Lý do Nga điều chỉnh học thuyết hạt nhân

Trước những diễn biến mới trong cuộc xung đột Nga - Ukraine với sự can dự ngày càng sâu của các nước phương Tây, Nga đang lên kế hoạch thay đổi học thuyết hạt nhân để đối phó.

Hạ thấp ngưỡng vũ khí hạt nhân để cảnh tỉnh

Phát biểu khai mạc cuộc họp của Hội đồng An ninh Nga hôm 25-9 có sự tham dự của các quan chức cấp cao, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất thảo luận về việc cập nhật các nền tảng chính sách quốc gia trong lĩnh vực răn đe hạt nhân. Theo ông Putin, Nga có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị bất kỳ quốc gia nào tấn công và bất kỳ cuộc tấn công thông thường nào vào Nga được một cường quốc hạt nhân hỗ trợ sẽ được coi là một cuộc tấn công tập thể.

Tổng thống Putin tại phiên họp của Hội đồng An ninh Liên bang Nga hôm 25-9

Tổng thống Putin tại phiên họp của Hội đồng An ninh Liên bang Nga hôm 25-9

Về điều kiện để Nga chuyển sang sử dụng vũ khí hạt nhân, Tổng thống Putin cho hay Moskva sẽ cân nhắc động thái như vậy nếu phát hiện ra sự khởi đầu của một vụ phóng tên lửa, máy bay hoặc máy bay không người lái quy mô lớn nhằm vào Nga. Bên cạnh đó, ông Putin khẳng định, Nga cũng bảo lưu quyền sử dụng vũ khí hạt nhân nếu Nga hoặc Belarus là đối tượng của hành động xâm lược, bao gồm cả vũ khí thông thường.

Giải thích về những phát biểu của Tổng thống Putin, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, những thay đổi được công bố gần đây đối với học thuyết hạt nhân của Nga nên được coi là một tín hiệu cảnh báo đến phương Tây về những hậu quả của một cuộc tấn công, không nhất thiết phải bằng các phương tiện hạt nhân. Ông khẳng định: “Trên thực tế, cả thế giới đều biết rõ, những người nhạy cảm trên thế giới này đều biết rõ về tiềm năng hạt nhân của chúng tôi và vai trò răn đe của tiềm năng đó. Tất nhiên, việc răn đe hạt nhân đang được điều chỉnh có tính đến những yếu tố căng thẳng đang phát triển dọc theo chu vi biên giới của chúng tôi”.

Theo Học thuyết hạt nhân trước đây, được nêu trong sắc lệnh năm 2020 của Tổng thống Putin, Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp bị kẻ thù tấn công hạt nhân hoặc tấn công thông thường đe dọa sự tồn vong của nhà nước Nga. Tuy nhiên, nhiều giới chức và các nhà phân tích quân sự Nga từ lâu đã thúc giục ông Putin hạ thấp ngưỡng vũ khí hạt nhân để “cảnh tỉnh” những kẻ thù của Nga ở phương Tây.

Theo các nhà phân tích, những tuyên bố liên quan đến hạt nhân từ phía Nga xuất hiện trong bối cảnh Ukraine yêu cầu Mỹ và các đồng minh khác dỡ bỏ các hạn chế vũ khí tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga. Hiện tại, Ukraine không được phép sử dụng các tên lửa tầm xa do đồng minh cung cấp để tấn công các mục tiêu nằm sâu bên trong lãnh thổ Nga. Giải thích về những đề xuất thay đổi đối với học thuyết hạt nhân của Nga, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) Andrey Kartapolov cho biết, những thay đổi này “sẽ cho phép học thuyết này trở nên linh hoạt và hiệu quả hơn”. Ông nói thêm: “Những thay đổi được thực hiện nhằm đảm bảo rằng học thuyết này phù hợp với thực tế ngày nay”.

