Lý do Mỹ thiếu nhân viên sản xuất chip và Trung Quốc thiếu tài năng về chip
Ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ phải đối mặt với sự thiếu hụt khoảng 67.000 nhân viên vào năm 2030, theo một nghiên cứu của hiệp hội ngành này được công bố hôm 25.7.
Lực lượng lao động của ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ được dự đoán sẽ tăng lên 460.000 vào cuối thập kỷ này, từ khoảng 345.000 trong năm nay. Song với số lượng sinh viên tốt nghiệp như hiện tại, Mỹ sẽ không tạo ra đủ lao động có trình độ để lấp đầy sự gia tăng đó, theo nghiên cứu do Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) và công ty Oxford Economics thực hiện.
Nghiên cứu được đưa ra khi Mỹ đang nỗ lực củng cố lĩnh vực chip nội địa. Đạo luật CHIPS, dành tiền cho các nhà máy sản xuất chip mới cũng như nghiên cứu và phát triển chip, đã được ký thành luật vào ngày 9.8.2022.
Bộ Thương mại Mỹ đang giám sát khoản trợ cấp sản xuất chip trị giá 39 tỉ USD theo quy định trong Đạo luật CHIPS và các công ty như Intel, Samsung Electronics (hãng chip nhớ số 1 thế giới), TSMC (nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới) cho biết sẽ nộp đơn xin trợ cấp.
Đạo luật CHIPS cũng tạo ra khoản giảm thuế đầu tư 25% để xây dựng các nhà máy sản xuất chip mới, có giá trị lên đến 24 tỉ USD.
SIA cho biết những nhà máy đó sẽ tạo ra việc làm. Sự thiếu hụt lao động trong ngành chip của Mỹ dự kiến gồm các nhà khoa học máy tính, kỹ sư và kỹ thuật viên. Khoảng một nửa số công việc ở ngành công nghiệp chip của Mỹ trong tương lai sẽ là kỹ sư.
"Đây là một vấn đề mà chúng ta đã phải đối mặt trong một thời gian dài. Song với Đạo luật CHIPS nói riêng và việc thay đổi xu hướng của lịch sử hướng tới sản xuất chip nhiều hơn tại Mỹ, nó thực sự làm vấn đề này càng thêm nghiêm trọng", John Neuffer (Chủ tịch SIA) nói.
Theo báo cáo, sự thiếu hụt nhân viên lành nghề trong ngành chip một phần do ngày càng thiếu sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học ở Mỹ.
Số nhân tài chip của Trung Quốc sẽ kém xa so với nhu cầu năm 2024
Theo một báo cáo, ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc sẽ tạo ra nhu cầu cho 789.000 nhân viên có kinh nghiệm vào năm 2024, vượt quá 1/3 nguồn cung nhân tài tại địa phương.
Tổng nhu cầu về nhân tài trong ngành chip Trung Quốc sẽ đạt 789.000 vào năm 2024, so với con số 570.700 người được tuyển dụng trong lĩnh vực này tính đến cuối năm 2021, theo báo cáo được công bố tại Hội nghị Thế giới về Mạch tích hợp ở thành phố Hợp Phì, thủ phủ của tỉnh An Huy.
Báo cáo dựa trên một cuộc khảo sát với hơn 2.000 công ty bán dẫn Trung Quốc và hơn 400 viện giáo dục, cho thấy hơn 40% nhu cầu sẽ đến từ lĩnh vực thiết kế chip, vốn sẽ cần 325.200 người vào năm 2024. Phần còn lại trong số 789.000 người sẽ là trong lĩnh vực sản xuất và đóng gói chip, theo kết quả nghiên cứu của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc.
Sự thiếu hụt nhân tài là một rào cản chính để đạt được mục tiêu tự cung tự cấp chất bán dẫn của Trung Quốc, nơi đã tiến hành thuê nhiều nhân tài hàng đầu từ Mỹ và Đài Loan.
Trong khi đó, Mỹ đã thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn từ tháng 10.2022, gồm cả hạn chế sự tham gia của người Mỹ (công dân Mỹ và người có thẻ xanh) tại các cơ sở sản xuất chip tiên tiến ở Trung Quốc.
Các biện pháp làm dấy lên lo ngại về vai trò tương lai của công dân Mỹ trong ngành công nghiệp chip Trung Quốc. Nhiều giám đốc điều hành có vai trò quan trọng với sự phát triển ngành công nghiệp chip của Trung Quốc đã học tập và làm việc tại Mỹ và có hộ chiếu Mỹ, trong đó có Gerald Yin, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch hãng sản xuất thiết bị chip Advanced Micro-Fabrication Equipment ở thành phố Thượng Hải.
Đang có sự gấp rút thành lập các cơ sở đào tạo bán dẫn ở Trung Quốc. Các trường đại học hàng đầu trên cả nước, gồm cả Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh, đã thành lập các trường bán dẫn đặc biệt, trong khi chính quyền địa phương đang tăng cường nguồn lực cho đào tạo.
Tháng 10.2022, đặc khu Lingang ở Thượng Hải đã hợp tác với Đại học Thượng Hải và Hiệp hội Công nghiệp Vi mạch Tích hợp của thành phố để thiết lập một cơ sở đào tạo các tài năng bán dẫn mới.
