Lý do nên bỏ xét tuyển sớm
Hầu hết chuyên gia đều cho rằng không nên tổ chức xét tuyển sớm, bởi tất cả nguyện vọng của thí sinh cuối cùng vẫn phải nhập lên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT.
Bộ GD&ĐT dự kiến bỏ xét tuyển sớm
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), giai đoạn trước đây, các trường đại học thường dành quá nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, trong khi đó chưa có những phân tích, căn cứ và minh chứng khoa học để đảm bảo sự công bằng giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển cho một ngành đào tạo.
Vừa qua, Bộ GD&ĐT ban hành dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non và đã nhận được rất nhiều ý kiến về vấn đề xét tuyển sớm. Hầu hết chuyên gia đều cho rằng không nên tổ chức xét tuyển sớm, bởi tất cả nguyện vọng của thí sinh cuối cùng vẫn phải nhập lên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT, thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng duy nhất, cao nhất có thể trong năng lực của mình, dù tham gia xét tuyển sớm hay không.
Xét tuyển sớm mang đến gánh nặng về nguồn lực đối với các nhà trường, đồng thời cũng là gánh nặng đối với thí sinh khi các em phải nộp hồ sơ rất vất vả ở nhiều trường khác nhau để tăng cơ hội, dù cơ hội đó vẫn được dành cho các em ngay trong đợt xét tuyển chung, khi được đặt số lượng nguyện vọng không giới hạn.
"Trong dự thảo, chúng tôi đang quy định việc xét tuyển sớm sẽ giới hạn chỉ tiêu khoảng 20%. Tuy nhiên, khi tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, chúng tôi dự kiến có thể không cần xét tuyển sớm nữa. Chỉ tiêu cho xét tuyển sớm sẽ nhỏ, dành cho những bạn học sinh có thành tích vượt trội, xuất sắc, có các giải thưởng quan trọng trong nước và quốc tế. Đây là đối tượng vượt trội, là lực lượng tài năng rất đặc biệt mà các trường đại học cần thu hút. Còn lại đa số thí sinh đều tham gia vào đợt xét tuyển chung theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy thông tin.
Nhiều trường đại học ủng hộ bỏ xét tuyển sớm
Sau khi có đề xuất bỏ hẳn xét tuyển sớm của Vụ Giáo dục đại học, nhiều trường đại học đã ủng hộ đề xuất này.
Theo PGS.TS Nguyễn Đào Tùng - Giám đốc Học viện Tài chính: "Bỏ xét tuyển sớm để tạo sân chơi chung an toàn cho tất cả các trường. Vì thời gian qua, việc xét tuyển sớm làm rối loạn các trường THPT. Khi các trường cạnh tranh xét tuyển sớm, học sinh lớp 12 sang học kì II là không tập trung học tập vì đã biết kết quả xét tuyển đại học. Chúng tôi không muốn vì cạnh tranh của các trường đại học mà bậc học phổ thông xáo trộn".
TS. Lê Anh Đức - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân cũng ủng hộ chủ trương bỏ xét tuyển sớm từ năm 2025. Bản chất là chuyển thời điểm xét tuyển về thời điểm công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Theo TS. Lê Anh Đức, ngoài tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT đối với thí sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế, các phương thức xét tuyển trong toàn hệ thống sẽ chỉ xét sau khi có kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Khi đó, các trường đại học rất thuận lợi vì đã có đầy đủ thông tin của thí sinh (điểm thi tốt nghiệp, học bạ, đối tượng và khu vực ưu tiên), tránh được những sai sót đáng tiếc về khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên.
Những năm trước, Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải xét tuyển sớm đối với phương thức xét học bạ THPT. "Trong dự thảo quy chế tuyển sinh năm nay, Bộ GD&ĐT khống chế chỉ tiêu xét tuyển sớm là 20%, con số này tính ra không nhiều đối với một số trường. Chúng tôi ủng hộ phương án bỏ xét tuyển sớm để các trường tập trung nguồn lực cho đợt xét tuyển chung", ông Ngô Quốc Trinh - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải cho biết.
Mới đây, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có kiến nghị, Bộ GD&ĐT cần làm rõ khái niệm "xét tuyển sớm" hoặc thay đổi khái niệm cho phù hợp với bản chất của hoạt động tuyển sinh vì hầu hết các thí sinh này đều chưa tốt nghiệp THPT trong năm học khi tham gia xét tuyển.
Các thí sinh này chỉ mới đáp ứng điều kiện "đủ" là đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của đại học, trường đại học mà chưa đạt điều kiện "cần" theo quy định trúng tuyển vào đại học là tốt nghiệp THPT.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ly-do-nen-bo-xet-tuyen-som-169250107220250992.htm