Lý do tiêm kích F-16 khó giúp Ukraine lật ngược thế cờ trước Nga?

Máy bay chiến đấu F-16 được kỳ vọng sẽ trở thành 'viên đạn bạc' giúp Ukraine đối phó Nga, song các chuyên gia vẫn hoài nghi về khả năng xoay chuyển chiến sự của tiêm kích này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen ngồi trên máy bay chiến đấu F-16 tại Căn cứ không quân Skrydstrup ở Vojens (Đan Mạch) ngày 20/8/2023. Ảnh: Reuters

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen ngồi trên máy bay chiến đấu F-16 tại Căn cứ không quân Skrydstrup ở Vojens (Đan Mạch) ngày 20/8/2023. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, hơn 2 năm sau khi Kiev bắt đầu yêu cầu các đồng minh cung cấp máy bay chiến đấu F-16 để giúp nước này chống lại lực lượng Nga, những tiêm kích đầu tiên do Mỹ sản xuất sẽ được bàn giao vào tháng 7 tới.

Quá trình bàn giao loại tiêm kích hiện này này bị kéo dài, từ việc mua máy bay do Mỹ thiết kế và huấn luyện phi công Ukraine lái tiêm kích, đã khiến chính quyền Kiev thất vọng.

Nga đã có thời gian chuẩn bị lực lượng phòng thủ để tìm cách vô hiệu hóa hoạt động của máy bay F-16. Trong khi đó, quân đội Ukraine phải cầm cự với một lực lượng không quân suy yếu chỉ bằng một phần nhỏ về quy mô và độ tinh vi của đối phương.

F-16 được kỳ vọng sẽ trở thành "viên đạn bạc" giúp Ukraine đối phó Nga, nhưng các chuyên gia vẫn hoài nghi về khả năng xoay chuyển chiến sự của tiêm kích này.

Một số nhà phân tích nhận định, chỉ riêng máy bay F-16 sẽ không thể giúp Ukraine tạo ra bước ngoặt trong cuộc xung đột với Nga.

Chuyên gia Mark Cancian, cố vấn cấp cao của Chương trình An ninh Quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết: "Cần chải tách biệt loại khí tài biểu tượng khỏi tác động thực tế trên chiến trường, đặc biệt là vào thời điểm ban đầu".

Serhii Kuzan, Chủ tịch Trung tâm Hợp tác và An ninh Ukraine cho rằng Kiev sẽ cần ít nhất 60 máy bay F-16 cho các hoạt động tác chiến quan trọng mới có thể đẩy lùi lực lượng không quân Nga ra khỏi biên giới của mình.

Trong khi đó, nghị sĩ Oleksandra Ustinova, người đứng đầu Ủy ban về vũ khí và đạn dược của Quốc hội Ukraine cho biết, nước này sẽ cần gần 120 chiếc F-16 để tăng cường đáng kể năng lực không quân.

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, đợt chuyển giao lô tiêm kích F-16 đầu tiên ít nhất có thể giúp Ukraine củng cố lá chắn phòng không của nước này.

"F-16 sẽ giúp Ukraine nâng cao năng lực phòng không, giúp đánh chặn máy bay không người lái Shahed và tên lửa hành trình, mặc dù giải pháp đánh chặn này rất tốn kém, xét về mặt đạn dược" - nhà nghiên cứu cấp cao về sức mạnh không quân và công nghệ Justin Bronk tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) nhận định với Reuters.

Theo chuyên gia Kuzan, trong những tháng gần đây, quân đội Ukraine đã nỗ lực để giảm thiểu mối đe dọa nhằm vào các tiêm kích F-16 mà nước này sắp được nhận bằng cách tấn công hệ thống phòng không của Nga. Vị chuyên gia cho biết: "Với việc mở thêm mặt trận, đặc biệt là ở phía nam, Ukraine có khả năng tấn công một cách có hệ thống các tổ hợp phòng không quan trọng nhất của Nga".

Trở ngại về phi công và bảo trì

Các chuyên gia cho rằng việc huấn luyện phi công đóng vai trò rất quan trọng trong việc vận hành F-16. "Ukraine có cơ hội sở hữu thêm nhiều máy bay chiến đấu F-16 hiện đại, nhưng nếu chúng không có vũ khí hiệu quả và kíp lái không thể sử dụng chúng với chiến thuật hiệu quả, những tiêm kích này sẽ bị bắn hạ với số lượng lớn" - chuyên gia Bronk nhận xét.

Trên thực tế, tiến trình đào tạo phi công Ukraine lái F-16 đã "phủ bóng" các cuộc thảo luận về việc chuyển giao tiêm kích cũng như cam kết cung cấp hơn 70 máy bay chiến đấu này.

Theo nghị sĩ Ustinova, đến cuối năm 2024, Ukraine dự kiến sẽ có ít nhất 20 phi công sẵn sàng lái F-16.

"Rất khó để thuyết phục các đồng minh cung cấp thêm máy bay cho Ukraine nếu không có người vận hành chúng”- bà Ustinova cho biết, đồng thời tiêt lộ rằng Ukraine sẽ có nhiều tiêm kích F-16 hơn số phi công đủ khả năng vận hành chúng.

Giới chức Mỹ trước đó đã đề cập đến khó khăn trong việc huấn luyện phi công F-16 cho Ukraine và cho rằng các phi công cũng có thể được đào tạo ở châu Âu. Tuy nhiên, chuyên gia Bronk cho biết năng lực của các nước thành viên NATO đã bị hạn chế.

Bên cạnh đó, chuyên gia Bronk lưu ý thêm việc bảo trì máy bay còn là một thách thức cấp bách hơn cả việc đào tạo phi công. Ông cho rằng phần lớn việc sửa chữa cũng như bảo trì cần phải được tiến hành bên trong lãnh thổ Ukraine và có thể phải nhờ đến các nhà thầu nước ngoài hiểu rõ về loại máy bay này.

Căn cứ không quân bị đe dọa

Một số chuyên gia cho biết, Nga đã tăng cường tấn công vào cơ sở hạ tầng có thể được Ukraine sử dụng để bảo trì và triển khai F-16.

"Nga liên tục tấn công tất cả sân bay, các căn cứ tiềm năng mà F-16 có thể được triển khai, bao gồm việc phá hủy các đường băng và cơ sở hạ tầng. Các đợt tấn công này đã không dừng lại ít nhất trong hai tháng qua" - chuyên gia Kuzan của Ukraine cho hay.

Chính vì vậy, các mục tiêu quân sự sẽ càng trở nên có giá trị hơn đối với Nga khi máy bay F-16, phi công và đội bảo trì được đưa đến Ukraine. Điều này có khả năng buộc Ukraine phải lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa để phòng vệ trong bối cảnh nước này đang thiếu cả hệ thống phòng không lẫn đạn dược.

"Chúng ta phải chấp nhận thực tế rằng các sân bay sẽ được bảo vệ tốt hơn so với các khu vực dân sự" - chuyên gia Kuzan cảnh báo, đồng thời cho biết mỗi căn cứ sẽ cần ít nhất 2 hệ thống phòng không Patriot và hai khẩu đội tên lửa đất đối không NASAMS để bảo vệ.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ly-do-tiem-kich-f-16-kho-giup-ukraine-lat-nguoc-the-co-truoc-nga.html