Sự chênh lệch về nguồn cung đã dẫn đến việc tăng lương nhiều cho các tài năng chip. Theo Guo Sheng, Giám đốc điều hành trang web tuyển dụng Zhaopin, mức lương trung bình hàng tháng cho các “vị trí cốt lõi” trong ngành này đạt 18.335 nhân dân tệ (2.566 USD) trong năm 2022, tăng 12% so với một năm trước. Guo Sheng cho biết tiền thưởng cho các tài năng bán dẫn hàng đầu có thể tăng 50%.
Li Xiaoyu, Phó chủ tịch của nhà sản xuất chip ChangXin Memory Technologies, nói chính phủ Trung Quốc nên hỗ trợ nhiều hơn để đào tạo nhân tài về chip.
Văn hóa "996"
Trung Quốc đang hy vọng thu hút nhân tài về nước trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ đang sôi sục với Mỹ. Tuy nhiên, nhiều người Trung Quốc sống ở nước ngoài không muốn về quê hương bởi sợ mất sự cân bằng giữa công việc với cuộc sống và văn hóa làm việc căng thẳng hơn, thậm chí độc hại.
Luật lao động Trung Quốc quy định rằng thời gian làm việc theo luật định là 8 giờ mỗi ngày và 40 giờ một tuần, nhưng rất ít người sử dụng lao động tuân thủ luật này.
Theo Cục Thống kê Quốc gia, số giờ làm việc trung bình của nhân viên Trung Quốc trong tuần là 47,9 giờ tính đến tháng 12.2022. Để so sánh, vào tháng 1.2023, số giờ làm việc trung bình mỗi tuần của tất cả nhân viên trên các bảng lương tư nhân không phải trong ngành nông nghiệp ở Mỹ là 34,7 giờ, theo Cục Thống kê lao động Mỹ.
Các công ty Trung Quốc nổi tiếng về giá trị làm việc chăm chỉ, tiêu biểu cho văn hóa "996" của lĩnh vực công nghệ, nghĩa là làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần.
Trong khi một số hãng công nghệ đã giảm giờ làm việc của mình hai năm qua sau khi bị lên án mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông xã hội, 40 giờ mỗi tuần vẫn là một giấc mơ xa vời với nhiều nhân viên ngành này, vốn bị coi là già khi đến tuổi 35 và có nguy cơ bị đào thải.
Trên 1Point3Acres, cộng đồng trực tuyến dành cho nhân viên công nghệ Trung Quốc ở nước ngoài, các bài đăng so sánh văn hóa làm việc của Trung Quốc và Mỹ đã xuất hiện thường xuyên vài tháng qua, vì nhiều người đang cân nhắc việc quay trở lại Trung Quốc.
“So với các công ty tại Mỹ, có nhiều chính trị văn phòng hơn và ít tự do hơn ở các công ty Trung Quốc, đồng thời tài năng không được coi trọng”, một người dùng cho biết.
Điều đó có thể gây rắc rối cho Trung Quốc, quốc gia đang khát nhân tài công nghệ, đặc biệt là những người có kinh nghiệm làm việc và nghiên cứu ở nước ngoài, khi đang phải đối mặt với sự gia tăng kiềm chế công nghệ từ Mỹ cùng các đồng minh.
Ngành công nghiệp bán dẫn đang chịu áp lực của Trung Quốc, từ các công ty nhà nước đến các hãng tư nhân mới thành lập, đang đưa ra các gói lương ấn tượng để thu hút các kỹ sư.
Theo trang SCMP, một kỹ sư chip Trung Quốc làm việc tại bờ biển phía tây nước Mỹ (có tên là Neo) cho biết mỗi ngày anh đều tự hỏi liệu có nên trở về nhà hay không.
“Câu trả lời luôn là không. Khối lượng công việc sẽ lớn hơn nhiều, nhưng lương có thể không cao. Đến nay, tôi không biết bất kỳ kỹ sư trẻ nào đã chọn quay trở lại Trung Quốc”, Neo nhấn mạnh.
Hầu hết kỹ sư trở về Trung Quốc vì đã chạm ngưỡng giới hạn tại Mỹ và có thể đảm bảo một vị trí cao hơn ở cấp phó chủ tịch hoặc điều hành trong một công ty Trung Quốc.
“Thường thì họ đã có thẻ xanh vào thời điểm đó, vì vậy họ có thể ở lại Trung Quốc lâu hơn nếu muốn, hoặc quay lại Mỹ sau một thời gian”, Neo cho hay.
Sự khác biệt trong văn hóa làm việc cũng là một cân nhắc quan trọng với Neo.
Với tư cách là người mới làm cha, Neo thường tham dự cuộc họp buổi sáng trên giường, trước khi ăn sáng, cho con nhỏ ăn và dắt chó đi dạo. Sau đó, anh mới đi vào văn phòng.
“Tôi không thể tưởng tượng mình sẽ làm được điều này nếu quay trở lại Trung Quốc. Bất cứ khi nào có vấn đề xảy ra ở Mỹ, mọi người đều tập trung vào việc tìm ra giải pháp hơn là lý do (người phải chịu trách nhiệm). Không ai cạnh tranh với nhau bằng cách ở lại văn phòng trong một thời gian dài hơn”, Neo nói.