Lý do không ngờ khiến doanh nghiệp Việt 'mất trắng' đơn hàng rất lớn từ Mỹ
Một nhà máy chế biến mỳ ăn liền của Việt Nam đã nhận được đơn hàng rất lớn từ Mỹ. Khi gửi mẫu, giá cả khách hàng đều chấp nhận. Tuy nhiên, có một điểm là khách hàng không chấp nhận sử dụng nắp nhôm trên ly mỳ và phản hồi, hướng dẫn sửa đổi nhưng doanh nghiệp không chịu và đã bỏ lỡ đơn hàng.
Ngày 18/11, Bộ Công Thương phối hợp với báo Công Thương tổ chức Hội thảo “Xuất khẩu vào các thị trường FTA - Giải bài toán phát triển bền vững”.
Theo Bộ Công Thương, dù đã thu về những kết quả ấn tượng, nhưng những cam kết và quy định tại các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là FTA thế hệ mới tương đối mới và phức tạp nên nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam lúng túng, chưa tận dụng tối ưu được các ưu đãi.
Ông Nguyễn Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Công Thương phía Nam, Bộ Công Thương - chia sẻ, các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKVFTA sau một thời gian được thực thi đã phát huy hiệu quả tích cực. Không chỉ thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường này cũng ghi nhận tăng trưởng cao.
Tính chung 9 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đã vượt mốc 500 tỷ USD, ước đạt gần 560 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như tăng trưởng xuất khẩu cao nhưng chưa bền vững; nền kinh tế chưa khai thác hết lợi thế cạnh tranh dựa vào công nghệ, trình độ lao động, quản lý… để tạo ra các nhóm hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao. Đặc biệt, năm 2022, sau gần 2 năm chống chọi với đại dịch, các nước đã bình thường hóa trở lại và bắt đầu đưa ra những tiêu chuẩn cao hơn với hàng nhập khẩu nhằm bảo vệ sản xuất trong nước cũng như sức khỏe của người tiêu dùng.
Theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TPHCM, việc không bắt nhịp được thị trường khiến DN bị lỡ mất nhiều đơn hàng. Mới đây nhất, một nhà máy chế biến mỳ ăn liền của Việt Nam đã nhận được đơn hàng rất lớn từ Mỹ. Khi gửi mẫu, giá cả khách hàng đều chấp nhận. Tuy nhiên, có một điểm là khách hàng không chấp nhận sử dụng nắp nhôm trên ly mỳ. Khách hàng đã phản hồi và hướng dẫn sửa đổi, tuy nhiên DN không chịu và DN đã bỏ lỡ đơn hàng. Vì vậy, DN buộc phải nghiên cứu sâu thị trường, nghiên cứu tiêu chuẩn thị trường, thay đổi mẫu mã theo nhu cầu.
Bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Âu - Châu Mỹ cho rằng, để tận dụng tối đa ưu đãi từ EVFTA vẫn còn không ít thách thức. Cụ thể, thị trường thương mại hàng hóa đã và đang có những diễn biến phức tạp về nguồn cung và giá cả.
“Đặc biệt, EU sẽ tăng cường áp dụng hàng rào phi thuế quan, siết chặt các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường/khí hậu, phát triển bền vững. Trong khi đó, hiện nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn gặp khó trong việc tiếp cận thị trường EU do chưa hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu cao của EU đặt ra từ các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, đến các vấn đề môi trường, xã hội, phát triển bền vững… EU cũng thường xuyên rà soát, điều chỉnh các quy định khiến các DN Việt Nam trong nhiều trường hợp không kịp nắm bắt, thích nghi” - bà Hiền cho biết.
Ông Jean Jacques Bouflet - Phó Chủ tịch EuroCham - cho rằng, nhìn chung các chính sách nhập khẩu từ EU vẫn không có sự thay đổi sau đại dịch COVID-19. Song Việt Nam phải đối mặt với trở ngại khi phải đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh, sạch của EU ngày càng gắt gao. Ví dụ với sản phẩm gỗ cần có chứng chỉ FSC, hay trong ngành xuất khẩu gỗ hiện nay không dùng nguyên liệu gỗ từ Nga sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.
“Thời gian tới, các DN Việt Nam phải đảm bảo chỉ số phát thải, thấy được sự phát triển bền vững của DN. Một điểm quan trọng nữa là EU cần thấy được sự sẵn sàng của các nhà sản xuất Việt Nam thay đổi trong phát triển bền vững, giảm phát thải một cách mạnh mẽ” - Phó Chủ tịch EuroCham lưu ý.