Lý do khiến tiến độ xây dựng, cải tạo chợ còn rất chậm

Do những tồn tại, vướng mắc về cơ chế chính sách phát triển và quản lý chợ trong thời gian vừa qua, nên công tác đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội triển khai còn rất chậm. Để tháo gỡ những nút thắt về vốn, đẩy mạnh phân cấp, tạo sự chủ động cho các địa phương, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2024/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ với nhiều điểm mới, cũng đã tháo gỡ được về vốn. Tuy nhiên, để Nghị định triển khai đồng bộ có hiệu quả thì vẫn cần tiếp tục xem xét tháo gỡ những vướng mắc trong quản lý tài sản công tránh chồng chéo, giá cho thuê đất, ưu đãi vốn vay...

Chợ Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội Ảnh: Internet

Chợ Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội Ảnh: Internet

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 455 chợ; trong đó có 15 chợ hạng 1, 59 chợ hạng 2, 350 chợ hạng 3 và 31 chợ chưa phân hạng. Trong đó, có 2 chợ đầu mối Minh Khai và chợ đầu mối phía Nam. Ngoài ra có 5 chợ đang hoạt động có tính chất đầu mối gồm: Chợ Long Biên chuyên hoa quả, rau các loại; chợ thủy sản Yên Sở; chợ gia cầm Hà Vĩ; chợ vải Nành; chợ hoa Quảng An.

Theo báo cáo tiến độ các dự án chợ đầu tư xây mới, cải tạo giai đoạn 2022-2025 gửi Sở Công Thương Hà Nội, đã có 19 đơn vị đăng ký đầu tư xây dựng, cải tạo chợ năm 2023 với tổng số 48 dự án chợ xây mới, xây lại và 57 chợ cải tạo, sửa chữa. Tuy nhiên, tiến độ triển khai còn rất chậm do gặp nhiều vướng mắc. Chợ thì đang giải phóng mặt bằng, chợ thì đang chờ hướng dẫn về thủ tục giao đất cho thuê đất, chợ đang vướng mắc về xác định khoản chậm nộp ngân sách, chợ thì đang điều chỉnh chủ trương đầu tư...

Cụ thể, chợ Ngã Tư Sở (quận Ðống Ða) được xây dựng từ năm 1987 với diện tích hơn 8.500m2, từng là nơi kinh doanh, buôn bán của rất nhiều tiểu thương. Những năm gần đây, dù được xếp là chợ hạng 1, nhưng chợ đã xuống cấp đến mức báo động. Trong kế hoạch của thành phố, trong giai đoạn 2021-2025, chợ Ngã Tư Sở được đưa vào danh mục xây mới, nhưng chợ vẫn chưa được xây dựng, dù theo phân cấp ủy quyền, việc đầu tư chợ đã được giao về cho cấp quận được phép sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Nguyên nhân bởi trong các văn bản quy định về đầu tư, thì cấp quận được sử dụng nguồn vốn đầu tư công cho "chợ dân sinh". Tuy nhiên, chợ dân sinh lại được phân loại là chợ hạng 3, cho nên các chợ hạng 1 như chợ Ngã Tư Sở đang gặp vướng mắc trong tiếp cận vốn ngân sách.

Chợ Ngã tư sở, quận Đống Đa Ảnh: Internet

Chợ Ngã tư sở, quận Đống Đa Ảnh: Internet

Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Nam Từ Liêm cho biết, mặc dù nhà nước đã đồng ý sử dụng vốn ngân sách đầu tư xây dựng chợ, nhưng trong quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn như về giá đất, tiền thuê đất...

Trên đây chỉ là một trong nhiều vướng mắc về vốn của các địa phương khi triển khai xây dựng, sửa chữa lại chợ trên địa bàn quận do thực hiện theo Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và nghị định số 114/2009/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ quy định vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước được đầu tư đối với một số loại chợ và tại một số địa bàn nhất định.

Nhưng nay, Nghị định số 60/2024/NĐ-CP được ban hành thay thế các Nghị định: số 02/2003/NĐ-CP và số 114/2009/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ đã giúp tháo gỡ cho các địa phương về vốn ngân sách trong sử dụng xây dựng mới, cải tạo lại các chợ. Cụ thể, vốn từ ngân sách địa phương hỗ trợ đầu tư xây dựng các chợ đầu mối nông sản, thực phẩm và chợ hạng 2, hạng 3 ở địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo. Vốn từ ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư chợ đầu mối chuyên doanh hoặc tổng hợp bán buôn hàng nông sản, thực phẩm, chợ trung tâm các huyện, chợ biên giới và chợ dân sinh thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho biết, với quy định hiện nay, Nghị định 60/2024/NĐ-CP đã tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong việc sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển chợ đặc biệt từ việc sử dụng ngân sách địa phương.

Triển khai Nghị định số 60/2024/NĐ-CP của Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Công Thương, các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan nghiên cứu thay thế Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND ngày 16-11-2018 về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Nghị định số 60/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ các địa phương còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quản lý tài sản công. Cụ thể, về cơ quan quản lý nhà nước đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ, theo quy định cũ, Sở Công Thương là cơ quan thường trực tham mưu giúp UBND thành phố Hà Nội triển khai các nội dung liên quan đến phát triển và quản lý mạng lưới chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, đối với các chợ do ngân sách đầu tư là tài sản công, UBND cấp tỉnh và cấp huyện giao cơ quan tài chính cùng cấp giúp UBND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước đối với tài sản công quy định; đồng thời, trực tiếp quản lý, xử lý đối với một số loại tài sản công theo quy định. Do đó, hiện nay đang khó khăn trong việc xác định cơ quan cơ quan thường trực quản lý nhà nước đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ là ngành Công Thương hay ngành Tài chính.

Bên cạnh đó, theo quy định của Nghị định 60/2024/NĐ-CP và thực tế hiện nay, UBND cấp xã là một trong các trường hợp được giao tài sản kết cấu hạ tầng chợ; UBND cấp xã sẽ là cơ quan đứng ra thu giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ, nhưng lại không được xuất hóa đơn theo quy định của Luật Giá.

Chợ là để phục vụ nhu cầu dân sinh, trong khi đầu tư kinh doanh, khai thác chợ hiệu quả không cao nên khó thu hút được xã hội hóa. Với những chợ đã chuyển đổi mô hình quản lý cũng không đủ khả năng duy trì, nâng cấp, cải tạo chợ. Trong điều kiện nguồn lực nhà nước có hạn, việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư kinh doanh, khai thác chợ là rất cần thiết. Sở Công Thương đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu tham mưu Chính phủ có các cơ chế hỗ trợ (về miễn, giảm tiền thuê đất, về ưu đãi lãi suất cho vay đối với đầu tư xây dựng chợ,…) đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ đảm bảo giảm chi phí đầu vào, đảm bảo an sinh, ổn định xã hội.

Thực tế, còn tồn tại nhiều chợ do doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý, nhưng trong quá trình hoạt động, khai thác chợ lại không đảm bảo theo phương án bố trí ngành hàng, nội quy được phê duyệt,… Hiện nay, chưa có chế tài xử phạt vi phạm trong quá trình hoạt động của chợ. “Đề nghị Bộ Công Thương tham mưu Chính phủ ban hành quy định xử phạt hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh, khai thác chợ nhằm nâng cao hiệu lực của công tác quản lý nhà nước đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ”, bà Nguyễn Kiều Oanh chia sẻ./.

Nam Giang

Nguồn VNEWS: https://vnews.gov.vn/news/ly-do-khien-tien-do-xay-dung-cai-tao-cho-con-rat-cham-132995.htm