Lý do Thụy Điển và Phần Lan vẫn chưa gia nhập NATO
Cả Thụy Điển và Phần Lan đều từng coi việc trở thành thành viên NATO là hành động khiêu khích đối với Nga. Tuy nhiên, sau khi chiến sự ở Ukraine nổ ra, tư duy này đã thay đổi.
Phần Lan và Thụy Điển có thể sẽ nộp đơn xin trở thành thành viên của liên minh quân sự gồm 30 quốc gia trong vòng vài ngày tới. Động thái này sẽ chấm dứt hàng thập niên theo đuổi chính sách không liên kết quân sự của hai quốc gia Bắc Âu sau khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine.
NATO là gì?
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là liên minh quân sự phòng thủ được thành lập vào năm 1949 bởi 12 quốc gia bao gồm Mỹ, Anh và Pháp.
Đảm bảo an ninh chung của NATO dựa trên Điều 5 của hiệp ước. Điều 5 quy định tấn công vào một quốc gia của liên minh đồng nghĩa tấn công vào tất cả thành viên, do đó họ cam kết bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang.
Tại sao Phần Lan và Thụy Điển không phải là thành viên NATO?
Cả hai nước cho rằng việc tham gia liên minh quân sự sẽ thể hiện hành động khiêu khích không cần thiết đối với Nga. Do đó, từ lâu Phần Lan và Thụy Điển theo đuổi chính sách trung lập, và sau đó là không liên kết quân sự để tránh thách thức cường quốc lớn trong khu vực.
Những lo ngại của Phần Lan mang tính thực tế. Nước này có chung đường biên giới dài 1.300 km với Nga. Sau khi chịu cảnh cai trị của Moscow hơn một thế kỷ, Phần Lan tuyên bố độc lập vào năm 1917. Quân đội nước này cũng 2 lần đối đầu với Liên Xô trong thế chiến II trước khi nhượng bộ khoảng 10% lãnh thổ.
Một thỏa thuận hữu nghị, hợp tác và tương trợ năm 1948 với Nga đã cô lập Phần Lan về mặt quân sự khỏi Tây Âu. Tuy nhiên, sự tan rã của Liên Xô và tư cách thành viên EU của Helsinki đã cho phép nước này thoát ra khỏi cái bóng của Nga.
Trong khi đó, Thụy Điển phản đối gia nhập NATO phần nào mang tính ý thức hệ nhiều hơn. Chính sách đối ngoại thời hậu chiến của nước này tập trung vào đối thoại đa phương và giải trừ vũ khí hạt nhân. Stockholm từ lâu coi mình là trung gian hòa giải trên trường quốc tế, giảm bớt quy mô quân đội sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Thụy Điển áp lệnh cấm vận và tăng cường chi tiêu quốc phòng kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. Tuy nhiều nhiều người ở phe cánh tả Thụy Điển vẫn nghi ngờ về chương trình nghị sự của NATO do Mỹ lãnh đạo. Họ cho rằng việc trở thành thành viên NATO sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Tại sao Phần Lan và Thụy Điển lại xem xét gia nhập lúc này?
Tháng trước, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin và người đồng cấp Thụy Điển Magdalena Andersson nói rằng cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã "thay đổi toàn bộ bối cảnh an ninh châu Âu" và "định hình tư duy" ở khu vực Bắc Âu.
Ngày càng có nhiều người Phần Lan và Thụy Điển cảm thấy việc gia nhập NATO sẽ giúp họ an toàn khi đối mặt Nga. Các cuộc thăm dò cho thấy sự ủng hộ của công chúng đối với tư cách thành viên NATO đã tăng lên khoảng 75% ở Phần Lan và khoảng 60% ở Thụy Điển.
Trở thành thành viên NATO có nghĩa là lần đầu tiên Phần Lan và Thụy Điển nhận đảm bảo an ninh từ các quốc gia hạt nhân.
NATO có chào đón Phần Lan và Thụy Điển không?
Cả hai nước chuyển từ trung lập sang không liên kết quân sự vào năm 1995 khi họ gia nhập EU. Phần Lan và Thụy Điển là đối tác của NATO và tham gia các cuộc tập trận, trao đổi thông tin tình báo với liên minh.
Phần Lan đã đáp ứng mục tiêu chi tiêu quốc phòng của NATO là 2% GDP, trong khi Thụy Điển đang trong tiến trình làm vậy.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng cả 2 nước sẽ được "chào đón với vòng tay rộng mở" nếu chính thức nộp đơn. Ông nói quá trình gia nhập cũng sẽ nhanh chóng, trong khi để có được cái gật đầu của tất cả thành viên có thể mất tới vài tháng.
Nhìn từ khía cạnh quân sự, việc bổ sung lực lượng vũ trang của Phần Lan và Thụy Điển sẽ thúc đẩy hiện diện của NATO ở Bắc Âu, lấp đầy lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ của liên minh khi tăng gấp đôi chiều dài biên giới với Nga, cải thiện an ninh và ổn định ở khu vực Baltic.
Nga phản ứng thế nào?
Nga đã nhiều lần cảnh báo Phần Lan và Thụy Điển về việc gia nhập NATO. Điện Kremlin nói động thái này sẽ gây ra "hậu quả chính trị và quân sự nghiêm trọng", buộc nước này phải thực hiện các bước trả đũa để "khôi phục cán cân quân sự" bằng cách tăng cường phòng thủ ở Baltic, bao gồm cả triển khai vũ khí hạt nhân.
Moscow luôn coi NATO là mối đe dọa an ninh với Nga chứ không phải là một liên minh phòng thủ. Trước đó, ông Putin đã yêu cầu quân NATO phải rút quân khỏi Đông Âu.
Chưa rõ Nga sẽ phản ứng ra sao nếu nước này coi việc liên minh mở rộng ở Bắc Âu là mối nguy hiểm hiện hữu.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Tổng thống, thủ tướng và bộ trưởng nội các cấp cao của Phần Lan sẽ họp vào ngày 15/5 để chính thức quyết định nộp đơn đăng ký. Quyết định đồng ý nộp đơn sau đó sẽ được trình lên quốc hội Phần Lan và thông qua vào đầu tuần tới.
Trong khi đó, đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền của Thụy Điển đang bị chia rẽ trong vấn đề này. Các thành viên đang tổ chức một cuộc tham vấn nội bộ và thông báo quyết định vào ngày 15/5.
Truyền thông Thụy Điển cho biết quyết định cuối cùng của chính phủ sẽ được đưa ra vào ngày 16/5. Đơn xin gia nhập chính thức dự kiến được nộp ngay sau đó.
Nhiều nhà phân tích tin rằng Phần Lan và Thụy Điển sẽ nộp đơn xin gia nhập cùng một lúc.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ly-do-thuy-dien-va-phan-lan-van-chua-gia-nhap-nato-post1316778.html