Lý do Nga sẽ không sử dụng quân đội tấn công lớn vào lãnh thổ Ukraine

Phương Tây quá mẫn cảm trong khi Nga vốn rất thận trọng

Một chiến dịch tấn công quy mô lớn là điều không mang lại lợi ích cho Nga trong vấn đề Ukraine. Lịch sử 2 thập kỷ qua cho thấy, Nga áp dụng chính sách tính toán kỹ càng về hiệu quả chi phí nên sẽ không mạo hiểm phiêu lưu quân sự.

Năm vừa qua, khi Nga tập trung quân dọc theo biên giới với Ukraine, nhiều người tỏ ra lo ngại về khả năng nổ ra một cuộc xâm chiếm nào đó. Nhiều nhà lãnh đạo phương Tây đã liên tục lặp lại cảnh báo về kịch bản này.

Đến nay (đầu năm 2022), Moscow đã phủ nhận mình có ý định hành động như vậy (đưa quân vào Ukraine) mặc dù họ chưa rút quân khỏi vùng biên giới. Một số nhà quan sát giải thích rằng các tuyên bố phủ nhận như vậy của Nga là không đúng sự thật và họ thậm chí còn tố giới chức Nga đang chuẩn bị một cuộc tấn công “cờ giả” (tức là ngụy tạo việc đối phương tấn công mình để lấy cớ đáp trả bằng quân sự - ND).

Đoàn xe thiết giáp của Nga ở Crimea vào tháng 1/2022. Ảnh: AP.

Đoàn xe thiết giáp của Nga ở Crimea vào tháng 1/2022. Ảnh: AP.

Tuy nhiên nếu xem xét kỹ động thái địa chính trị của Nga trong 2 thập kỷ qua thì có thể thấy giới chức Nga không việc gì phải nói sai với cộng đồng quốc tế. Đối với Nga, một cuộc chiến tranh quy mô lớn ở Ukraine không phù hợp với cách thức mà Nga bấy lâu nay sử dụng sức mạnh cứng trong các ván cờ địa chính trị. Các trường hợp đã xảy ra ở Gruzia, Syria, Libya, và cho tới nay ở Ukraine đều cho thấy Nga có xu hướng theo đuổi một chính sách hiệu quả về mặt chi phí.

Trong mỗi trường hợp, chính phủ Nga đều hiểu rõ rủi ro trên thực địa. Họ đã phân tích thận trọng về ích lợi và chi phí, vạch ra những mục tiêu rõ ràng và có tính giới hạn trong việc sử dụng sức mạnh cứng.

Chính sách chú ý đến hiệu quả chi phí là một sự lựa chọn mang tính tự giác cao của Nga bởi lẽ giới hoạch định chính sách của Nga hiểu rõ rằng họ không có đủ phương tiện cần thiết để duy trì một cuộc chiến quy mô lớn.

Chi phí tối thiểu của Nga trong các vụ Gruzia, Syria, Libya trước đây

Nga đã thực hiện các tính toán về chi phí trước khi nổ ra cuộc chiến tranh Gruzia vào năm 2008, trong đó Nga đứng về phe nổi dậy ở khu vực ly khai Nam Ossettia và Abkhazia đối đầu với chính quyền Gruzia.

Thời đó, lực lượng Nga đối mặt với một đối thủ không thực sự đáng sợ và họ dễ dàng đánh bại quân Gruzia ở Nam Ossetia chỉ trong vài ngày. Quân đội Nga sau đó vượt ranh giới tiến vào lãnh thổ Gruzia, tiến công thành phố Gori rồi dừng lại. Khi đạt được mục tiêu là đẩy quân Gruzia ra khỏi Nam Ossetia và Abkhazia, Moscow sẵn sàng mở cửa cho quá trình trung gian hòa giải của châu Âu.

Lúc đó, quân Nga hoàn toàn có khả năng chia cắt Gruzia làm đôi, giành quyền kiểm soát đối với các tuyến trung chuyển dầu khí từ Azerbaijan tới Thổ Nhĩ Kỳ và làm tê liệt nền kinh tế và hệ thống chính trị của Gruzia, rồi dùng những thắng lợi này để mặc cả buộc chính phủ Gruzia phải công nhận nền độc lập của các vùng ly khai nói trên. Nhưng các chi phí cho các chiến dịch đó ở cấp khu vực và toàn cầu là quá lớn đối với Nga nên trên thực tế họ đã dừng lại ở một chiến dịch có giới hạn.

Nga cũng có cách tiếp cận tương tự khi can thiệp vào Syria để bảo vệ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad vào năm 2015. Moscow không triển khai một lực lượng lục quân đông đảo như Mỹ từng làm ở Afghanistan và Iraq. Thay vào đó, Nga giới hạn sức mạnh cứng của mình vào hoạt động của máy bay tiêm kích, lực lượng đặc nhiệm, lực lượng đánh thuê, cố vấn quân sự, và tàu hải quân. Để giảm nguy cơ hơn nữa, các nhà ngoại giao Nga đã tích cực tương tác với nhiều bên như Mỹ, Israel, và Thổ Nhĩ Kỳ ở các giai đoạn khác nhau của cuộc chiến. Các nỗ lực ngoại giao này hướng tới việc đảm bảo phiến quân Syria không được cung cấp các vũ khí phòng không, từ đó bảo đảm ưu thế trên không của các lực lượng Nga và Syria.

Hồi đó, việc Nga oanh tạc mở rộng vào các khu vực do phiến quân kiểm soát đã yểm trợ hiệu quả cho quân chính phủ Syria và giúp họ chuyển từ phòng ngự sang tiến công. Chỉ trong vài tháng, lực lượng Syria được quân Nga và Iran hậu thuẫn, đã có khả năng tái chiếm nhiều lãnh thổ rộng lớn. Trong ba năm tiếp theo, quân đội Syria đã đẩy được phiến quân ra khỏi 7 thành trì và giới hạn sự hiện diện của phiến quân vào khu vực tây bắc của quốc gia Tây Á này. Nga đạt được mục tiêu của mình – bảo tồn chế độ của ông Assad, với một chi phí tối thiểu, cả về phương diện tài chính lẫn thương vong. Ngoài ra, Nga còn thu được các thành quả ngoại giao trước các cường quốc phương Tây trên trường quốc tế.

Khi được mời can thiệp vào xung đột Libya, Nga thậm chí còn cam kết ít hơn nhưng vẫn thu được nhiều thành quả. Sự tham gia của Nga chỉ giới hạn ở hoạt động triển khai lính đánh thuê và cung cấp vũ khí cho tướng Khalifa Haftar, khi ấy kiểm soát khu vực phía đông của đất nước Libya. Mặc dù cuộc tiến công của tướng Haftar vào thủ đô Tripoli cuối cùng thất bại, Nga vẫn không rơi vào thế của bên thua cuộc. Ngược lại, Nga đặt được mình vào thế trung gian hòa giải giữa chính phủ Libya và tướng Haftar, giành được một vị trí đáng kể trên bàn đàm phán, cùng với các bên liên quan, cả trong khu vực lẫn ở phương Tây.

Nguồn: VOV

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/352845-ly-do-nga-se-khong-su-dung-quan-doi-tan-cong-lon-vao-lanh-tho-ukraine