Lý do Mỹ 'đảo chiều' với Ukraine, châu Âu vẫn 'bất an'

Các đồng minh của Ukraine tại châu Âu cuối cùng cũng nghe được thông điệp cứng rắn với Nga mà họ mong đợi từ Tổng thống Donald Trump. Nhưng họ vẫn không tin tưởng điều đó.

Một hệ thống phòng không Patriot tại Ukraine. Ảnh: Global Images Ukraine/Getty Images

Một hệ thống phòng không Patriot tại Ukraine. Ảnh: Global Images Ukraine/Getty Images

Bất an trước sự đảo chiều chính sách của chính quyền Mỹ

Theo tờ Politico, khắp các thủ đô châu Âu, có một cảm giác bất an về những quyết định đảo ngược chính sách gần đây của chính quyền Tổng thống Trump đối với Ukraine và sự bối rối về việc ai là người nắm quyền quyết định tại Lầu Năm Góc.

Kết quả là, các chính phủ đang chuẩn bị cho nhiều kịch bản - khiến việc xây dựng bất kỳ chiến lược nào cho Ukraine trở nên khó khăn trong khi chính sách đối ngoại của ông Trump rất dễ thay đổi. Ví dụ, ông có thể sẽ có thêm hành động chống lại Nga, hoặc một lần nữa ngăn chặn dòng vũ khí chảy vào Ukraine, hoặc thậm chí rút quân đội Mỹ vốn đang hỗ trợ hệ thống phòng thủ của châu Âu.

“Không còn gì bất ngờ nữa; chúng ta phải sẵn sàng cho mọi thứ”, một nhà ngoại giao xin giấu tên từ một quốc gia NATO cho biết.

Nhiều đồng minh nước ngoài đã bị bất ngờ vào tuần trước khi Lầu Năm Góc ra quyết định ngừng cung cấp viện trợ phòng không và vũ khí sát thương cho Kiev. Rồi tuần này, Tổng thống Trump lại đột ngột thay đổi quan điểm và cam kết tăng cường phòng không cho lực lượng Ukraine, đồng thời nói rằng ông đã “chán ngấy” lời nói của Tổng thống Nga Putin.

Một lý do cho sự bối rối của châu Âu là do thiếu thông tin liên lạc từ Washington.

Phía Ukraine đã cố gắng kết nối giữa Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth kể từ ngày 1/7, khi hoạt động vận chuyển tên lửa phòng không và vũ khí chính xác theo kế hoạch sẽ được chuyển đến Ukraine bị dừng lại mà không có cảnh báo trước. Tuy nhiên, hai nguồn tin thân cận cho biết đội ngũ của ông Hegseth vẫn chưa đồng ý cuộc điện đàm.

Một quan chức châu Âu cho biết "khó có thể biết chuyện gì đang xảy ra" bên trong chính quyền Mỹ, đặc biệt là khi "ông Trump đã bắt đầu tỏ ra kiên định hơn trong việc ủng hộ Ukraine", trong khi giới lãnh đạo Lầu Năm Góc lại có quan điểm khác.

Quan ngại về giảm hiện diện quân sự Mỹ tại châu Âu

Bên cạnh đó, châu Âu cũng lo ngại về nhiều vấn đề khác ngoài vấn đề vũ khí cho Ukraine. Một cuộc đánh giá lớn về tình hình lực lượng của Mỹ tại châu Âu đang được nhiều đồng minh NATO quan tâm. Nếu Mỹ giảm đáng kể sự hiện diện của quân đội tại châu Âu, điều đó sẽ đẩy lục địa già vào nguy cơ mất an ninh trước các mối đe dọa trong tương lai.

Một quan chức châu Âu khác cho biết "ấn tượng chung ở châu Âu là chính quyền Mỹ đã thiếu phối hợp" về vấn đề Ukraine, và nhiều người tại các thủ đô của NATO chỉ đơn giản là đang cố gắng theo kịp những thay đổi trong tâm trạng ở Washington.

Trong khi đó, Nhà Trắng lập luận rằng chính quyền không hề thay đổi chiến lược hay chính sách.

"Không có gì nhất quán hơn chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump. Ông sẽ luôn đặt nước Mỹ lên hàng đầu, và mong muốn hòa bình ở Ukraine và trên toàn thế giới", phát ngôn viên Nhà Trắng Anna Kelly cho biết trong một tuyên bố.

