Lý do Shell từ bỏ các dự án hydro của Na Uy

Shell Plc được cho là đã từ bỏ kế hoạch xây dựng một nhà máy hydro carbon thấp ở bờ biển phía tây Na Uy do thiếu nhu cầu.

Ảnh: OP

Ảnh: OP

Người phát ngôn của Shell nói với Reuters: "Chúng tôi chưa thấy thị trường hydro xanh thành hiện thực và quyết định không tiến hành dự án".

Thông báo của Shell được đưa ra ngay sau động thái tương tự của gã khổng lồ dầu khí Equinor ASA. Tuần trước, công ty năng lượng đa quốc gia thuộc sở hữu nhà nước của Na Uy đã thông báo rằng họ sẽ không tiếp tục kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí hydro từ Na Uy đến Đức với đối tác RWE, với lý do thiếu khách hàng cũng như không đủ nguồn cung và những vướng mắc trong khuôn khổ pháp lý.

Trước đó, Equinor dự định xây dựng các nhà máy hydro, nhằm hướng tới việc gửi 10 gigawatt hydro xanh mỗi năm cho Đức.

"Chúng tôi đã quyết định dừng dự án. Đường ống hydro đã không được chứng minh là khả thi. Điều đó cũng ngụ ý rằng kế hoạch sản xuất hydro cũng bị gác lại", người phát ngôn của Equinor nói với Reuters.

Trong thập kỷ qua, các chuyên gia khí hậu đã đề cao vai trò to lớn của hydro trong việc giúp hành tinh hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu thảm khốc. Thật vậy, các mô hình zero-zero đã dự báo rằng hydro có thể cung cấp tới 20% năng lượng sơ cấp của thế giới vào năm 2050, gần bằng tất cả năng lượng tái tạo hiện đang đóng góp vào cơ cấu năng lượng của Mỹ. Không có gì ngạc nhiên khi không thiếu những tham vọng lớn về hydro.

Thật không may, ngành hydro đang gặp khó khăn chủ yếu do chi phí cao. Theo Bloomberg New Energy Finance (BNEF), chỉ 12% nhà máy hydro có khách hàng với thỏa thuận bao tiêu. Ngay cả trong số các dự án đã ký thỏa thuận bao tiêu, hầu hết đều có những thỏa thuận mơ hồ, không ràng buộc và có thể bị loại bỏ một cách lặng lẽ nếu khách hàng tiềm năng rút lui.

Hydro xanh được tạo ra bằng cách điện phân nước sử dụng năng lượng tái tạo có chi phí gần gấp 4 lần so với hydro xám được tạo ra từ khí tự nhiên hoặc metan, sử dụng quá trình cải tạo khí metan bằng hơi nước nhưng không thu được khí nhà kính thải ra trong quá trình này. Điều này gây khó khăn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng hydro khi nhu cầu có thể không thành hiện thực trong nhiều năm.

Nhà phân tích Martin Tengler của BNEF lưu ý: "Không có nhà phát triển dự án nào sẽ bắt đầu sản xuất hydro mà không có người mua và không có chủ ngân hàng nào sẽ cho nhà phát triển dự án vay tiền mà không có niềm tin rằng ai đó sẽ mua hydro".

Bình An

OP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/ly-do-shell-tu-bo-cac-du-an-hydro-cua-na-uy-718013.html