Lý do quan hệ Ấn Độ - Nga cần hướng tới một quỹ đạo mới
Ấn Độ đã tăng cường quan hệ với Nga bất chấp áp lực của phương Tây - nhưng để đưa quan hệ lên một tầm cao mới, các vấn đề về cơ cấu phải được giải quyết. Dưới đây là lý do tại sao quan hệ Ấn Độ - Nga cần hướng tới một quỹ đạo mới.
Kệnh RT (Nga) ngày 7/1 đưa tin, quan hệ giữa New Delhi và Moskva vẫn phát triển ổn định bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Theo nhận định của Tiến sĩ Arvind Gupta, Giám đốc tổ chức tư vấn Vivekananda International Foundation (VIF) có trụ sở ở New Delhi, để thực hiện quyền tự chủ chiến lược của mình, Ấn Độ, bất chấp sự thất vọng của phương Tây, đã kiềm chế không công khai chỉ trích các hành động quân sự của Nga ở Ukraine.
Tiến sĩ Gupta lưu ý rằng căng thẳng toàn cầu hiện đang tăng cao và các cơ chế giải quyết chúng chưa hiệu quả. Cuộc xung đột Ukraine đang diễn ra và cuộc chiến Israel-Hamas đã bộc lộ sự bất lực của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết xung đột và giảm bớt căng thẳng. Hầu hết các cơ chế đa phương đều hoạt động không hiệu quả khi thế giới trở nên phân mảnh và phân cực theo nhiều trục.
Nguy cơ xảy ra xung đột quân sự trên diện rộng là rất lớn. Các cơ chế kiểm soát vũ khí và giải trừ vũ khí không tồn tại hoặc ở trạng thái bế tắc. Kho vũ khí hạt nhân và tên lửa toàn cầu đang được mở rộng với tốc độ nhanh chóng. Nguy cơ vũ khí hóa không gian mạng và vũ trụ cũng gia tăng. Việc sử dụng bừa bãi các biện pháp trừng phạt như một vũ khí gây ra sự gián đoạn kinh tế và xã hội trên toàn cầu.
Xu hướng mới trong quan hệ song phương
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar tới Moskva từ ngày 25-29/12/2023 đã tái khẳng định mối quan hệ Ấn Độ-Nga vẫn lành mạnh bất chấp những bất ổn địa chính trị hiện nay trên thế giới. Ộng Jaishankar đã gặp Tổng thống Vladimir Putin, người bày tỏ sự hài lòng về tình trạng quan hệ hai bên và mời Thủ tướng Narendra Modi đến thăm Nga. Ông Putin cho biết đã nghiên cứu các đề xuất của Ấn Độ liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Truyền tải thông điệp của Thủ tướng Modi tới Tổng thống Putin, ông Jaishankar mô tả mối quan hệ giữa hai quốc gia là “rất bền chặt, rất ổn định” do sự hội tụ các lợi ích chiến lược. Nhân dịp này, ngoại trưởng hai nước cũng trao đổi quan điểm về các vấn đề toàn cầu và khu vực.
Khi môi trường quốc tế thay đổi, Nga và Ấn Độ đang thực hiện các bước để làm sâu sắc hơn nữa “quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt” được thiết lập vào năm 2010. Sự hợp tác của họ liên quan đến nhiều chủ đề, bao gồm năng lượng, quốc phòng và an ninh, thương mại và đầu tư, giáo dục và văn hóa, khoa học và công nghệ, các vấn đề toàn cầu và khu vực, cũng như kết nối.
Một khuôn khổ thể chế mạnh mẽ cho trao đổi song phương đã được thiết lập. Điều này bao gồm các cuộc họp và tương tác cấp cao thường xuyên thông qua Ủy ban liên chính phủ Ấn Độ-Nga về hợp tác thương mại, kinh tế, khoa học, công nghệ và văn hóa, cũng như Ủy ban liên chính phủ Ấn Độ-Nga về hợp tác quân sự và kỹ thuật. Một số nhóm công tác chuyên môn cũng đã được thành lập.
