ro.
Trong một hồ sơ gửi lên sàn chứng khoán Hong Kong vào ngày 31/7, Country Garden cảnh báo rằng họ có thể lỗ ròng trong nửa đầu năm 2023. Theo tập đoàn, lỗ phát sinh từ việc giá trị bất động sản tụt dốc khi giá nhà giảm mạnh.
Country Garden hứa hẹn “sẽ tích cực xin chỉ đạo và hỗ trợ từ chính phủ cũng như các cơ quan quản lý”. Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, tập đoàn đã đột ngột hủy bỏ kế hoạch phát hành 300 triệu USD cổ phiếu, với lý do không đạt được “thỏa thuận cuối cùng”.
Nhà đầu tư đang lo sợ rằng Country Garden sẽ là doanh nghiệp bất động sản lớn tiếp theo rơi vào vòng xoáy khủng hoảng. Cổ phiếu của tập đoàn đã mất gần 70% giá trị kể từ đầu năm nay.
Khối tài sản ròng của Chủ tịch Yang Huiyan cũng giảm mạnh theo đà rơi của cổ phiếu. Từng là người phụ nữ giàu nhất châu Á, nay bà Yang chỉ nắm khối tài sản khoảng 4,2 tỷ USD, mất 86% so với mức đỉnh 29,6 tỷ USD vào năm 2021, theo Forbes.