Theo một học giả người Nga, những sửa đổi sẽ làm tăng tính linh hoạt của học thuyết và “theo một nghĩa nào đó, sẽ mở rộng học thuyết”. Theo học giả này, có vẻ như yếu tố không chắc chắn sẽ được duy trì để tăng mức độ linh hoạt. Còn trên mạng xã hội Telegram, nhà phân tích Nga Sergey Markov cho biết, ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân hiện đã được hạ thấp. Ông nói thêm rằng Moskva bị thúc đẩy phải thay đổi học thuyết hạt nhân do “mối đe dọa leo thang toàn diện cuộc chiến của phương Tây chống lại Nga”.

Tăng cường nỗ lực ngăn chặn nguy cơ hạt nhân

Phản ứng trước những tuyên bố của Nga, cả Mỹ và châu Âu đều tỏ thái độ chỉ trích. Người phát ngôn chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Peter Stano cho biết, khối này bác bỏ những thay đổi được đề xuất đối với học thuyết hạt nhân của Nga và duy trì lập trường hiện tại về vấn đề này. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thì bày tỏ phản ứng tiêu cực với những cảnh báo của phía Nga.

Việc các cường quốc hạt nhân mâu thuẫn với nhau khiến thế giới lo ngại về nguy cơ từ kho vũ khí hạt nhân khổng lồ đang tồn tại trên toàn cầu. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), hiện trên thế giới vẫn còn khoảng 12.100 đầu đạn hạt nhân. Hơn một nửa dân số thế giới sống ở các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc là thành viên của các liên minh hạt nhân. Mặc dù số lượng vũ khí hạt nhân được triển khai đã giảm đáng kể so với thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, song tiến độ thực hiện các thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân giữa các nước sở hữu hầu như giậm chân tại chỗ.

Học thuyết răn đe hạt nhân vẫn tồn tại như một yếu tố trong chính sách an ninh của tất cả các quốc gia sở hữu và nhiều đồng minh. Các quốc gia sở hữu những loại vũ khí như vậy cũng đang có kế hoạch dài hạn để hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình.

Trong khi đó, các công cụ chủ chốt cấm phổ biến vũ khí hạt nhân là các hiệp ước quốc tế, như Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) và Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) đều tỏ ra không còn tác dụng. Đơn cử như tới nay, cả 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc đều chưa tham gia hiệp ước TPNW. Thêm vào đó, tháng 8-2019, Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà Mỹ và Liên Xô ký năm 1987, khiến một trong những văn kiện được xem như “chốt chặn” chiến tranh hạt nhân chính thức bị khai tử. Tiếp đó, ngày 21-2-2023, Nga tuyên bố sẽ đình chỉ việc tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START).

Chính vì thế, tại khóa họp thứ 79 Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phải đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm túc về tình trạng căng thẳng toàn cầu gia tăng và nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân tái diễn. Ông Guterres nhấn mạnh sự chia rẽ về địa chính trị và mất tin tưởng ngày càng tăng đã làm leo thang căng thẳng và thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới. Ông nói: “Thay vì đối thoại và ngoại giao để chấm dứt mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân, một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân khác đang hình thành và việc phô trương sức mạnh quân sự đang tái hiện như một chiến thuật cưỡng ép”.

Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế đưa ra thông điệp thống nhất và kiên quyết: cách duy nhất để loại bỏ mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân là loại bỏ chúng. Ông nhấn mạnh mối liên quan giữa giải trừ vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân, lưu ý rằng tiến triển trong hoạt động này sẽ thúc đẩy hoạt động kia. “Các quốc gia phải theo đuổi cả hai việc này một cách khẩn trương”, ông Guterres tuyên bố.

Đề cập đến trách nhiệm của các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, ông Guterres kêu gọi các nước này nêu gương bằng cách tôn trọng các nghĩa vụ giải trừ vũ khí và cam kết không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân hay đe dọa sử dụng chúng. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải củng cố và điều chỉnh các hiệp ước và công cụ hiện có nhằm ngăn chặn sự lan rộng và thử nghiệm vũ khí hạt nhân, đặc biệt trong bối cảnh những tiến bộ công nghệ có thể làm gia tăng mối đe dọa.

Hoàng Sơn

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ly-do-nga-dieu-chinh-hoc-thuyet-hat-nhan-post590902.antd