Lý do TP.HCM chưa công bố cấp độ dịch theo Nghị quyết 128
Chưa chính thức công bố cấp độ dịch theo Nghị quyết 128 nhưng trên thực tế, TP.HCM đã thí điểm theo tinh thần này từ ngày 1/10 - thời điểm áp dụng Chỉ thị 18.
Một tuần kể từ khi Chính phủ chính thức ban hành Nghị quyết 128 và Bộ Y tế ban hành Quyết định 4800 về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, mới hơn 20 trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chính thức công bố cấp độ dịch.
TP.HCM là một trong những địa phương chưa có báo cáo đánh giá cũng như chưa chính thức công bố cấp độ dịch theo nghị quyết mới này.
TP.HCM đã đi trước
Dù chưa chính thức công bố cấp độ dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, trên thực tế, TP.HCM đã thực hiện tinh thần của nghị quyết này từ 1/10 - thời TP điểm áp dụng Chỉ thị 18.
Theo ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, chỉ thị này được xây dựng trên cơ sở đánh giá TP ở cấp độ dịch thứ 3 theo dự thảo hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Phụ lục trong chỉ thị về các lĩnh vực được phép hoạt động có nhiều điểm tương đồng so với Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Một ngày sau Chỉ thị 18 của UBND TP.HCM, TP Thủ Đức là địa phương đầu tiên ban hành đánh giá cấp độ dịch tại 34 phường (19 phường cấp độ 2 - vàng; 15 phường cấp độ 3 - cam) cùng điều kiện hoạt động của các lĩnh vực. Thành phố cũng cho biết sẽ đánh giá lại cấp độ dịch định kỳ hàng tuần và xem xét tăng/giảm mức giãn cách tùy tình hình phòng chống dịch.
Chia sẻ với Zing, một lãnh đạo TP Thủ Đức cho biết việc đánh giá cấp độ dịch của địa phương khi đó căn cứ trên dự thảo Hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Như vậy, thực tế cho thấy TP.HCM là địa phương đầu tiên thí điểm trước việc thích ứng với dịch trên tinh thần của Nghị quyết 128 cũng như Quyết định 4800. Một lãnh đạo UBND TP.HCM xác nhận với Zing việc "thực hiện trước" này đã được sự đồng ý của Trung ương.
Nhiều quận, huyện chờ hướng dẫn
Ngày 17/10, Sở Y tế TP.HCM có hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch theo Quyết định 4800 gửi đến các đơn vị hành chính cấp huyện. Theo đó, ban chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện, TP Thủ Đức được yêu cầu áp dụng cách đánh giá theo hướng dẫn từ 17/10 và phải đánh giá lại vào thứ 6 hàng tuần.
Ngay sau Quyết định 4800, nhiều quận, huyện nhanh chóng đánh giá cấp độ dịch và báo cáo lên UBND TP.HCM, cụ thể: Quận 7 - cấp độ 1; quận 11 - cấp độ 1; quận 1 - cấp độ 2 (tính đến 18/10).
Dù nhiều địa bàn đã ở cấp độ 1, lãnh đạo quận, huyện đều cho biết chưa thể thực hiện biện pháp áp dụng theo Nghị quyết 128 mà đang chờ UBND TP.HCM công bố cấp độ dịch và hướng dẫn cụ thể.
Chủ tịch UBND quận 11 Trần Phi Long cho rằng dù chờ thành phố cho phép mở thêm các hoạt động, quận không quá sốt ruột. Bởi lẽ, các hoạt động khôi phục kinh tế đã mở lại khoảng 90%, chỉ còn một số dịch vụ tạm ngưng như ăn uống tại chỗ, karaoke, massage...
Các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp được hoạt động trở lại đang thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, còn một số đơn vị chờ do tâm lý còn sợ hãi; hoặc bị mất nguồn lao động, chưa thể mở cửa lại. Ông Long chia sẻ quan điểm với việc TP.HCM mở cửa thận trọng từng bước, không nóng vội.
Trong khi đó, Bí thư Quận 1 Trần Kim Yến cho biết dù một vài phường trong quận liên tục nhiều ngày không phát hiện ca nhiễm mới, quận vẫn thận trọng trong mở cửa vì lo lắng có tình trạng ủ bệnh.
Nói về cấp độ dịch của TP.HCM chiều 18/10, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết thành phố đang "hơi lấp lửng ở cấp độ 2"."Nếu kiểm soát tốt có thể qua cấp độ 2, còn nếu lệch một chút thì qua cấp độ 3. Nhưng đang có xu hướng dịch về cấp độ 2", ông nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM sẽ công bố cấp độ dịch trong vài ngày tới. Tinh thần là không thay thế Chỉ thị 18 mà có thể chỉ thay đổi phần phụ lục cho phù hợp với cấp độ dịch của TP.HCM.
Có thể cho phép ăn uống tại chỗ để tạo sinh khí
Từ quan điểm dịch tễ học, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TP.HCM, cho rằng với tỷ lệ tiêm chủng cao như hiện nay, TP.HCM hoàn toàn có thể nới lỏng các hoạt động tương tự nhiều quốc gia khác. Ông cho rằng cấp độ 2 là phù hợp với tình hình của thành phố.
Theo Nghị quyết 128, nếu ở cấp độ dịch 2, TP.HCM sẽ phải tiếp tục ngừng hoạt động hoặc hoạt động hạn chế các cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, karaoke, massage, quán bar, Internet, trò chơi điện tử, làm tóc (bao gồm cắt tóc), làm đẹp và một số cơ sở khác do địa phương quyết định. Hoạt động bán hàng rong, vé số dạo có thể được hoạt động (hoặc hoạt động có điều kiện) trở lại.
Một số lĩnh vực được hoạt động hạn chế như: Giáo dục, đào tạo trực tiếp; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; bảo tàng, triển lãm, thư viện, rạp chiếu phim, cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao... Đặc biệt, với cấp độ dịch 2, người dân tại TP.HCM có thể đi lại giữa những địa bàn có cấp độ dịch khác nhau mà không bị hạn chế.
"Cá nhân tôi nghĩ TP.HCM có thể cho phép ăn uống tại chỗ bởi đây là hoạt động đem lại sinh khí cho thành phố, kích thích nhu cầu sinh hoạt và kích cầu kinh tế", PGS.TS Đỗ Văn Dũng đánh giá.
Tuy nhiên, với các hoạt động giải trí có nguy cơ lây nhiễm cao như rạp chiếu phim, karaoke, quán bar... ông cho rằng chưa nên mở. Dù chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, chuyên gia nhận định đây là các hoạt động không thiết yếu, chủ yếu hoạt động trong không gian kín nên nguy cơ rất cao.