Cải tiến mới nhất là cơ chế "2 + 2" với sự tham gia của bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao của cả hai bên. Cuộc họp đầu tiên dưới định dạng này tổ chức tại Delhi vào năm 2021. Hai nước cũng hợp tác với nhau theo các khuôn khổ đa phương của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), BRICS, RIC (Nga-Trung Quốc-Ấn Độ), G20 và Liên hợp quốc. Ấn Độ cũng đã bắt đầu thảo luận về hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á-Âu do Nga đứng đầu.
Nhờ sự hợp tác này, mối quan hệ song phương đã phát triển mạnh mẽ hơn. Thương mại hai chiều được dự báo vượt 50 tỷ USD giai đoạn 2023-2024. Nga hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ. Cả hai bên cũng đặt mục tiêu đầu tư song phương là 50 tỷ USD vào năm 2025. Nga đã nổi lên là nhà cung cấp dầu thô hàng đầu cho Ấn Độ, đặc biệt kể từ khi nổ ra xung đột ở Ukraine. Ấn Độ là nhà cung cấp dược phẩm lớn cho Nga. Nga đang xây dựng 6 nhà máy điện hạt nhân ở Ấn Độ, hai trong số đó đã được đưa vào vận hành và hai nhà máy còn lại sắp hoàn thành.
Hợp tác quốc phòng là trụ cột chính trong quan hệ Ấn Độ-Nga trong nhiều thập kỷ. Mối quan hệ đang thay đổi từ người mua-người bán sang quan hệ đối tác trong việc cùng sản xuất và cùng phát triển phần cứng quân sự. Hiện Ấn Độ đang sản xuất máy bay chiến đấu SU30 MKI và xe tăng T90 ở Ấn Độ theo giấy phép của Nga.
Ấn Độ đã mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga bất chấp áp lực của Mỹ. Các công ty Nga đang tìm cách tham gia vào chương trình "Sản xuất tại Ấn Độ" đầy tham vọng của New Delhi nhằm tăng cường sản xuất khí tài quân sự trong nước. Nga cũng đã bắt đầu xuất khẩu phân bón sang Ấn Độ, qua đó tăng cường an ninh lương thực cho Ấn Độ. Đây là một vài ví dụ về sự hợp tác thành công trong những năm gần đây.
Điều đáng chú ý là mối quan hệ của Ấn Độ với Nga vẫn phát triển ổn định bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Thực hiện quyền tự chủ chiến lược, Ấn Độ - bất chấp sự thất vọng từ phương Tây - đã không công khai chỉ trích các hành động quân sự của Nga ở Ukraine.
Khi Nga bị trừng phạt, Ấn Độ đã tăng cường mua dầu thô của Nga. Ấn Độ bị các nước phương Tây chỉ trích nặng nề. Nếu dầu của Nga bị loại khỏi thị trường quốc tế, giá dầu toàn cầu sẽ tăng vọt. Theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, Ấn Độ vẫn tiếp tục mua dầu của Nga. Điều này có ý nghĩa rất lớn: nền kinh tế Ấn Độ được hưởng lợi từ dầu Nga tương đối rẻ, nền kinh tế Nga có thể tồn tại sau các lệnh trừng phạt của phương Tây và giá dầu toàn cầu vẫn ổn định, từ đó bảo vệ thế giới khỏi lạm phát tràn lan.
Thách thức và con đường phía trước
Bất chấp những bước phát triển tích cực này trong quan hệ song phương, phải thừa nhận rằng tiềm năng của quan hệ Ấn Độ-Nga vẫn chưa được phát huy tối đa do thiếu sự kết nối giữa hai nước. Trong vấn đề này, tầm quan trọng của Hành lang Vận tải Quốc tế Bắc-Nam (INSTC), kết nối Ấn Độ với Nga thông qua Iran, đang ngày càng tăng lên. Dự án đã bắt đầu từ hơn 20 năm trước và có thể sẽ sớm được triển khai chính thức. Sự kết nối này sẽ có tác động lớn đến quan hệ thương mại Ấn Độ-Nga.
