Lý do nhiều vận động viên sử dụng cần sa
Cần sa được xem là chất cấm trong thi đấu thể thao ở nhiều nơi. Dẫu vậy, nhiều VĐV vẫn lựa chọn hút cần như một cách để giải tỏa và tăng hiệu suất thể thao.
Ngày 30/8, tờ Straits Times cho biết Ủy ban Thể thao Singapore tiết lộ hai vận động viên bơi lội Joseph Schooling và Amanda Lim đã sử dụng cần sa trong khi thi đấu hồi tháng 5. Kết luận này được Cục Ma túy Singapore (CNB) đưa ra sau quá trình điều tra và được chính cả hai tay bơi này thừa nhận.
Ngay sau đó, Schooling đã đăng đàn xin lỗi công chúng và thừa nhận hành vi sử dụng ma túy bên ngoài lãnh thổ Singapore. Truyền thông cho rằng sự nghiệp của kình ngư này đã chấm dứt vì vết nhơ sử dụng cần sa trong khi thi đấu.
Đây là hiện tượng thậm chí rất phổ biến ở giới thể thao và cũng có nhiều quan điểm trái chiều xoay quanh việc hút cần sa trước khi thi đấu.
“Vết nhơ” sự nghiệp vì sử dụng cần sa
Tháng 7/2021, Sha’Carri Richardson cay đắng nhận án phạt cấm thi đấu một tháng vì mẫu thử cho kết quả dương tính với tetrahydrocannabinol (THC), thành phần chính trong cần sa. Điều đáng tiếc là sự việc xảy ra ngay sau cuộc thi tuyển chọn điền kinh Mỹ cuối tháng 6/2021. Lúc này, vận động viên 21 tuổi này đạt thành tích rất tốt là 10,86 giây, trở thành người phụ nữ chạy nhanh thứ 6 trong lịch sử và là nữ vận động viên người Mỹ chạy nhanh nhất năm 2021.
Trong cuộc phỏng vấn với NBC, nữ vận động viên tâm sự cô đã rất sốc khi biết tin mẹ qua đời trong lúc cô đang thi đấu tuyển chọn điền kinh Mỹ ở Oregon tuần trước. Đó là lý do Sha’Carri Richardson tìm đến cần sa để “cân bằng cảm xúc”.
Nhưng với nguyên nhân nào đi chăng nữa, sự việc này đã khiến ngôi sao tốc độ lỡ hẹn với mục tiêu giành huy chương vàng 100 m Olympic Tokyo 2020.
Tháng 11/2008, tức 3 tháng sau thành công vang dội tại Olympic Bắc Kinh, sự nghiệp đang lên của Michael Phelps vướng phải rắc rối lớn khi anh bị phát hiện hút một ống cần sa trong bữa tiệc ở Đại học South Carolina - nơi cô bạn gái Jordan Matthews của anh theo học vào thời điểm đó.
"Siêu kình ngư" người Mỹ đã lên tiếng xin lỗi nhưng không thể thay đổi được quyết định của Liên đoàn Bơi lội Mỹ. Michael Phelps bị cấm tham dự mọi cuộc thi trong 3 tháng, đồng thời cắt toàn bộ lương và trợ cấp của anh trong thời gian này. Chưa dừng ở đó, vận động viên sinh năm 1985 còn bị cắt nhiều hợp đồng quảng cáo dẫn đến thiệt hại hàng triệu USD.
"Tôi thật xấu hổ. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng. Tôi sẽ trưởng thành hơn sau sự cố này", Phelps phát biểu.
Theo cuốn sách “Runner’s High” của Josiah Hesse, việc sử dụng cần sa rất phổ biến trong các môn thể thao chuyên nghiệp. Cựu cầu thủ bóng rổ Kenyon Martin ước tính 85% cầu thủ ở NBA sử dụng ma túy.
Tại NBA, không ít các cầu thủ nhà nghề sử dụng cần sa nhưng một cách thư giãn đầu óc. Cựu cầu thủ Kevin Durant tiết lộ những ngôi sao nổi tiếng thích thú những khói đê mê, họ thường hút cần trước và sau trận đấu để giải tỏa.
Việc sử dụng cần sa thậm chí ở phổ biến nhất trong NFL khi Dallas Cowboys Martellus Bennett tuyên bố gần 90% cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp dựa vào nó, chủ yếu là để kiểm soát cơn đau, thay vì sử dụng opioid vốn dễ gây tác dụng phụ nghiêm trọng và gây nghiện.
Tác động của cần sa
Theo Healthline, hoa của cây cần sa được sử dụng cho mục đích giải trí hoặc y học. Thân cây được dùng trong công nghiệp và hạt sử dụng cho sản xuất thực phẩm, gia dụng.
Viện Quốc gia về Lạm dụng Ma túy (NIDA) của Mỹ xếp cần sa vào chất gây nghiện được sử dụng nhiều thứ 3 sau thuốc lá và rượu. Đặc biệt, giới trẻ sử dụng chất này ngày càng nhiều. Năm 2018, hơn 11,8 triệu thanh niên ở Mỹ hút cần sa.
