Lý do Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa tiến hành chiến dịch mới trên bộ ở miền Bắc Syria
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố Ankara sẽ buộc YPG phải rời khỏi khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, tuy nhiên cho đến nay, chiến dịch trên bộ mà ông từng đe dọa vẫn chưa diễn ra.
Trở lại tháng 6/2022, Tổng thống Tayyip Erdogan nói rằng, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm tiến hành một chiến dịch mới trên bộ ở miền Bắc Syria với mục đích đánh bại Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) và buộc lực lượng này phải rời khỏi các khu vực mà họ kiểm soát ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, một động thái như vậy là cần thiết vì lý do an ninh, sau khi Ankara đổ lỗi cho YPG và các nhóm liên quan về vụ đánh bom gần đây ở Istanbul cũng như các vụ tấn công trước đó.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở biên giới Syria đã sẵn sàng cho một chiến dịch quân sự trên bộ xuyên biên giới mới và chỉ còn chờ mệnh lệnh từ Tổng thống Erdogan.
Nhiều người dự đoán quyết định chính thức sẽ được đưa ra sau cuộc họp nội các ngày 28/11. Tuy nhiên Tổng thống Erdogan đã không nhắc trực tiếp đến vấn đề này trong bài phát biểu của ông.
Tới nay, Thổ Nhĩ Kỳ mới chỉ dừng lại ở các cuộc pháo kích và không kích.
Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ muốn tiến hành chiến dịch ở miền Bắc Syria?
Thổ Nhĩ Kỳ coi YPG và rộng hơn là SDF là một nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK).
PKK chống lại nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1984 và bị Ankara cũng như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) coi là tổ chức khủng bố.
Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc PKK và các nhóm liên kết đã thực hiện nhiều vụ tấn công ở nước này. Trong khi đó, Ankara cũng đã tiến hành nhiều chiến dịch chống PKK ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền Bắc Iraq, cũng như chống lại YPG ở miền Bắc Syria.
Ngày 13/11, một vụ đánh bom ở Istanbul đã khiến 6 người thiệt mạng. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đổ lỗi sự việc này cho PKK và YPG, mặc dù cả 2 đều bác bỏ có liên quan.
Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng các đồng minh của họ, đặc biệt là ở phương Tây, không coi trọng các mối đe dọa an ninh do PKK gây ra đối với Ankara và đặc biệt phản đối việc phương Tây ủng hộ SDF như một phần của liên minh chống ISIL.
Khả năng Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch xuyên biên giới?
Mặc dù từng tuyên bố muốn tiến hành một chiến dịch mới trên bộ vào Syria từ hồi tháng 6, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với sự phản đối của các thế lực quốc tế can dự ở Syria, trong đó có Iran, Nga và Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thường tránh tiến hành các chiến dịch quân sự ở Syria mà không được sự chấp nhận “ngầm” của ít nhất một trong các bên nêu trên. Quan điểm của Nga là đặc biệt quan trọng, nhất là với sự hiện diện mạnh mẽ của Moscow ở Syria. Thổ Nhĩ Kỳ không muốn đối đầu với Nga – nước ủng hộ chính phủ Syria.
Theo Al Jazeera, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang tiến hành các cuộc đàm phán liên quan đến chiến dịch mà Ankara đã lên kế hoạch. Theo nguồn tin Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đang tìm cách đáp ứng yêu cầu của Ankara ở miền Bắc Syria, để từ đó tranh một chiến dịch trên bộ của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào YPG.
Các nguồn tin cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã nêu thời hạn chót để Nga đáp ứng yêu cầu, nếu không Ankara sẽ tiến hành chiến dịch. Dù vậy, thời hạn chót này không được đề cập cụ thể là khi nào.
Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu những gì?
Nguồn tin Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Ankara đã yêu cầu Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) trong đó phần lớn là YPG, rút khỏi các khu vực Manbij, Kobane (Ayn al-Arab) và Tal Rifaat – những địa điểm mà ông Erdogan tuyên bố sẽ là mục tiêu trong chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn các lực lượng chính phủ Syria thay thế SDF tại các khu vực nêu trên.
Ông Erdogan nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ “không cần sự cho phép” để làm những gì cần thiết nhằm bảo vệ biên giới và an ninh của nước này.
Thổ Nhĩ Kỳ có thể khôi phục quan hệ với chính phủ Syria?
Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ phe đối lập chống lại chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến ở Syria từ năm 2011.
Tuy nhiên, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ ra rằng họ muốn lực lượng chính phủ Syria, chứ không phải SDF, kiểm soát các khu vực dọc biên giới Syria với Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này được xem như một sự thỏa hiệp với Nga.
Ngày 27/11, Tổng thống Erdogan cho biết, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Syria có thể “đi đúng hướng”. Ông thậm chí còn so sánh khả năng hòa giải với Damascus với những động thái gần đây nhằm chấm dứt tranh chấp kéo dài giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Ai Cập./.