Lý do ông Trump dọa áp thuế khủng với EU, Mỹ có nhiều thứ để mất, khối 27 thành viên sở hữu đòn bẩy như Trung Quốc

Ngày 24/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế 50% đối với hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU) kể từ ngày 1/6. Mức này gấp 2,5 lần thuế đối ứng mà Washington áp với khối 27 thành viên.

Thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và EU "có vẻ khó đạt được hơn" so với Anh và Trung Quốc.(Nguồn: Getty Images)

Thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và EU "có vẻ khó đạt được hơn" so với Anh và Trung Quốc.(Nguồn: Getty Images)

Tháng 4/2025, ông chủ Nhà Trắng đã công bố mức thuế 20% đối với hàng châu Âu nhưng hoãn áp dụng để tạo điều kiện đàm phán. Do đó, hàng hóa của khối 27 thành viên nhập khẩu vào nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện chịu thuế quan 10% như hầu hết các nước, cùng với mức 25% áp lên ô tô, thép và nhôm.

Hôm 23/5, vài giờ trước cuộc gọi giữa Ủy viên Thương mại EU Maros Sefcovic và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer, ông Trump dọa tăng thuế với lý do "rất khó đàm phán" và "các cuộc thảo luận đang chẳng đi đến đâu".

Trước đó vài hôm, Brussels đã gửi Washington danh sách cập nhật các nhượng bộ mà khối sẵn sàng chấp nhận để có một thỏa thuận thương mại tương tự Mỹ đã đạt được với Anh và Trung Quốc.

Trọng tâm đề xuất là thỏa thuận trị giá khoảng 50 tỷ EUR, gồm việc EU mua thêm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và đậu nành để giảm thâm hụt thương mại với Mỹ, áp dụng mức thuế 0% đối với ô tô, hàng công nghiệp hoặc hợp tác chiến lược về năng lượng, trí tuệ nhân tạo và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số như 5G.

Ngoài ra, khối đưa ra các cam kết về quyền lao động quốc tế, tiêu chuẩn môi trường và an ninh kinh tế.

Nhưng phản ứng cho thấy loạt đề xuất chưa đủ hấp dẫn. Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer nói rằng, danh sách nói trên không đáp ứng kỳ vọng của Mỹ.

Hãng nghiên cứu Capital Economics (Anh) cảnh báo, thỏa thuận thương mại giữa nền kinh tế lớn nhất thế giới và khối 27 thành viên "có vẻ khó đạt được hơn" so với Anh và Trung Quốc.

Hãng trên chỉ rõ, rào cản là thặng dư thương mại hàng hóa lớn của khối với Mỹ.

Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, vào 2024, Mỹ thâm hụt thương mại hàng hóa với EU là 235,6 tỷ USD, tăng 12,9% so với 2023.

Dữ liệu năm 2023 từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) thì đưa ra mức thặng dư hàng hóa 157 tỷ EUR. Tuy nhiên, Mỹ thặng dư 109 tỷ EUR về dịch vụ với EU.

Viết trên Truth Social, người đứng đầu nước Mỹ cho rằng, châu Âu có các rào cản thương mại mạnh mẽ, hình phạt doanh nghiệp vô lý, rào cản thương mại phi tiền tệ, thao túng tiền tệ, các vụ kiện không công bằng và vô lý đối với các công ty Mỹ.

Theo Ngân hàng ING (Hà Lan), hiện không thể suy đoán về diễn biến tiếp theo vì mọi khả năng đều có thể xảy ra, từ việc đạt được thỏa thuận cho đến leo thang thêm nữa.

Dù vậy, các chuyên gia cho rằng vẫn có nhiều lý do để ông Trump cân nhắc xuống thang.

Ông Miguel Otero, nghiên cứu viên cao cấp về kinh tế chính trị quốc tế tại Viện Elcano Royal (Tây Ban Nha) tin rằng, đất nước của Tổng thống Trump "có rất nhiều thứ để mất" nếu thương chiến xuyên Đại Tây Dương bùng nổ.

Theo ông, EU đang thâm hụt lớn về dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính, kỹ thuật số và nền tảng giải trí.

"Washington không thể để mất thị trường châu Âu. Nếu khối này hành động như một thực thể duy nhất, thì có nhiều đòn bẩy tương tự như Trung Quốc", ông nhận định.

(theo DW, Reuters)

Việt An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ly-do-ong-trump-doa-ap-thue-khung-voi-eu-my-co-nhieu-thu-de-mat-khoi-27-thanh-vien-so-huu-don-bay-nhu-trung-quoc-315429.html