"Sau khi Bộ Quốc phòng xem xét để đảm bảo tất cả viện trợ quân sự nước ngoài phù hợp với lợi ích của Mỹ, tổng thống đã quyết định gửi thêm đạn dược phòng thủ cho Ukraine để giúp ngăn chặn thương vong trong cuộc chiến tàn khốc này", bà Kelly nói thêm.

Nga đang tăng cường các cuộc tấn công UAV vào lãnh thổ Ukraine. Ảnh: Kyiv Post

Nga đang tăng cường các cuộc tấn công UAV vào lãnh thổ Ukraine. Ảnh: Kyiv Post

Trưởng ban chính sách của Bộ Quốc phòng Elbridge Colby đang chỉ đạo việc xem xét lại tình hình lực lượng toàn cầu của Lầu Năm Góc và cho biết ông dự kiến sẽ công bố các khuyến nghị vào tháng 8 tới. Với quan điểm của ông về việc chuyển trọng tâm của Mỹ khỏi châu Âu sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, các đồng minh châu Âu dự kiến sẽ mất một số lực lượng của Mỹ.

Hôm 8/7, Tổng thống Trump đã ám chỉ sự thất vọng với Đức và Hàn Quốc, đặc biệt là về chi phí đóng quân của quân đội Mỹ tại đó.

"Chúng ta có 45.000 binh sĩ đồn trú tại Hàn Quốc. Chúng ta có 45.000 binh sĩ ở Đức – thực ra là 52.000. Và các bạn biết đấy, đó là một nguồn phát triển kinh tế khổng lồ cho họ. Đó là một khoản tiền khổng lồ đối với họ, và là một tổn thất to lớn đối với chúng ta”, ông Trump nói trước một cuộc họp Nội các.

Dấu hỏi về vai trò của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

Mặc dù hoạt động đánh giá lực lượng do Lầu Năm Góc thực hiện là điều mà mọi chính quyền Mỹ đều đã thực hiện, nhưng vai trò trung tâm của ông Colby trong việc hủy bỏ viện trợ quân sự cho Ukraine và lịch sử lâu dài về thái độ hoài nghi của ông đối với sự hiện diện của Mỹ ở châu Âu đã gây ra những lo ngại ở “cựu lục địa”.

Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen, thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cho biết bà đang đề xuất dự luật chính sách quốc phòng hàng năm nhằm đặt ra các rào cản đối với khả năng rút quân.

Một số đồng minh châu Âu cho biết họ cảm thấy Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hegseth không phải là người đáng tin cậy để trao đổi về chiến lược Ukraine hoặc các vấn đề rộng hơn như sự hiện diện của Mỹ tại châu Âu. Nhiều người không rõ vai trò thực sự của ông Hegseth trong việc đưa ra các quyết định chính sách và liệu ông có đang nhường quyền cho ông Colby hay những người khác có nhiều kinh nghiệm hơn trong chính phủ hay không.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hegseth. Ảnh: Getty Images

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hegseth. Ảnh: Getty Images

"Có rất nhiều điều không thể đoán trước về các chính sách của chính quyền", một quan chức châu Âu nhận xét, "Có nhiều hỗn loạn, và thành thật mà nói là thiếu sự quản lý chuẩn mực từ cấp cao”.

Sự lo lắng và thất vọng ở châu Âu trái ngược với tâm lý lạc quan ngắn ngủi sau hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng 6, khi Tổng thống Trump đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc tăng chi tiêu quốc phòng của NATO và tái vũ trang cho liên minh. Các cuộc gặp gỡ tích cực của tổng thống với các nguyên thủ quốc gia khác và việc ông gác lại những lời chỉ trích thường lệ đối với các thành viên liên minh đã khiến nhiều quốc gia đặt hy vọng.

Giờ đây, những người muốn cung cấp vũ khí cho Ukraine đang dõi theo xem liệu những vũ khí đã cam kết có thực sự đến hay không.

“Thật khó hiểu khi nghe ông Trump tỏ ra rất thông cảm với Ukraine [tại hội nghị thượng đỉnh NATO] rồi sau đó lại nghe Lầu Năm Góc lệnh ngừng cung cấp vũ khí… Chúng tôi chờ đợi vòng lặp đó sẽ sớm được khởi động lại”, một quan chức châu Âu cho biết.

Thu Hằng/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/ly-do-my-dao-chieu-voi-ukraine-chau-au-van-bat-an-20250710170830626.htm