Khi một người hút chất này, tetrahydrocannabinol sẽ di chuyển trong máu và kết nối với các thụ thể cannabinoid trên tế bào thần kinh, dẫn đến cảm giác “lâng lâng”. Chất này cũng ảnh hưởng đến phần não kiểm soát trí nhớ, sự tập trung, niềm vui và sự phối hợp. Những tác động tức thời sau khi sử dụng thuốc có thể là mất phối hợp, khó tư duy và méo mó nhận thức.
Hiện nay, không có nhiều nghiên cứu chứng minh cần sa giúp nâng cao thành tích thể thao. Nhiều bằng chứng cho thấy THC ảnh hưởng tiêu cực đến sự phối hợp giữa tay và mắt, sự tập trung và sức bền. Tuy nhiên, Cơ quan chống doping thế giới (WADA) cho biết cần sa tăng hiệu suất thi đấu vì nó có thể giúp một số vận động viên thư giãn, tập trung trước khi thi đấu. Điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả.
Theo Viện Quốc gia về Lạm dụng Ma túy, cần sa có tác động ngắn hạn và dài hạn với não bộ. Khi ai đó hút cần sa, THC nhanh chóng đi từ phổi vào máu. Máu mang hóa chất này đến não và các cơ quan khác trong cơ thể. Cơ thể hấp thụ THC chậm hơn khi người bệnh ăn hoặc uống nó. Do đó, họ sẽ cảm thấy sự tác động sau 30-60 phút.
Cần sa kích hoạt các bộ phận của não, gây cảm giác “high” với những hiệu ứng khác như thay đổi giác quan (nhìn thấy màu sắc sáng hơn), thay đổi cảm giác về thời gian, thay đổi tâm trạng, giảm chuyển động của cơ thể, khó tư duy hay giải quyết vấn đề, giảm trí nhớ. Đặc biệt, nếu dùng liều cao, chúng ta có thể sinh ảo giác, ảo tưởng. Nếu sử dụng thường xuyên với liều cao, nhiều người sẽ bị rối loạn tâm thần.
Cần sa cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ. Khi mọi người bắt đầu sử dụng cần sa ở tuổi thanh thiếu niên, loại ma túy này có thể làm giảm chức năng tư duy, trí nhớ, học tập và ảnh hưởng đến cách não bộ xây dựng kết nối giữa các khu vực cần thiết. Các nhà nghiên cứu vẫn đang xem xét tác dụng của cần sa kéo dài bao lâu và liệu một số thay đổi có thể là vĩnh viễn hay không.
Một nghiên cứu từ New Zealand do nhóm chuyên gia tại Đại học Duke cho thấy những người bắt đầu hút cần sa nhiều ở tuổi thiếu niên và mắc chứng rối loạn sử dụng cần sa liên tục trung bình bị mất 8 điểm IQ trong độ tuổi từ 13 đến 38. Con số này không bao giờ trở lại ngay cả khi họ bỏ cần sa ở tuổi trưởng thành.
Việc sử dụng cần sa cũng gây nhiều tác động cả về thể chất và tinh thần.
Các vấn đề về hô hấp: Khói cần sa gây kích ứng phổi. Những người hút cần sa thường xuyên có thể gặp vấn đề về hô hấp như những người hút thuốc lá, gồm ho, có đờm hàng ngày, mắc bệnh phổi thường xuyên và nguy cơ nhiễm trùng phổi cao hơn.
Tăng nhịp tim: Cần sa làm tăng nhịp tim lên đến 3 giờ sau khi hút. Tác động này có thể khiến nguy cơ đau tim cao hơn.
Vấn đề về sự phát triển thai nhi và trẻ sơ sinh: Một nghiên cứu cho thấy 20% phụ nữ mang thai tiết lộ họ sử dụng cần sa. Các chuyên gia y tế lo ngại việc sử dụng cần sa trong thời kỳ mang thai có thể gây sụt cân sau sinh, tăng nguy cơ mắc các vấn đề về não, hành vi của trẻ sơ sinh. Trẻ em tiếp xúc với cần sa khi còn trong bụng mẹ có nguy cơ mắc các vấn đề về chú ý, trí nhớ...
Buồn nôn và nôn dữ dội: Sử dụng cần sa thường xuyên, lâu dài có thể gây hội chứng buồn nôn do cannabinoid. Người bệnh sẽ trải qua các chu kỳ buồn nôn, nôn và mất nước nghiêm trọng, một số thậm chí phải nhập viện cấp cứu.
Đặc biệt, sử dụng cần sa lâu dài có thể gây bệnh tâm thần như ảo giác tạm thời, hoang tưởng tạm thời, tâm thần phân liệt... Đây cũng là thủ phạm khiến nguy cơ trầm cảm, lo lắng, tự tử ở thanh thiếu niên cao hơn.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ly-do-nhieu-van-dong-vien-su-dung-can-sa-post1351199.html