Lý do không thể nôn nóng giảm khoảng cách tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19

TS.BS Châu đã 'gạt' đề xuất rút ngắn thời gian tiêm 2 mũi vắc xin để TP.HCM sớm hoạt động trở lại. Ông khẳng định, tuân thủ khuyến cáo của nhà sản xuất mới đạt tối ưu hiệu quả miễn dịch của vắc xin.

Tiêm vắc xin phải tuân thủ khuyến cáo của nhà sản xuất

Chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" ngày 3/9 gây chú ý bởi nhiều thắc mắc xung quanh vấn đề tiêm vắc xin.

Một độc giả giấu tên chia sẻ: Tôi nghĩ cơ quan chức năng nên cho các y bác sĩ, người công tác trong ngành y tế, shipper, nhân viên dịch vụ thiết yếu… đã tiêm mũi 1 được 4 tuần nên tiêm tiếp mũi 2 luôn, thay vì phải chờ đợi 8 đến 12 tuần. Việc này nhằm rút gọn thời gian tiêm chủng để sớm đạt hiệu quả vắc xin.

Chúng ta tiêm mũi 2 sớm 4 tuần, kháng thể sẽ đạt mức an toàn hơn và không phải chờ đợi lâu. Chúng ta nên tận dụng thời điểm này để tiêm, 2 tuần sau đến ngày 15/9, TP có thể hoạt động trở lại, giúp “rã băng” cho TP.HCM.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu. Ảnh: Bộ Y tế

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu. Ảnh: Bộ Y tế

Với ý kiến này, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, mỗi loại vắc xin tùy theo nhà sản xuất, tùy theo cấu trúc, đều có quy luật khác nhau.

Khi tiêm một loại vắc xin, chúng ta đưa thành phần của con virus vào cơ thể. Cơ thể sẽ tạo ra kháng thể, tạo ra miễn dịch chống lại con virus đó. Như vậy mỗi loại vắc xin sẽ có một thời gian để các tế bào miễn dịch trong cơ thể tạo ra kháng thể.

Theo TS.BS Châu, việc rút ngắn khoảng cách mũi tiêm ví dụ như hôm nay tiêm một mũi, tuần sau tiêm luôn mũi thứ 2 là không đúng.

“Cần thời gian chín muồi, thời gian để hệ thống miễn dịch của chúng ta phát triển. Lúc này, chúng ta tiêm mũi 2 vào như nhắc lại lần nữa, khi đó hệ thống miễn dịch sẽ phát triển gần như hoàn chỉnh. Đối với tác nhân này, kháng thể sẽ được tạo ra đầy đủ nhất”, ông Châu nói.

“Theo nghiên cứu của các nhà sản xuất, vắc xin Astrazeneca của Anh hiệu quả tối ưu từ 8-12 tuần nếu tiêm sớm hơn sẽ không đạt hiệu quả tối ưu.

Các vắc xin còn lại sau 4 tuần nhắc lại mũi thứ 2. Đề xuất của bạn không thể được, chúng ta phải tùy theo từng loại vắc xin”, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM khẳng định.

TP.HCM có nhập vắc xin dịch vụ để người dân được lựa chọn?

Cùng thắc mắc liên quan đến vấn đề vắc xin, khán giả Hồng Ngọc hỏi: “TP.HCM chỉ tiêm vắc xin Sinopharm cho người 18 tuổi trở lên mà không được tiêm vắc xin khác phải không? Tôi nghe nói không tiêm vắc xin là không đi làm trong công ty hay đi bất cứ đâu, có đúng không? Vậy tôi từ chối tiêm vắc xin này, khi có nguồn vắc xin khác về có được gọi ra tiêm lại không?

Nếu không được gọi thì chính quyền có cho nhập vắc xin dịch vụ cho dân để họ tiêm vắc xin theo loại vắc xin họ tin tưởng và mong muốn không?”.

Trước câu hỏi này, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu chia sẻ: Chủ trương của chính phủ là tiêm vắc xin hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện của người dân. Bạn có thể chấp nhận hoặc từ chối tiêm vắc xin. Tuy nhiên trong bối cảnh đại dịch hiện nay, nguy cơ mắc bệnh rất cao, nguy cơ mắc bệnh chuyển nặng cũng rất cao, thậm chí có thể tử vong.

Do đó, tiêm vắc xin là một trong những giải pháp quan trọng nhất để chúng ta thoát khỏi đại dịch, giảm ca mắc, giảm số ca tử vong.

“Vắc xin tốt là loại vắc xin có chất lượng, được công nhận bởi Tổ chức Y tế thế giới WHO, Bộ Y tế Việt Nam. Vắc xin tốt nhất là vắc xin trước mắt chúng ta có điều kiện tiêm càng nhanh càng tốt. Bởi vì các bạn cũng biết, sau khi tiêm vắc xin xong, chúng ta cần thời gian ít nhất là từ 3-4 tuần cơ thể mới sinh ra kháng thể bảo vệ. Sau đó, chúng ta mới tiêm được mũi 2, kháng thể bảo vệ sẽ tăng hơn nữa”, ông Châu nói.

TS.BS Châu cũng nhấn mạnh: “Đó vừa là trách nhiệm với cộng đồng - tránh làm lây lan dịch bệnh vừa là quyền lợi cá nhân. Theo quan điểm của ngành y tế, nếu có điều kiện tiêm vắc xin và vắc xin đó được bảo đảm chất lượng, chúng ta nên tiêm ngay lập tức để đảm bảo sức khỏe bản thân và giảm tình trạng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng”.

Cũng theo ông Châu, các nghiên cứu trên thế giới đều cho rằng, sau khi tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin có chất lượng tốt, khả năng nhiễm bệnh sẽ giảm. Khi nhiễm bệnh, khả năng diễn tiến nặng sẽ hiếm, do đó nguy cơ tử vong sẽ giảm đi rất nhiều. Chúng ta nên tiêm vắc xin khi có điều kiện được tiêm.

Ngọc Trang

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/ly-do-khong-the-non-nong-giam-khoang-cach-tiem-2-mui-vac-xin-covid-19-771830.html