Lý do Nga không còn sử dụng cầu Crưm để vận chuyển thiết bị quân sự
Quan chức Ukraine cho rằng Nga biết cầu Crưm sẽ bị phá hủy nên đã sử dụng tuyến đường sắt mới để vận chuyển thiết bị quân sự cho quân đội.
Đây là nhận định của phát ngôn viên Bộ chỉ huy quân sự miền Nam Ukraine Dmitry Pletenchuk với tờ The Economist. Động thái của Nga diễn ra sau khi Mỹ cung cấp các Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân ATACMS mới có tầm bắn 300km cho Ukraine, khiến những mục tiêu có giá trị cao của Nga như cầu Kerch hay còn gọi là cầu Crưm vào tầm ngắm.
Hồi tháng 5, dựa trên hình ảnh vệ tinh, các chuyên gia từ tổ chức tình báo nguồn mở Molfar cho hay Nga đã ngừng sử dụng cầu Crưm, nối Nga với bán đảo Crưm bằng đường sắt và đường bộ, để vận chuyển khí tài quân sự trong khoảng thời gian từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 4.
Theo The Economist, Moscow đã nâng cấp tuyến đường sắt kéo dài từ thành phố Rostov của Nga, dọc theo Biển Azov, đi qua các thành phố của Ukraine nhưng Nga đang nắm quyền kiểm soát là Mariupol và Berdiansk, và kết thúc ở Crưm. Bán đảo Crưm thuộc Ukraine, nhưng đã sáp nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga hồi năm 2014.
Ông Pletenchuk cho rằng, “tuyến đường sắt dọc hành lang đất liền là sự thừa nhận của Nga về việc cầu Crưm sẽ bị phá hủy”.
Cũng theo The Economist, các ATACMS tầm xa do Mỹ cung cấp có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi trong nỗ lực giành lại bán đảo Crưm của các lực lượng Ukraine. Thậm chí, Ukraine được cho đã sử dụng ATACMS tầm xa để tiêu diệt hơn 100 binh sĩ Nga ở Luhansk vào tháng 5.
Trên thực tế, Ukraine từ lâu đã đe dọa khiến cầu Crưm không thể hoạt động. Hồi tháng 10/2023, Bộ Quốc phòng Anh nhận định, cây cầu sẽ là "gánh nặng an ninh đáng kể" đối với Nga trong tương lai. Thậm chí, ông Oleksii Neizhpapa, Tư lệnh Hải quân Ukraine, còn khẳng định sẽ phá hủy cầu Crưm vào cuối năm nay.