Thương chiến Mỹ - EU: Đòn giáng mới từ Tổng thống Trump và rạn nứt khó hàn gắn

Lời đe dọa áp thuế sốc của Tổng thống Trump đang đẩy quan hệ thương mại Mỹ - EU đến bờ vực chiến tranh thương mại. Vì sao EU bị nhắm tới và Trung Quốc liên quan thế nào?

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (trái) trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Davos, Thụy Sĩ, ngày 21/1/2020. Ảnh: AP/TTXVN

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (trái) trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Davos, Thụy Sĩ, ngày 21/1/2020. Ảnh: AP/TTXVN

Mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vốn luôn là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, những căng thẳng đã liên tục bùng phát, đỉnh điểm là lời đe dọa áp thuế 50% đối với hàng nhập khẩu từ EU. Theo Wall Street Journal ngày 24/5, động thái này không chỉ gây bất ngờ mà còn hé lộ những bất đồng sâu sắc về cách tiếp cận thương mại, quy định và mối quan ngại về Trung Quốc giữa hai bên.

Những lý do đằng sau sự thất vọng của Mỹ

Nhóm cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump đã không ngừng bày tỏ sự thất vọng về tốc độ đàm phán chậm chạp và sự miễn cưỡng của EU trong việc giải quyết các mối quan ngại của Mỹ. Theo các nguồn tin thân cận từ chính quyền Trunp, các vấn đề chính bao gồm:

Thứ nhất, tiến độ đàm phán chậm chạp: Các cố vấn của ông Trump cho rằng sự khác biệt về ưu tiên thương mại giữa 27 quốc gia thành viên EU đã làm chậm đáng kể các cuộc đàm phán. Họ cũng phàn nàn về thái độ thận trọng và thiếu đề xuất cụ thể từ phía EU.

Thứ hai, các vấn đề cụ thể chưa được giải quyết: Mỹ muốn EU giải quyết các vấn đề như phí dịch vụ phát trực tuyến, thuế giá trị gia tăng, quy định về ô tô và đặc biệt là các khoản tiền phạt chống độc quyền áp dụng đối với các công ty Mỹ. Tổng thống Trump từng gọi các khoản tiền phạt này là "thuế đối với các công ty Mỹ" và cho rằng EU "được thành lập để lừa gạt Mỹ".

Thứ ba, vấn đề Trung Quốc: Một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Trump là thúc đẩy EU áp dụng mức thuế mới đối với các ngành công nghiệp của Trung Quốc, nhằm gia tăng áp lực thương mại lên Bắc Kinh. Mặc dù EU đã bày tỏ thiện chí giải quyết, nhưng Mỹ vẫn chưa nhận được cam kết cụ thể nào. Điều này càng trở nên rõ ràng khi Vương quốc Anh, sau khi đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ, đã đồng ý áp thuế đối với thép của Trung Quốc.

Đòn giáng bất ngờ và phản ứng của EU

Ngày 23/5, Tổng thống Trump đã bất ngờ đe dọa áp thuế 50% đối với hàng nhập khẩu từ châu Âu bắt đầu từ ngày 1/6 tới, thông qua một bài đăng trên mạng xã hội. Động thái này khiến các quan chức và nhà ngoại giao EU ngỡ ngàng, bởi trước đó, họ đã bày tỏ sự lạc quan về những tín hiệu tích cực trong các cuộc đàm phán.

Phản ứng của EU khá thận trọng nhưng kiên quyết. Đại diện Thương mại EU Maroš Šefčovič khẳng định khối này đang tham gia đầy đủ vào các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, nhưng sẵn sàng bảo vệ lợi ích của mình. Ông nhấn mạnh thương mại song phương phải được hướng dẫn bởi sự tôn trọng lẫn nhau, không phải là đe dọa. Một quan chức EU cũng cho biết Trung Quốc không phải là điểm bế tắc chính trong các cuộc đàm phán.

Sự căng thẳng giữa hai bên còn xuất phát từ sự khác biệt căn bản trong chiến lược đàm phán. Tổng thống Trump nổi tiếng với chiến thuật thẳng thắn, quyết liệt và muốn đạt được thỏa thuận nhanh chóng. Ngược lại, EU áp dụng cách tiếp cận nghiêm túc, hướng đến quy trình và thường xuyên tham vấn với 27 quốc gia thành viên để đảm bảo sự đồng thuận. Quá trình này, mặc dù cần thiết, nhưng lại khiến tiến độ chậm chạp, trở thành nguồn gốc chính gây thất vọng cho chính quyền Trump.

Ví dụ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã bày tỏ lo ngại về tốc độ đàm phán thương mại với các quan chức EU. Ngoài ra, EU đã kiên quyết giữ vững lập trường về thuế giá trị gia tăng cùng các quy định về y tế và kỹ thuật số, mặc dù bị chính quyền Trump chỉ trích.

Mặc dù cả Mỹ và EU đều có chung mối quan ngại về các hoạt động thương mại của Trung Quốc, đặc biệt là các khoản trợ cấp nhà nước, nhưng cách tiếp cận của họ lại khác nhau. Mỹ muốn thúc đẩy các đối tác thương mại trừng phạt Trung Quốc thông qua các cuộc đàm phán về thuế quan có đi có lại, đồng thời hạn chế sự tham gia của Trung Quốc vào các ngành công nghiệp chiến lược. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu quan trọng của EU, và các nhà lãnh đạo châu Âu không muốn phát động một cuộc chiến thương mại rầm rộ với Bắc Kinh.

Lời đe dọa áp thuế của Tổng thống Trump, dù chưa rõ có được thực hiện hay không, đã thổi bùng ngọn lửa trong EU. EU đã từng chấp thuận áp mức thuế đối với 21 tỷ euro hàng nhập khẩu của Mỹ, và đề xuất nhắm mục tiêu vào loạt hàng hóa thứ hai trị giá lên tới 95 tỷ euro nếu các cuộc đàm phán đổ vỡ.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/thuong-chien-my-eu-don-giang-moi-tu-tong-thong-trump-va-ran-nut-kho-han-gan-20250525112025388.htm