Cùng với đó, dù cả hai bên đã quản lý khá tốt mối quan hệ song phương trước tình trạng hỗn loạn toàn cầu hiện nay, nhưng họ vẫn nên cảnh giác với thực tế rằng các yếu tố địa chính trị không chắc chắn có thể tác động bất ngờ đến quan hệ Nga - Ấn. Ngoài ra, cần có sự đánh giá đúng đắn về mối quan tâm an ninh của nhau. Ấn Độ có những lợi ích chiến lược sâu sắc nhưng cũng có những lỗ hổng an ninh ở lục địa Á-Âu cũng như khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn. An ninh của Nga có mối quan hệ chặt chẽ với châu Âu, vùng Balkan, Trung Đông, Afghanistan và khu vực Á-Âu. Cả hai nước đều bị ảnh hưởng bởi các vấn đề khủng bố, cực đoan hóa và bất ổn ở Afghanistan.
Để tạo thêm động lực cho quan hệ song phương, điều quan trọng là hội nghị thượng đỉnh truyền thống hàng năm giữa lãnh đạo Ấn Độ và Nga, vốn bị gián đoạn vào năm 2022, phải được khôi phục. Có một số vấn đề về cơ cấu mà hai bên cần giải quyết để đưa quan hệ lên một tầm cao mới.
Nga và Ấn Độ cần đảm bảo với nhau rằng mối quan hệ của họ với nước thứ ba không tác động tiêu cực đến quan hệ song phương. Điều quan trọng là phải có các cuộc tiếp xúc thường xuyên ở cấp cao nhất để hiểu quan điểm của nhau về các vấn đề khu vực và toàn cầu quan trọng. Ấn Độ đã kêu gọi cải cách chủ nghĩa đa phương và dân chủ hóa hệ thống Liên hợp quốc. Cả hai nước có thể hợp tác cùng nhau trong lĩnh vực quan trọng này. Ấn Độ cũng đang tích cực giải quyết các vấn đề về Nam toàn cầu. Việc mở rộng BRICS thành BRICS+ mang đến cơ hội cho họ định hình tổ chức trong một môi trường mới. Tương tự như vậy, Ấn Độ và Nga có thể phối hợp trong SCO và G20.
Sau khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, cơ chế thanh toán để giải quyết các giao dịch thương mại được cho là chưa đầy đủ. Mặc dù Ấn Độ đã mua số lượng lớn dầu của Nga nhưng cơ chế thanh toán ổn định vẫn chưa được hình thành. Vấn đề này cần được giải quyết khẩn trương, linh hoạt để quan hệ song phương không bị ảnh hưởng tiêu cực.
Tương tự, hai bên cần sớm ký kết hiệp định bảo hộ đầu tư song phương để tạo thuận lợi cho đầu tư. Các rào cản phi thuế quan trong thương mại cũng cần nhanh chóng dỡ bỏ. Mối quan hệ giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm của hai bên chưa đầy đủ và kém phát triển. Những vấn đề này cần được giải quyết để củng cố tiềm năng thương mại và kinh tế của hai bên.
Tóm lại, trong thế giới đa cực, một quốc gia có chủ quyền có nhiều lựa chọn – nhưng không có gì đảm bảo rằng một thế giới như thế này nhất thiết sẽ hòa bình và ổn định. Nga và Ấn Độ cùng với các nước khác có thể và nên đóng góp vào sự phát triển của một thế giới đa cực hòa bình, ổn định dựa trên ý tưởng hài hòa trong đa dạng, pháp quyền, hợp tác và thích nghi, trong đó khát vọng an ninh và tăng trưởng vì tất cả đều được tính đến.