Lý do Mỹ vội vã đạt thỏa thuận 'một phần' với TQ
Việc tiếp tục đánh thuế lên hàng hóa Trung Quốc sẽ gây 'nhiều tổn hại hơn cho nước Mỹ', và điều này đã thúc đẩy Washington khẩn trương theo đuổi thỏa thuận 'một phần'.
“Chính quyền Trump đã đề ra nhiều mức áp thuế khởi đầu nhằm gây tác động tiêu cực tới Trung Quốc hơn là Mỹ. Nhưng càng có nhiều mức thuế được áp đặt, thì Mỹ sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn Trung Quốc, và chính quyền Mỹ đang hiểu ra điều này”, tờ SCMP trích lời cựu Phó giám đốc Ủy ban Kinh tế Quốc gia Mỹ Clete Willems cho biết.
“Và tôi nghĩ rằng, có một sự công nhận giữa những người ở trong và ngoài Nhà Trắng rằng, các mức thuế mới sẽ gây bất lợi cho Mỹ hơn nữa so với các mức thuế cũ. Điều này đã tạo động lực nhằm giúp Mỹ cố gắng tìm hiểu xem, liệu có phương pháp nào tạo ra hiệu quả trước khi các mức thuế có hiệu lực”, ông Willems nói thêm.
Washington và Bắc Kinh tuần trước đã đạt được thỏa thuận thương mại ‘Giai đoạn 1’, nhằm đưa ra thời gian ‘đình chiến’ cho tranh chấp thương mại song phương, vốn đã gây hỗn loạn cho nhiều thị trường và làm dấy lên lo ngại kinh tế toàn cầu bị đình trệ.
Như một phần của thỏa thuận trên, Mỹ sẽ ngừng tăng mức thuế từ 25% lên 30% đối với số hàng nhập khẩu trị giá 250 tỷ USD, dự kiến sẽ áp thuế vào hôm 15 vừa qua. Tổng thống Trump cũng chưa quyết định có ngừng tăng thêm 15% thuế lên lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 160 tỷ USD, trong đó bao gồm các mặt hàng phổ biến như điện thoại thông minh, máy tính xách tay và tivi vào ngày 15/12 tới hay không.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump có thể sẽ không áp thuế, nếu thỏa thuận tạm thời được hoàn tất trước cuộc gặp giữa ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ diễn ra tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) giữa tháng 11 tới tại Chile.
Tuyên bố của ông Willems hoàn toàn trái ngược với thông báo của Nhà Trắng rằng các mức thuế là công cụ mang lại lợi ích cho Bộ Tài chính Mỹ. Thay vào đó, điều này phản ánh mối lo ngại, việc áp đặt thuế vào ngày 15/12 sẽ có thể tác động xấu tới nền tảng chính trị của ông chủ Nhà Trắng.
Trong khi đó, Bắc Kinh khăng khăng đòi Mỹ dỡ bỏ tất cả các mức thuế áp vào hàng hóa nước này như điều kiện cho bất kỳ thỏa thuận thương mại nào, bởi cuộc chiến thuế quan đang làm tổn hại tới cả hai nước. Ông Willems nhận định, các mức thuế dự kiến sẽ có hiệu lực hôm 15/12 sẽ được ngừng lại như một phần của ‘thỏa thuận giai đoạn 1’.
“Trên thực tế, Trung Quốc sẽ không ký bất kỳ một thỏa thuận nào vào ngày 15/11, nếu các mức áp thuế tăng lên trong ngày 15/12”, ông Willems nói,
Ngoài ra theo ông, trong khi thỏa thuận vừa qua dựa trên việc Trung Quốc sẽ mua một lượng lớn nông sản của Mỹ, thì động thái này sẽ bao gồm ‘những vấn đề cấu trúc’, như thị trường Trung Quốc mở cửa rộng hơn cho các sản phẩm thịt của Mỹ. Bởi các hàng nông sản trên đang gặp khó khăn khi được nhập vào thị trường Trung Quốc do sử dụng nhiều loại hoócmôn trong chăn nuôi.
Tuy nhiên ông Willems nhận định, với tinh thần dân tộc đang dâng cao ở Trung Quốc và ở một mức độ nào đó tại Mỹ, thì “những điều kiện chính trị hiện nay đang không có lợi cho một thỏa thuận thương mại lớn”. Điều này đồng nghĩa các vấn đề quan trọng, vốn tạo ra sự bất bình của Mỹ, như bảo hộ tài sản trí tuệ hay bắt buộc chuyển giao công nghệ sẽ được dành cho những bước thỏa thuận tiếp theo.
Và điều này khiến nhiều nhà phân tích cho rằng, Bắc Kinh mới chính là người chiến thắng ở thỏa thuận ‘giai đoạn 1’, khi Trung Quốc vừa ngăn chặn việc hàng hóa nước này bị đánh thuế nặng nề, lại vừa có thể mua được những hàng hóa mà nước này thật sự cần.
“Điều này khiến tôi có một chút lo lắng, bởi những thỏa thuận vừa qua không phải là những thỏa thuận cần thiết. Mỹ có thể có một thỏa thuận về diện rộng, nhưng mọi thứ sẽ bắt đầu rối lên khi nước này bắt đầu đi vào bản chất của vấn đề”, ông Stephen Olson thuộc Tổ chức Hinrich Foundation, người từng tham gia đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) nhận định.
Trong khi đó, Chủ tịch Liên minh vì một nước Mỹ thịnh vượng Dan DiMicco lại hoan nghênh về triển vọng của thỏa thuận ‘giai đoạn 1’. “Tuy nhiên, những người theo đường lối cứng rắn phía Trung Quốc vẫn chưa đồng ý với các điều khoản, và họ có thể từ chối thỏa thuận lần này, giống như đợt tháng 5 vừa qua”, ông DiMicco nói.
Phó Chủ tịch về Thương mại và Đầu tư Toàn cầu thuộc Ủy ban Ngoại thương Quốc gia Mỹ Jack Colvin lại nhận định rằng, thỏa thuận nhỏ trên là “bước đi đúng đắn nếu nó xây dựng lòng tin và mở đường cho sự tập trung mạnh mẽ hơn vào một thỏa thuận toàn diện”.
“Ngay cả khi một thỏa thuận nhỏ được đưa ra và thực hiện, các doanh nghiệp sẽ vẫn đối mặt với sự bất ổn và tình hình sẽ khiến họ phải chịu các mức thuế trong thời gian dài, và đây cũng sẽ là rào cản để làm ăn trong các lĩnh vực quan trọng ở Trung Quốc. Phải có một thỏa thuận rộng hơn, bao gồm một hướng đi nhằm loại bỏ hoàn toàn tất cả các mức thuế, và giải quyết các mối quan tâm hàng đầu của Mỹ về các hành vi thương mại của Trung Quốc”, ông Colvin nói.